Chuyện Khắp Nơi

Phát hiện cá nhám voi trong thủy cung chỉ là robot khiến du khách tức giật đòi trả vé

Tuesday, 26/11/2024 - 07:49:09

Chú cá nhám voi đó hóa ra lại là một cỗ máy mô phỏng hình dáng và chuyển động của cá nhám voi thật.

TQ

Sau 5 năm cải tạo, Thủy cung Xiaomeisha, ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã mở cửa trở lại vào ngày 01/10/2024, và thu hút 100,000 du khách háo hức muốn đến để xem loài cá lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự phấn khích nhanh chóng chuyển thành thất vọng khi du khách phát hiện 'chú cá nhám voi' đó hóa ra lại là một cỗ máy mô phỏng hình dáng và chuyển động của cá nhám voi thật. Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những đường nối và khe hở rõ ràng của cá nhám voi giả, gây ra sự phẫn nộ cho du khách khi họ đã phải bỏ ra $40 đô la với mong muốn được chiêm ngưỡng một con cá nhám voi thật.

Trên thực tế, động cơ thực sự dẫn đến quyết định này lại vô cùng nhân văn. Thủy cung Xiaomeisha đã phản hồi lại tranh cãi và làm rõ rằng con cá nhám voi robot này không phải để lừa dối du khách, mà là để bảo vệ loài sinh vật biển kỳ vĩ này, tuân thủ theo quy định cấm đánh bắt và buôn bán loài Cá Nhám Voi. Hoạt động săn bắt loài cá nhám voi cũng như việc buôn bán và xuất khẩu các sản phẩm từ loài này bị cấm ở Trung Quốc, vì loài này được xếp vào danh sách những loài động vật, sinh vật biển cần được bảo vệ loại II cấp quốc gia, và Trung Quốc cũng là một trong những nước đã tham gia vào Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Nhiều du khách cũng cho rằng, việc các thủy cung thay cá thật bằng cá robot là hành động thiết thực để bảo vệ và tuyên truyền về bảo vệ động vật, bởi mỗi con cá nhám voi có thể sống từ 80 - 150 năm ngoài tự nhiên, trong khi chúng chỉ có thể sống tối đa 5 năm trong bể kính.

Trên tinh thần này, Thủy cung Xiaomeisha đã chi hàng triệu Nhân dân tệ để chế tạo ra một sản phẩm với công nghệ tiên tiến như vậy. Công trình cá nhám voi robot được phát triển thông qua sự hợp tác giữa Tập đoàn Haichang Ocean Park Holdings và Nhà máy 111 trực thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc. Con cá nhám voi robot này dài 15.5 ft, nặng 948 lbs và có thể mô phỏng chuyển động của cá nhám voi thật. Hướng đi này có một ưu điểm là tiết kiệm chi phí vận hành, bởi việc duy trì sự sống cho những gã khổng lồ của đại dương trong một không gian và môi trường nhân tạo luôn vô cùng tốn kém. Mỗi năm, Thủy cung phải chi đến hơn 100 triệu Nhân dân tệ (gần $15 triệu đô la) cho hoạt động chăm sóc và nuôi dưỡng chúng.

Hannah Williams, Cố vấn về Thú biển của Tổ chức In Defense of Animals cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Thủy cung Xiaomeisha đang tiến tới một loại hình giải trí nhân văn hơn khi nuôi cá nhám voi máy. Chúng tôi hy vọng động thái này sẽ khuyến khích mọi người suy ngẫm về lý do tại sao họ lại được quyền xem sinh vật biển trong điều kiện nuôi nhốt, đặc biệt là với những loài được biết đến là phải chịu tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và thể chất khi sống trong môi trường khép kín. Và Thủy cung này sẽ tiếp tục dẫn đầu với nhiều khu trưng bày không sử dụng động vật sống."

Cá Nhám Voi (𝘙𝘩𝘪𝘯𝘤𝘰𝘥𝘰𝘯 𝘵𝘺𝘱𝘶𝘴) hay còn được gọi là Cá Mập Voi, có chiều dài trung bình từ 16 ft đến 32 ft và cân nặng khoảng 37,000 lbs, được xem là loài cá lớn nhất hành tinh còn tồn tại cho đến ngày nay. Chúng sinh sống ở các vùng biển nhiệt đới trên khắp thế giới, nơi có nhiệt độ nước ấm áp. Cá nhám voi có chế độ ăn khác biệt so với những loài họ hàng cá mập khác, chúng không đi săn mồi mà chỉ mở miệng cho nước chảy vào bên trong khoang miệng rồi lọc lấy thức ăn.

Theo IUCN, số lượng Cá nhám voi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương được cho là đã giảm 63% trong suốt 75 năm qua, ở Đại Tây Dương được cho là đã giảm hơn 30%. Số lượng của loài cá này đang tiếp tục giảm, vì thế Cá nhám voi được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Hy vọng rằng việc ứng dụng công nghệ cơ khí để mô phỏng lại hình dáng và hành vi của động vật trong các khu thủy cung có thể mở ra một chương mới cho loại hình kinh doanh này, hướng tới một tương lai không còn sinh vật biển nào bị giam cầm và phải chịu đựng đau khổ trong những chiếc bể nhân tạo quá hữu hạn so với môi trường sống tự nhiên của chúng.

ST

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT