Bình Luận

Quân Mỹ trở lại Phi Luật Tân

Monday, 06/02/2023 - 11:29:17

Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn đi gặp Ngoại Trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang). Lý do chính thức là phản đối...


Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (bên phải) bắt tay Tổng Thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. tại dinh tổng thống ở Manila ngày 2 tháng 2, 2023. (Kyodo News via Getty Images)

 

Bài NGÔ NHÂN DỤNG

Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn đi gặp Ngoại Trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang). Lý do chính thức là phản đối Trung Cộng thả một “trái bóng gián điệp” bay qua Mỹ, lảng vảng trên trời tiểu bang Montana, nơi có các hầm chứa hỏa tiễn có thể gắn bom nguyên tử. Bắc Kinh giải thích quả ba lông chỉ là dụng cụ đo lường khí tượng, dầu nó lớn bằng hai chiếc xe buýt. (Máy bay chiến đấu quân đội Mỹ đã bắn hạ khí cầu này khi nó dạt ra tới ngoài khơi bờ biển của bang South Carolina vào ngày thứ Bảy, 4 tháng Hai.) Nhưng ông Blinken cũng biết rằng qua Trung Quốc lúc này chẳng ích lợi gì, sẽ chỉ phải nghe những lời than phiền rằng Mỹ lại tìm cách bao vây Trung Cộng, về quân sự, sau khi bao vây kinh tế, buộc các công ty Mỹ, Nhật và Hòa Lan không được cung cấp các máy móc làm chip tối tân cho nước này.

Ngày thứ Năm, 2 tháng 2, tại Manila, Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ sẽ được phép đưa quân đội đến bốn địa điểm mới ở Phi Luật Tân, nâng tổng số lên chín căn cứ.

Trước đây 40 năm, Phi Luật Tân là một đồng minh, với 15,000 binh sĩ Mỹ đồn trú, một quân cảng ở Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark. Trước năm 1992, Mỹ còn 6,000 quân đóng thường trực ở Phi Luật Tân. Sau khi Tổng Thống Ferdinand Marcos bị dân biểu tình lật đổ vì chuyên quyền và tham nhũng, Thượng Viện Phi đã biểu quyết không cho Mỹ triển hạn hiệp ước sử dụng Subic và Clark; Tổng Thống Corazon Aquino yêu cầu quân Mỹ rút. Cựu Tổng Thống Rodrigo Duterte có lúc đã dọa sẽ xóa bỏ hiệp ước an ninh với Mỹ để lấy lòng Trung Cộng, hy vọng được viện trợ xây dựng một đường xe lửa 500km ở vùng quê hương ông.

Nhưng Trung Cộng cũng không bắt mồi, biết mối quan hệ giữa Mỹ và Phi Luật Tân rất bền chặt. Nước này vốn là một thuộc địa cũ, được Mỹ trao trả độc lập năm 1947. Hơn 4 triệu người Philippine sống ở Mỹ, năm ngoái gửi về nước $13 tỷ mỹ kim, bằng 9% Tổng Sản Lượng Nội Địa. Và dân chúng Phi Luật Tân cũng nhìn thấy hành động của Bắc Kinh cướp chiếm các hòn đảo của các nước khác trong vùng Đông Nam Á.

Trung Cộng đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và ngang nhiên coi cả quần đảo Trường Sa (Spratly) thuộc quyền của họ. Năm 2012, Trung Cộng chiếm đảo Scarborough Shoal của Phi Luật Tân. Năm 2014 Trung Cộng xây dựng xong 10 căn cứ quân sự trên các đảo bị chiếm đóng; trong đó có Scarborough và Đá Vành Khăn (Mischief Reef) mà Việt Nam và Phi Luật Tân đều coi là thuộc nước mình.

Trong thời gian Trung Cộng bành trướng thế lực, Phi Luật Tân đã thành một khoảng trống trong vòng đai các căn cứ quân sự của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương, từ Nam Hàn, Nhật Bản xuống Úc, qua đảo Guam. Khoảng trống này nằm giữa hai vùng có thể gây tranh chấp giữa Trung Cộng và Mỹ, là eo biển Đài Loan và Biển Đông của nước ta.

Chính phủ Mỹ đang tăng cường liên minh quân sự trong vùng. Năm 2021 Mỹ cùng Úc, Nhật Bản, và Ấn Độ trong liên minh Quad công bố chủ trương một Vùng Mở Cửa và Tự Do ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Các nước Anh, Mỹ cam kết giúp Úc phát triển tàu ngầm dùng năng lượng nguyên tử. Và năm nay, Mỹ chính thức trở lại Phi Luật Tân.

Tân Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr., nhậm chức vào tháng Sáu năm ngoái, tháng Chín gặp Tổng Thống Joe Biden ở Liên Hiệp Quốc và chấp nhận cho Mỹ đem quân trở lại sau 30 năm vắng mặt. Ngày thứ Năm vừa qua, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin họp với Tổng Thống Phi ở Manila, hai bên đồng ý quân Mỹ sẽ tới bốn căn cứ quân sự, ngoài năm căn cứ đã thỏa thuận từ tháng 11 năm ngoái.

Bốn địa điểm mới mà ông Austin yêu cầu đều nằm bên những vùng bị Trung Cộng đe dọa. Ba căn cứ mới nằm ở phía Bắc đảo Luzon, Cagayan cách Đài Loan khoảng 200 cây số, phía dưới gần đó là Isabela. Căn cứ Zambales nằm cạnh quần đảo Scarborough. Căn cứ phía Tây Nam ở đảo Palawan, mà nhiều người Việt tị nạn đã quen tên, trông thẳng vào quần đảo Spratly, tức Trường Sa.

Nước Mỹ sẽ không xây dựng các binh trại thường trực, Lloyd Austin nhấn mạnh, vì hiến pháp mới của Phi Luật Tân không cho phép. Quân Mỹ chỉ đồn trú tại những căn cứ của quân đội Phi, mỗi sáu tháng lại được luân chuyển. Quân Mỹ sẽ xây dựng các nhà kho bom đạn, trừ bom nguyên tử, các kho chứa xăng dầu, chiến cụ và bộ phận sửa chữa. Họ sẽ thao dượt cùng quân Phi, rồi để lại các chiến cụ.

Hệ thống tiếp vận của quân đội Mỹ trong vùng Đông Á sẽ được tăng cường và trải rộng hơn trước, dễ phòng thủ hơn nếu bị tấn công. Nếu Đài Loan bị Trung Cộng đánh, quân đội Mỹ sẽ di chuyển và tiếp tế nhanh chóng hơn nhờ hệ thống tiếp vận được mở rộng.

Được phép trở lại Phi Luật Tân, quân đội Mỹ sẽ tăng cường cho an ninh vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngày 11 tháng Giêng vừa qua, Thủ Tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đồng ý cho phép thủy quân lục chiến Mỹ đóng ở Okinawa có thể đồn trú thêm trên những hòn đảo khác ở phía Nam, rải rác kéo dài tới Đài Loan và đối diện với bờ biển Trung Quốc. Đầu tuần này, ông Austin đã tuyên bố Mỹ sẽ gửi thêm phi cơ oanh tạc và phi cơ chiến đấu tới Nam Hàn, sau khi gặp các nhà lãnh đạo ở Seoul.

Phó Tổng Thống Kamala Harris thăm Phi Luật Tân vào tháng 11 năm ngoái, báo hiệu hai nước nối lại các quan hệ mật thiết sau thời Tổng Thống Rodrigo Duterte.

Tại Manila, ông Austin đã nói thẳng rằng việc hợp tác giữa hai nước nhằm đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Cộng. O ng kết án Trung Cộng lấn chiếm các hòn đảo ở vùng Biển Tây của Phi Luật Tân. Nhưng ông Austin còn nêu lý do cao hơn vấn đề an ninh, là nhân dân hai nước cùng tin tưởng vào những giá trị tự do, dân chủ và tôn trọng phẩm giá con người. “Chúng ta không chỉ là những nước đồng minh; chúng ta là một gia đình,” ông Austin nói.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân cũng nói thẳng rằng hiệp ước mới, cho quân Mỹ đồn trú, “gửi một thông điệp cho Trung Quốc” để ngăn ngừa các hành động xâm lăng. Mặc dù vẫn giữ quan hệ thân thiện với Trung Cộng, Tổng Thống Marcos cũng nói với ông Austin rằng, “Tôi luôn luôn tin rằng tương lai Phi Luật Tân và vùng Á châu Thái Bình Dương cần nước Mỹ hỗ trợ.”

Đây là một sự thật, các nước khác phải nhìn thấy, trước kế hoạch xâm lấn và đe dọa của Cộng Sản Trung Quốc. Trong cuộc họp liên minh Quad năm 2021, bốn nước đã mời Nam Hàn, New Zealand và Việt Nam đến dự khán. Nam Hàn và New Zealand đã liên kết với Mỹ rồi. Chỉ có chính quyền cộng sản ở Việt Nam còn chưa dám cựa quậy.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT