Pháp Luật

Quyền lợi hưu trí cho thân nhân

Thursday, 04/03/2010 - 02:34:19

Tiền lương hưu hàng tháng mỗi người được lãnh tối đa là bao nhiêu? Tiền lương hưu tối đa tùy thuộc vào số tuổi bạn chọn để về hưu. Vào năm 2009, ...

Luật Sư Trần Khánh Hưng

Trong một số báo truớc, chúng tôi có nói về lương hưu. Tuần này chúng tôi xin bàn về vấn đề lương hưu và quyền lợi của những ngưòi thân nhân dựa trên hồ sơ của nguời đi làm (worker).



Tiền lương hưu hàng tháng mỗi người được lãnh tối đa là bao nhiêu?

Tiền lương hưu tối đa tùy thuộc vào số tuổi bạn chọn để về hưu. Vào năm 2009, nếu một người về hưu lúc đã đủ số tuổi quy định (65 tuổi), thì số tiền tối đa người đó có thể lãnh là 2.323 Mỹ kim. Số tiền này tính theo căn bản số tiền tối đa có đóng thuế lợi tức hằng năm.


Tôi có phải trả thuế lợi tức trên số tiền lương hưu không?

Tuỳ theo trường hợp, chỉ có khoảng ít hơn một phần ba số người lĩnh lương hưu phải trả thuế lợi tức hàng năm.  Sau đây là cách tính thuế lợi tức liên bang, nếu hồ sơ thuế  của bạn khai theo:

1.  Cá nhân (individual):

- Số tiền lợi tức (combined income) của bạn dưới 25.000 Mỹ kim: không phải đóng thuế liên bang.

- Số tiền lợi tức (combined income) của bạn trong khoảng 25.000 Mỹ kim – 34.000 Mỹ kim: phải đóng thuế liên bang cho 50% số tiền hưu trí.

- Số tiền lợi tức của bạn trên 34,000 Mỹ kim: phải đóng thuế liên bang cho 85% của số tiền hưu trí.

2. Khai chung với người phối ngẫu (joint return):

- Số tiền lợi tức (combined income) của hai vợ chồng dưới 32.000 Mỹ kim: không đóng thuế liên bang.

- Số tiền lợi tức (combined income) của hai vợ chồng trong khoảng 32.000 Mỹ kim – 44.000 Mỹ kim: phải đóng thuế liên bang cho 50% số tiền hưu trí.

- Số tiền lợi tức của bạn trên 44,000 Mỹ kim: phải đóng thuế liên bang cho 85% của số tiền hưu trí.

Bạn cần lưu ý là tiền lợi tức (combined income) gồm có tiền kiếm được từ những nguồn lợi khác và một nửa tiền hưu trí của bạn.

Còn về phần thuế lợi tức của tiểu bang thì tùy theo nơi bạn cư ngụ, vì mỗi tiểu bang có luật thuế riêng. Có 28 tiểu bang, trong đó có California, tiền lương hưu được miễn trừ, không phải đóng thuế lợi tức của tiểu bang.


Chồng tôi đã qua đời và trước đây có đóng tiền vào quỹ lương hưu.Tôi cần có điều kiện gì để có thể lãnh tiền lương hưu dựa theo hồ sơ của chồng tôi?

Để có thể lãnh tiền lương hưu dựa trên hồ sơ của người phối ngẫu đã qua đời, điều kiện đầu tiên là người đã mất đó có đủ số tín chỉ (credits) làm việc có đóng thuế và người hôn phối còn sống phải hội đủ những điều kiện sau đây:

- Cuộc hôn nhân truớc đây phải kéo dài từ 10 năm  trở lên. 

- Người hôn phối còn sống (survivor spouse) đủ 65 tuổi có thể được hưởng trọn quyền lợi nếu ra đời trước năm 1940 (tuổi hưởng trọn số tiền sẽ từ từ tăng lên tới 67 tuổi đối với những người sinh từ  năm 1940 trở đi). Bắt đầu từ năm 60 tuổi, quý vị đã có thể lãnh tiền này dựa theo hồ sơ của nguời hôn phối đã qua đời, nhưng số tiền lãnh được sẽ bị giảm theo tỷ lệ thời gian.

- Nếu hôn phối còn sống bị tàn tật (disabled) thì có thể bắt đầu lãnh sớm hơn, ngay khi đủ 50 tuổi.

- Trong trường hợp bà phải nuôi dưỡng đứa con dưới 16 tuổi (hoặc tàn tật) của người quá cố, và đứa trẻ ấy đã được xác nhận là có quyền thụ hưởng theo hồ sơ của cha hoặc mẹ đã qua đời, thì có thể khai lãnh tiền vào bất cứ tuổi nào mình muốn, không bị lệ thuộc vào tuổi tác, và cũng không bị điều kiện thời gian hôn nhân là 10 năm trở lên.


Ba tôi đã qua đời và trước đây, khi đi làm, ông có đóng tiền vào quỹ lương hưu. Tôi có thể lãnh tiền lương hưu dựa theo hồ sơ của ba tôi không?

-  Con cái của người quá cố mà còn độc thân, dưới 18 tuổi (hoặc lớn tới 19 tuổi nếu còn đi học toàn thời gian (full time) tại trường tiểu học hoặc trung học), thì cũng được hưởng quyền lợi theo hồ sơ của người quá cố.

-  Trong trường hợp những người con của người quá cố bị tàn tật, thì có thể khai hưởng quyền lợi vào bất cứ tuổi nào, nếu họ bị tàn tật trước tuổi 22, và vẫn còn đang trong tình trạng tàn tật. Ngoài ra, trong một số trường hợp, con riêng của người hôn phối còn sống hoặc các cháu nội, ngoại và con nuôi cũng được hưởng quyền lợi này.


Tôi đã ly dị. Vậy tôi có thể hưởng quyền lợi hưu trí theo hồ sơ của người chồng cũ của tôi?

Bà có thể khai để thụ hưởng quyền lợi theo hồ sơ của người chồng cũ quá cố, nếu hội đủ những điều kiện sau đây:

- Người chồng cũ của bà phải là người đủ điều kiện hưởng quyền lợi hưu trí hoặc tàn tật.

- Nếu cuộc hôn nhân truớc kia kéo dài 10 năm trở lên. Trừ trường hợp bà đang nuôi người con của nguời chồng cũ dưới 16 tuổi, hay bị khuyết tật (disabled), thì không phải hội điều kiện này.

- Tuổi của bà  hiện nay ít nhất là 62.

- Hiện nay bà chưa tái hôn.

- Tiền lương hưu trí dựa trên hồ sơ làm việc của chính bà, nếu có, sẽ không cao hơn tiền hưu trí dựa theo hồ sơ của chồng cũ của bà.


Tôi đã ly dị. Chồng cũ của tôi đã đủ điều kiện để về hưu, nhưng chưa muốn về hưu, vậy tôi có được quyền lãnh lương hưu trí theo hồ sơ của ông ấy không?

Nếu người chồng cũ của bà có đủ điều kiện, nhưng chưa khai để thụ hưởng, thì bà vẫn có thể khai để hưởng quyền lợi, nếu bà hội đủ những điều kiện kể trên, và bà đã ly dị với nguời chồng cũ ít nhất là 2 năm.


Chồng tôi đã qua đời 8 năm nay, và hiện nay tôi đang lãnh tiền hưu trí theo hồ sơ của người quá cố. Nay tôi muốn tái giá, vậy tôi có còn tiếp tục được lãnh tiền hưu trí không?

Câu trả lời là tùy theo số tuổi của bà. Nếu bà lập gia đình lại khi còn duới 60 tuổi, bà sẽ không còn tiếp tục lãnh tiền hưu trí của người chồng quá cố. Nếu bà đã 60 tuổi trở lên, bà sẽ tiếp tục được hưởng quyền lợi này. Tuy nhiên, nếu người chồng sau này của bà cũng có điều kiện để được huởng quyền lợi hưu trí, và có thể đuợc nhiều quyền lợi hơn, thì bà có thể xin theo hồ sơ của nguời chồng sau này. Bà sẽ phải chọn một trong hai, chứ không được hưởng quyền lợi của cả hai bên.


Tôi đã ly dị và đang lãnh tiền hưu trí dựa theo hồ sơ làm việc của người chồng trước. Nếu tôi muốn lập gia đình lại thì tôi có được tiếp tục lãnh tiền hưu trí không?

Thông thường, quyền lợi hưu trí sẽ không được tiếp tục lãnh nếu bà tái hôn với người khác, không phải chính là người chồng cũ của bà, ngoại trừ khi cuộc hôn nhân sau chấm dứt, vì những lý do như người chồng sau qua đời, ly dị, hủy bỏ hôn ước.


Chồng tôi có một đời vợ trước. Nếu người vợ cũ xin lãnh tiền hưu trí theo hồ sơ của chồng tôi, thì điều này có ảnh hưởng gì đến quyền lợi hưu trí của tôi, cũng dựa theo hồ sơ làm việc của chồng tôi không?

Những quyền lợi của người được hưởng là người vợ cũ của chồng bà không liên quan gì tới số tiền bà, hay những người khác trong gia đình, hưởng quyền lợi qua cùng hồ sơ của ông nhà.


Đây chỉ là một số tóm lược những vấn đề liên quan đến tiền lương hưu, không phải là cố vấn luật pháp.  Mọi thắc mắc và tham khảo về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran) qua số điện thoại (714) 839-4077 hoặc E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst Street, Westminster CA 92683.


Chúng tôi có nhận được rất nhiều câu hỏi gửi về văn phòng chúng tôi cũng như qua email, chúng tôi xin cám ơn sự ủng hộ nhiệt tình của quý vị, nhưng vì thời giờ giới hạn, chúng tôi rất tiếc không thể trả lời thư riêng cho từng người, ngay cả cho những quý vị có kèm theo bao thư có dán tem sẵn. Chúng tôi chỉ chọn một số câu hỏi có tính cách tiêu biểu để trả lời chung trên báo. Nếu quý vị muốn tham khảo cho trường hợp riêng của mình, xin liên lạc thẳng với văn phòng chúng tôi qua số (714) 839-4077, hoặc ghi số điện thoại của quý vị trong thư để chúng tôi trả lời trực tiếp với quý vị.  Xin chân thành cám ơn.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT