Sau gần 2 năm tạm ngưng, VSAC bắt đầu sinh hoạt trở lại
Thursday, 29/07/2021 - 08:12:23
Dịch bệnh Covid đã làm xáo trộn mọi sinh hoạt của các tổ chức, hội đoàn cũng như người dân khắp nơi trên thế giới trong đó có Hội Vietnamese Senior Arts Club (VSAC) tại Nam California.
Cô Nguyễn Minh Hiếu đầu tầu của Hội VSAC luôn thể hiện nụ cười yêu đời. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Bài THANH PHONG
WESTMINSTER - Dịch bệnh Covid đã làm xáo trộn mọi sinh hoạt của các tổ chức, hội đoàn cũng như người dân khắp nơi trên thế giới trong đó có Hội Vietnamese Senior Arts Club (VSAC) tại Nam California. Sau gần hai năm phải tạm ngưng sinh hoạt, trưa thứ Hai, ngày 26 tháng 7, 2021 Hội đã tổ chức buổi hội ngộ đầu tiên để khởi động việc sinh hoạt trở lại, dự trù vào trung tuần tháng 9, 2021. Buổi họp mặt diễn ra tại nhà hàng Seafood Place 3, Westminster.
Cách nay vài năm, một số vị có tấm lòng yêu mến các vị cao niên, trong đó có bác sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, vũ sư... muốn giúp các vị lớn tuổi sống lạc quan, yêu đời qua các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, khiêu vũ... nên đã thành lập một tổ chức lấy tên là Vietnamese Senior Arts Club, viết tắt là VSAC.
Nhiều người Việt Nam cao niên thường có tâm trạng buồn chán, cho rằng mình già rồi còn làm được gì nữa, nhất là nói đến học ca nhạc, học vẽ, học đàn, học khiêu vũ lại càng vịn cớ mắt mờ, tay chân run, bộ óc đã lão hóa làm sao mà học được nên tối ngày quanh quẩn trong nhà, làm bạn với cái TV, Radio... không chịu hoạt động, riết rồi đổ bệnh!
Họa sĩ Lê Thúy Vinh đã đào tạo hàng trăm người cao niên vẽ được các họa phẩm đẹp. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Nếu các vị cao niên đó được một lần đến với VSAC, chắc chắn các cụ sẽ thay đổi quan niệm, vì tận mắt thấy những vị đồng trang lứa với mình, có khi còn cao tuổi hơn mình mà hát hay, đàn giỏi và vẽ những bức tranh không thua gì các họa sĩ nhà nghề, khiêu vũ mềm mại, uyển chuyển như những vũ công chuyên nghiệp, nhất là trên khuôn mặt người nào cũng vui tươi, hớn hở, cười nói rộn ràng chứng tỏ họ đang yêu đời, không chút bi quan vì tuổi già hay vì Covid -19 đe dọa.
Người biểu hiện nét yêu đời, hạnh phúc nhất có lẽ là cô Minh Hiếu. Cô được mọi người trong Hội yêu mến nên được chọn làm đầu tầu để có thể kéo đoàn tàu vài chục toa, đa số đã hiện hữu trên quả đất 60, 70 năm mà vẫn trơn tru trên mọi sinh hoạt trong nhiều năm qua.
Trả lời câu hỏi của Viễn Đông, cô Minh Hiếu nói, “Nhóm VSAC chúng tôi sau một thời gian dài gần hai năm phải tạm ngưng hoạt động, hôm nay chúng tôi tổ chức buổi sinh hoạt đầu tiên để thầy trò hàn huyên tâm sự và sửa soạn cho khóa mới, dự trù vào trung tuần tháng 9 khi tất cả các trường trung, tiểu học tại Cali mở cửa thì chúng tôi sẽ mở cửa. Tuy nhiên còn tùy theo báo cáo của cơ quan y tế mới có quyết định chính thức.”
Hội VSAC được may mắn là có các thầy, cô chuyên nghiệp đến hướng dẫn như BS Nguyễn Thị Nhuận dạy ca hát, họa sĩ Thúy Vinh dạy vẽ, nhạc sĩ Hoài Khanh dạy Keyboard; thầy Bùi Giao dạy khiêu vũ quốc tế và cao cấp, cô Mỹ Phượng dạy khiêu vũ căn bản, thầy Bùi Tiến Lệ dạy Guitar và một số vị khác... Các vị thầy này đã bỏ nhiều thì giờ đến với các học viên của mình, và không uổng phí thời gian vì kết quả đã được xác nhận với Viễn Đông.
Các họa phẩm của học trò họa sĩ Lê Thúy Vinh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
BS Nguyễn Thị Nhuận: “Tôi phụ trách lớp dạy ca, hát đã được vài năm, đơn giản là dạy cách hát sao cho hay nên phải dạy cách biết thở để lấy hơi, biết cách phát âm chỗ nào phải hát mạnh, nói chung là hát sao cho có hồn. Mặc dù các học viên người nào ít nhất cũng trên sáu bó nhưng học rất tiến bộ, nhất là phái nữ chịu khó đi học hơn phái nam. Đa số các bài hát mà tôi phụ trách là các bản đồng ca, và chúng tôi đã thực hiện được nhiều bài hát hay. Điều làm tôi vui nhất là các học viên đã hát được bài quốc ca Hoa Kỳ mà nhiều người Việt chúng ta đã mang quốc tịch Mỹ từ lâu nhưng chưa hát được bài quốc ca này.”
Họa sĩ Lê Thúy Vinh: “Chúng tôi có khoảng 40 học viên học vẽ, có lẽ những người học vẽ đều có năng khiếu nên họ vẽ những bức tranh thấy được lắm. Tôi thấy, dù lớn tuổi nhưng các bác, các cô chú học vẽ không khó chút nào, chúng tôi chỉ họ cách pha màu, chỉ cách vẽ chân dung, từ khuôn mặt rồi cả thân thể, dạy vẽ tranh Tàu (tranh thủy mạc) vẽ kiểu tranh của Picaso hay lối vẽ Huế của những họa sĩ lừng danh trên đất cố đô và viết thư họa. Khi các học viên đã nắm vững lý thuyết họ tự sáng tác và họ tiến bộ rất nhanh như anh nhìn thấy các bức tranh của họ đang triển lãm tại đây. Tôi rất vui khi nhìn thấy kết quả thật khả quan nơi quý vị cao niên.”
Nhạc sĩ Hoài Khanh: “Tôi hướng dẫn môn Keyboard. Với các vị lớn tuổi mình không thể dạy như dạy trẻ em phải mười mấy năm, mà phải dạy theo kiểu “mì ăn liền” thí dụ bài “Mộng Dưới Hoa” chẳng hạn, đầu tiên mình chỉ họ đánh cái accord gam, tay trái tay phải, sau đó mới tập làm sao cho họ đánh được nhanh, chứ ngay lúc đầu mà tập như tập cho các em nhỏ thì lâu lắm. Anh biết đánh piano phải mất cả năm, bảy năm. Còn anh muốn biết tôi đánh giá họ học thế nào thì tôi chưa thể trả lời được vì mới học chưa được một năm thì bị covid nên phải ngưng. Tuy nhiên nội việc theo học đã thấy tinh thần của học viên cao niên là đáng quý rồi.”
Học viên Nguyễn Công Lượng với bức Sông Hương Êm Đềm do ông sáng tác. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Trong phòng sinh hoạt có dành một khu triển lãm các tác phẩm hội họa của các học viên Nguyễn Công Lượng, ông Bình, ông Hưng, bà Quỳnh Anh, bà Thanh, bà Kim Cúc.... Các bức tranh đều được mọi người chiêm ngưỡng và khen ngợi. Ông Lượng cho biết, trong cuộc triển lãm sắp tới tại Westminster, ông đã được họa sĩ Thúy Vinh cho biết, phải chuẩn bị 10 tác phẩm để triển lãm.
Ông Lượng nói, “Tôi vẽ khá nhiều và bạn bè ai thích là tôi tặng. Hôm nay tôi có hai bức, một bức là “Trúc Mọc Bờ Ao” và một bức “Sông Hương Êm Đềm.”
Nét vẽ của ông Nguyễn Công Lượng rất sắc sảo và màu sắc hài hòa. Ông vẽ rất nhanh, nếu dành thì giờ chỉ để vẽ thì ông có thể hoàn thành trong một ngày nhưng thường thường phải đi ra, đi vô và phải để cho khô màu mới vẽ tiếp được nên thời gian kéo dài hơn.
Thầy trò VSAC trong ngày hội ngộ đầu tiên sau gần hai năm tạm ngưng vì Covid. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Bà Quỳnh Anh cũng có hai tấm tranh triển lãm, bà vẽ bà ngoại của bà theo trí nhớ, ngày xưa bà cụ thuộc loại người giàu sang. Bà Quỳnh Anh cho biết như vậy và bà vẽ bức tranh này trong vòng một tháng. Ngoài tranh, các bộ môn khác như đồng ca, đơn ca, khiêu vũ, đàn piano, đàn guitar..đã được các học viên trình diễn và được quý thầy, cô cũng như học viên khác nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng.
Như cô Minh Hiếu đã cho biết, nếu không bị trở ngại vì Covid gia tăng, VSAC sẽ sinh hoạt trở lại vào trung tuần tháng Chín tại chùa Bồ Đề (chùa Việt Nam cũ) trên đường Magnolia, Garden Grove. Quý vị cao niên muốn gia nhập VSAC xin liên lạc với cô Minh Hiếu qua điện thoại (714) 580-6519, hay email: minhhieunguyen1@yahoo.com. Cô Minh Hiếu đang sẵn sàng giang đôi tay đón tiếp quý vị đến với VSAC.
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Con bị kỳ thị, một bà mẹ Việt ở tiểu bang Texas yêu cầu khu học chánh ra tay bảo vệ
Dù đã có những biện pháp này, bà Huỳnh cho rằng cần có những thay đổi trong hệ thống để bảo đảm an toàn cho con bà và các học ...
Một "sommelier" người Việt thành công với đam mê của mình trên đất Mĩ
Trước khi trở thành một sommelier, Christine từng là một chuyên gia trong lãnh vực công nghệ cao (hitech).
Buổi Khai Trương của Hội Cao Niên Tâm Lạc ngày 12 tháng 11 năm 2023 tại Burien, tiểu bang Washington
Tâm có An thì cuộc sống mới thêm phần vui vẻ - hạnh phúc - an vui