Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về cách lây nhiễm bệnh do siêu vi coronavirus gây ra.
*Mục đích của việc đeo khẩu trang
Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về cách lây nhiễm bệnh do siêu vi coronavirus gây ra. Tuy nhiên con siêu vi mới này cùng một gia đình với siêu vi gây Hội Chứng Hô Hấp Cấp Tính Nặng (SARS), có thể được truyền qua các hạt nước nhỏ từ đường hô hấp bắn ra trong một khoảng cách ngắn hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết ra từ bệnh nhân. Đeo khẩu trang cung cấp phần nào sự bảo vệ chống lại những bệnh hô hấp do siêu vi gây ra này.
Nếu bạn đang bị nhiễm trùng đường hô hấp, khi bạn đeo khẩu trang, nó cũng giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Mặt nạ giải phẫu (xem hình), nếu được đeo đúng cách, có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng từ những hạt nước bắn ra.
Nên hiểu rõ rằng đeo mặt nạ chỉ là một trong nhiều cách để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp. Quan trọng nhất là thực hành tốt vệ sinh cá nhân như:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà bông lỏng.
- Luôn rửa tay sau khi hắt hơi, ho, ngoáy mũi; đi vệ sinh; và trước khi chạm vào mắt, mũi và miệng; hoặc chuẩn bị thức ăn.
Bạn cũng có thể tăng khả năng miễn dịch cơ thể bằng cách thực hành một lối sống lành mạnh như
- ăn uống tốt, nghỉ ngơi nhiều
- tập thể dục, không hút thuốc
*Những ai nên đeo khẩu trang?
Dưới đây là danh sách những người nên đeo khẩu trang. Tuy nhiên, bất cứ ai cảm thấy mình cần đeo khẩu trang cũng đeo được, miễn là đeo đúng cách.
- Người có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp như ho, chảy mũi, nghẹt mũi.
- Những người đang chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp.
- Những người đã tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân Coronavirus - đã được xác nhận hoặc nghi ngờ - nên đeo khẩu trang trong ít nhất 10 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.
- Những người đã đến phòng khám bệnh hoặc bệnh viện.
- Nhân viên y tế trong bệnh viện hay nơi khám bệnh.
- Người chuẩn bị thức ăn.
- Nhân viên giao thông công cộng.
- Người đang ở những nơi đông người hoặc ít thông gió.
- Học sinh và nhân viên tại trường học. (Ngoại trừ trong khi học thể dục hoặc trong một địa điểm thông thoáng và rộng rãi không có "tiếp xúc trực diện trong khoảng cách gần".)
Luôn luôn giữ bên mình một khẩu trang để có thể đeo khi có nhu cầu. Những điểm cần lưu ý khi đeo nó:
- Rửa tay trước khi đeo, trước và sau khi tháo khẩu trang ra.
- Thực hiện theo các hướng dẫn của nhà cung cấp.
*Khi đeo khẩu trang, cần lưu ý những điểm sau:
- Khẩu trang phải vừa khít mặt.
- Mặt màu (thường là xanh hay vàng nhạt) của khẩu trang hướng ra ngoài, cạnh có dải kim loại nằm phía trên.
- Các dây cột hoặc dây thun được đặt đúng vị trí để giữ cho khẩu trang dính chắc.
- Khẩu trang phải che kín cả mũi, miệng và cằm.
- Dải kim loại bên trên cần được bấm cho vừa khít sống mũi.
- Cố gắng không chạm vào khẩu trang khi nó đã được cài kỹ trên mặt vì việc đụng chạm thường xuyên có thể làm giảm khả năng bảo vệ của nó. Nếu bạn phải chạm vào khẩu trang, cần rửa tay trước và sau khi đụng vào nó.
- Khi tháo khẩu trang, tránh chạm vào mặt ngoài của nó vì phần này có thể đã dính vi trùng.
- Sau khi tháo khẩu trang, hãy gập khẩu trang ngược ra ngoài (tức là mặt ngoài của nó được xếp vào trong), sau đó đặt nó vào túi nhựa hoặc túi giấy trước khi bỏ vào thùng rác có nắp.
- Nên bỏ khẩu trang sau khi sử dụng và trong mọi trường hợp không nên sử dụng khẩu trang lâu hơn một ngày. Thay khẩu trang ngay lập tức nếu nó bị hỏng hoặc bẩn.
*Các bác sĩ nói gì về vai trò khẩu trang trong việc tránh coronavirus
Khi bệnh do coronavirus tiếp tục lây lan, các quan chức ở Trung Quốc đang kêu gọi công dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, khiến các thành phố ở Trung Quốc cũng như các khu vực khác ở châu Á hết sạch mặt nạ. Ngay cả ở Hoa Kỳ, mặt nạ cũng trở nên khan hiếm và tăng giá. Nhưng liệu đeo khẩu trang có thực sự giúp chúng ta tránh khỏi lây bệnh?
Câu trả lời tùy thuộc vào nơi bạn đang ở và loại khẩu trang bạn dùng. Do các chuyên gia chưa biết chính xác coronavirus lây truyền như thế nào, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh khuyên nhân viên y tế coi như chúng như mầm bệnh lan qua không khí - loại mầm bệnh có thể di chuyển trong các hạt nhỏ hoặc các giọt trong không khí. Điều đó có nghĩa là nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân coronavirus nên đeo khẩu trang nặng gọi là mặt nạ N95. Các mặt nạ phòng độc này được thiết kế để vừa khít quanh mũi và miệng, và khi được đeo đúng cách, ngăn chặn ít nhất 95% các hạt nhỏ trong không khí, theo CDC.
*Nhưng việc đeo mặt nạ N95 cũng không phải dễ dàng
Theo luật pháp, nhân viên y tế sử dụng các mặt nạ này được yêu cầu phải trải qua một cuộc thử mặt nạ hàng năm để bảo đảm mặt nạ tạo thành một khoảng kín chặt khít trên mặt người đeo hầu không khí bị ô nhiễm không thể rò rỉ ra ngoài. Mặc dù N95 chỉ dùng một lần, người đeo phải cho thấy họ biết cách mang vào và đeo chúng.
Loại mặt nạ này "khó đeo" vì nó không thoải mái. Một số người cảm thấy khó thở hơn khi đeo N95. Nhưng đó là loại khẩu trang thực sự bảo vệ.
*Mặt nạ giải phẫu (surgical masks)
Mặt nạ N95 được bán tự do cho bất cứ ai muốn dùng nhưng không có khuyến nghị nào từ các cơ quan y tế cho công chúng về cách mang chúng. Ngược lại, mặt nạ giải phẫu - những mặt nạ rẻ tiền, dùng một lần, thường có màu xanh lam, màu vàng hoặc xanh lá cây - ít gây khó chịu hơn. Những bằng chứng khoa học cho thấy những người trong cộng đồng đeo mặt nạ này cũng rất ít được bảo vệ. Có thể có một chút bảo vệ nhưng chắc chắn không phải là một sự bảo vệ tuyệt đối.
Raina MacIntyre, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và giáo sư về an toàn sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales ở Sydney, người đã nghiên cứu về hiệu quả của mặt nạ giải phẫu, cho biết mặt nạ này chỉ là một rào cản vật lý bảo vệ bạn khỏi "một giọt nước hoặc văng nước (splash) có thể nhìn thấy được". Những mặt nạ này nằm lỏng lẻo trên mặt, các cạnh chung quanh không dính chặt khít, vì vậy vi trùng và các hạt nhỏ trong không khí vẫn có thể lọt vào. Nghiên cứu của MacIntyre cho thấy mặt nạ N95 có khả năng bảo vệ vượt trội. Nhưng trong một nghiên cứu, cô đã khám phá rằng các thành viên trong gia đình đeo khẩu trang giải phẫu khi chăm sóc một đứa trẻ bị bệnh tại nhà có nguy cơ bị nhiễm bệnh thấp hơn. Nhưng lợi ích chỉ có nếu mọi người đeo mặt nạ trong "mọi lúc bạn ở cùng phòng với người bị nhiễm bệnh, điều mà nhiều gia đình trong nghiên cứu thấy khó thực hiện. Nhưng nếu họ đã mang nó, vâng, họ đã có được bảo vệ."
MacIntyre lưu ý rằng mặt nạ vải - thứ mà mọi người giặt và tái sử dụng - cũng phổ biến ở các nước châu Á. Cô nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy chúng có bất kỳ lợi ích nào và nghiên cứu của cô cho thấy chúng "thực sự có hại", bởi vì việc giặt không thường xuyên và độ ẩm có thể khiến mặt nạ vải trở thành nơi sinh sôi của mầm bệnh.
Các chuyên gia lưu ý rằng cách bạn tháo mặt nạ - có thể là mặt nạ giải phẫu hoặc mặt nạ N95 - cũng rất quan trọng. Nếu bạn chạm vào mặt ngoài của nó trước khi tháo nó ra, bạn có thể sẽ tự làm lây nhiễm chính mình.
Việc đeo mặt nạ ở nơi công cộng,
Marybeth Sexton, trợ lý giáo sư y khoa thuộc bộ phận truyền nhiễm tại Đại học Emory, nói rằng không cần thiết phải đeo khẩu trang nếu bạn ở Hoa Kỳ hoặc một quốc gia khác nơi nguy cơ nhiễm coronavirus Vũ Hán được coi là thấp. Sexton nói đeo mặt nạ giải phẫu là một ý tưởng tốt nếu bạn bị bệnh về đường hô hấp và cần đi khám bác sĩ. Nhưng đó thực sự là đeo để bạn sẽ không lây nhiễm cho người khác chứ không phải bảo vệ cho bạn.
Nếu không có bệnh, đừng vội vã ra ngoài và mua mặt nạ. Để lại cho những người cần chúng - như nhân viên chăm sóc sức khỏe và người bệnh - để không góp phần vào sự thiếu hụt. Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cũng đã gợi ý rằng việc đeo mặt nạ có thể cũng có chút giá trị vì nó khiến bạn khó chạm vào mặt và mũi của chính bạn. Đó là cách vi trùng thường xâm nhập vào cơ thể chúng ta - giả sử, ta chạm vào tay nắm cửa mà ai đó tay dính virus đã nắm vào, virus đã được truyền sangtay ta, sau đó ta có thể vô tình đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng và tự lây bệnh cho mình. Nhưng Clarence Tam, một nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Quốc gia Singapore, lưu ý rằng vì đeo mặt nạ có thể gây khó chịu, "sự khó chịu có thể khiến bạn thực sự chạm vào mặt bạn nhiều hơn". Điều này có thể làm lan vào tay của bạn những vi trùng đã dính vào bên ngoài mặt nạ. Một điểm khác: "Nếu bạn thấy mọi người xung quanh đeo mặt nạ, bạn sẽ cảm thấy khá lo lắng."
MacIntyre đồng ý không cần phải chạy ra ngoài và mua mặt nạ nếu bạn ở một quốc gia có nguy cơ thấp như Hoa Kỳ. Nhưng cô nói rằng cách suy nghĩ có thể khác với những người ở một nơi như Vũ Hán, Trung Quốc, trung tâm của vụ dịch coronavirus. "Nếu đó là một người ở Vũ Hán, nơi hầu hết các trường hợp đã xảy ra, thì việc đeo mặt nạ có thể có một số giá trị. Có rất nhiều điều chưa biết về dịch bệnh này. Đó là vấn đề."
Các nghiên cứu quan sát cho thấy đeo mặt nạ giải phẫu đã cung cấp cho nhân viên y tế một số biện pháp bảo vệ trong dịch SARS. Nhưng MacIntyre lưu ý rằng những nghiên cứu đó không phải là thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm chứng, được coi là tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu. Tam nói thêm rằng các nhân viên chăm sóc sức khỏe trong dịch SARS cũng đã sử dụng các biện pháp bảo vệ khác.
Và bất kể bạn ở đâu, có một điều mà tất cả các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đều khuyên bạn nên làm để tránh bị mắc bệnh: Rửa tay thường xuyên. Bất cứ lúc nào. Tất cả các mùa -xuân hạ thu đông.
Và chích ngừa cúm. Chúng ta vẫn còn trong mùa cúm. Chích cúm không cung cấp sự bảo vệ chống lại coronavirus, nhưng tại Hoa Kỳ, cúm vẫn là nguy cơ lớn hơn đối với sức khỏe.
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Một cô 21 tuổi bất ngờ phát hiện ung thư nhờ 1 thứ trên cổ rất ít người để ý thường lầm là do mập lên
Đôi khi, một vài thay đổi nhỏ trên cơ thể, không gây đau đớn hay khó chịu cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Chóng mặt và mất thăng bằng, bệnh gì đây?
Vào cuối năm 2014, Cathy A. Haft là một nhà môi giới bất động sản ở New York, qua lại giữa hai khu vực Brooklyn và Long Island. Cô bỗng ...
Rượu không “tốt” như đã tưởng vì có liên quan đến sáu loại ung thư
Theo Báo Cáo Tiến Triển Ung Thư năm nay của Hiệp Hội Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ (AACR), hơn 5% trong tất cả các trường hợp ung thư là ...