Tiêu Thụ

Tác dụng của đội ngũ NP và PA trong y tế

Friday, 16/02/2018 - 08:25:50

Bác Sĩ, M.D: Để có bằng Bác Sĩ (MD), người sinh viên phải học 4 năm trường y về các kiến thức và kỹ năng căn bản của một thầy thuốc, tiếp đó là 2 năm luân phiên qua các ngành chuyên môn, sau cùng là 3 năm nội trú dưới sự giám sát của một thầy thuốc nhiều kinh nghiệm.

Bài ERIC TRẦN

Cùng với các MD (Medical Doctors), ngành y hiện nay có thêm nhiều bậc lương y khác cùng phụ giúp chăm sóc bệnh nhân. Giới bệnh nhân thường chỉ cần biết tên, ít khi để ý tới đẳng cấp hoặc học vị được ghi tắt sau tên đó, như M.D., P.A, N.P …. Bệnh nhân Việt Nam đa số vẫn gọi họ là bác sĩ, bởi vì, tất cả đều đeo ống nghe, hỏi bệnh và kê toa cho thuốc. Thực ra, như đã trình bày trong bài trước, chỉ những MD là có chức danh bác sĩ thực thụ, những học vị khác thì không. Nhưng vấn đề chính mà người bệnh nhân cần quan tâm không phải là “học vị”, mà là khả năng và sự hiệu quả của đội ngũ chuyên viên này.


Physician Assistant tự mình làm được nhiều việc, hiệu quả như một bác sĩ, nhưng phải có sự giám sát của một MD

Mức độ hiệu quả

Ngoài MD, “chủ nhân” của phòng mạch trong khoảng hơn 1 thập niên gần đây có thêm N.P. (Nurse Practitioners) và P.A. (Physician Assistants). Hai chức danh này thật khó dịch ra tiếng Việt, Physician Assistant gọi là “phụ tá bác sĩ” còn nghe được mặc dầu không chính xác lắm, nhưng gọi Nurse Practitioners là “y tá thực hành” thực không ổn chút nào. Có người đề nghị gọi họ là “Y Sĩ” để phân biệt với “Bác Sĩ”. Trong khi không có tên gọi chung, chúng ta hãy cứ tạm nhận như vậy đi: MD là bác sĩ, NP và PA là y sĩ.
Các y sĩ đúng thực là không được huấn luyện nhiều như bác sĩ, nhưng họ được phép (licensed) làm phần lớn các công việc mà bác sĩ thường làm. Không hiểu do sự hiệu quả của họ, hoặc do sự đào tạo dễ dãi hơn mà đội ngũ y sĩ càng lúc càng đông đảo, từ 25% vào năm 1999 tới 60% hiện nay, so với số bác sĩ phục vụ trong các phòng khám đa khoa.

Hãy khoan thắc mắc về việc họ học hành ra sao, được đào tạo như thế nào. Đối với giới tiêu thụ (bệnh nhân), câu hỏi cần được đặt ra là: Liệu gặp một y sĩ có tốt bằng gặp một bác sĩ hay không? Trong đa số trường hợp, câu trả lời là “Có”, theo ghi nhận của Bác Sĩ Ateeve Mehrotra, M.D, giáo sư Healthcare Policy của Đại Học Harvard Medical School.

Bản nghiên cứu phổ biến Tháng Giêng Năm 2017 của bác sĩ Mehrotra cho thấy: Với sự hiện diện của đội ngũ y sĩ, số các trường hợp phải chuyển đi cấp cứu, nằm bệnh viện, hoặc chuyển lên chuyên khoa… xảy ra ít hơn. Cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với các bệnh phổ thông như cao máu, tiểu đường, nhiễm trùng đường hô hấp, và nhiều bệnh thường gặp khác, thì sự điều trị do bác sĩ hay y sĩ cũng không mấy khác biệt. Với những “ca” khám sức khỏe định kỳ, hoặc bệnh cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi thì gặp y sĩ cũng tốt như gặp bác sĩ vậy.


NP (Nurse Practitioner) không thể gọi là “y tá thực hành” vì họ xem bệnh cho toa, như một bác sĩ, và lương bổng cũng lên tới hằng trăm ngàn một năm.

Nhìn một cách tích cực thì công việc chăm sóc có phần hiệu quả hơn, vì y sĩ có thể tập trung nơi những gì mình sở trường. Theo nghiên cứu năm 2016 của Agency for Healthcare Research and Quality (Cơ Quan Nghiên Cứu và Phẩm Chất Y Tế), tác dụng đối với bệnh nhân là thời gian chờ đợi được rút ngắn hơn, và sự hướng dẫn chỉ bảo bệnh nhân về cách giữ gìn sức khỏe, cách phòng bệnh…. được chu đáo hơn.
Mặc dầu không phủ nhận sự hiệu quả của đội ngũ y sĩ, nhưng giới tiêu thụ cũng cần biết “họ” là ai? Làm công việc của bác sĩ mà tại sao họ không được gọi là MD? Đó là sự khác biệt về thời gian đào tạo.
     
Thời gian đào tạo

Bác Sĩ, M.D: Để có bằng Bác Sĩ (MD), người sinh viên phải học 4 năm trường y về các kiến thức và kỹ năng căn bản của một thầy thuốc, tiếp đó là 2 năm luân phiên qua các ngành chuyên môn, sau cùng là 3 năm nội trú dưới sự giám sát của một thầy thuốc nhiều kinh nghiệm.

MD là người có thời gian đào tạo sâu rộng nhất so với PA và NP. Vì thế, nếu bạn có nhiều triệu chứng lâu dài và khó hiểu, bạn nên gặp một MD. Tuy nhiên, nếu bạn thường khỏe mạnh, vốn chịu khó chăm sóc sức khỏe bản thân thì bạn có thể yên tâm gặp PA hoặc NP thay thế. Trong lúc MD trong các phòng khám đa khoa, đang trở nên kham hiếm, bạn chẳng nên chờ đợi dài cổ để mong gặp bác sĩ làm gì. Gặp PA và NP dễ dàng hơn, mà phẩm chất không có gì khác biệt.


Mặc dầu NP và PA có license để khám bệnh và cho thuốc, trong nhiều trường hợp không khác gì bác sĩ. Nhưng khi có những bệnh chứng phức tạp, bạn nên tìm gặp một MD, theo lời khuyên của các chuyên viên Consumer Reports

Nurse Practitioner (NP)

Trước khi trở thành một NP, người sinh viên y khoa phải là một “Registered Nurse” (y tá), mà thời gian học tập ngang bằng cấp cử nhân. Sau đó, theo cô Diane Padden, N.P, Ph. D, người y tá phải học thêm để lấy bằng Masters (Cao Học) hoặc Doctorate (Tiến Sĩ) về một chuyên ngành, như y tế gia đình, nhi khoa, sức khỏe phụ nữ…

Sự đào tạo NP nhấn mạnh vào tâm điểm là bệnh nhân. Bên cạnh khả năng định bệnh và chữa bệnh, người NP có thể chú trọng hơn trong việc hướng dẫn và giáo dục y tế. Cuộc thăm khám của NP có thể lâu hơn. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy bệnh nhân thường cảm thấy hài lòng hơn sau khi gặp NP. Tuy nhiên, gặp những trường hợp khó tìm bệnh, như bị sốt kéo dài vài tuần lễ, bạn nên tìm đến với một MD, theo lời khuyên của chuyên viên Consumer Reports.

Physician Assistant (PA)

PA trước tiên phải có bằng cử nhân, rồi học tiếp lên 3 năm cao học về anatomy (cơ thể học), physiology, Pharmacology (dược học), diagnosis (chẩn trị), ethics (đạo đức chức nghiệp) cũng như phải được huấn luyện trong các chuyên ngành như y khoa gia đình (family medicine), nội khoa (Internal Medicine), y khoa cấp cứu (emergency medicine), và bệnh nhi học (pediatrics).

PA có thể làm được nhiều phần trong số việc thường đòi hỏi nơi bác sĩ như thành lập hồ sơ y tế, khám tổng quát, giới thiệu chụp quang tuyến, giới thiệu gặp chuyên khoa, kê toa cho thuốc….. Nhưng đúng như tên gọi, các PA không thể làm việc độc lập, mà phải làm việc dưới sự giám sát của một MD.
Theo bác sĩ Marvin M. Lipman, MD, cố vấn y khoa trưởng cho Consumer Reports, bệnh nhân có thể gặp PA cho các bệnh thông thường như trật khớp, nhiễm trùng đường tiểu, tái khám về tiểu đường, cao máu. Nhưng khi gặp những trường hợp bệnh lý phức tạp, nên gặp một MD, theo lời khuyên của các nhà chuyên môn.
erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT