Quả thật vậy, trước tin thành phố San Diego đi bước tiên phong trong tiểu bang California, tăng mức lương tối thiểu lên $15 một giờ trong vòng 6 năm sắp tới, môi trường làm ăn đã xục xịch phản ứng ngay.
Bài ERIC TRẦN
Đi làm mà được tăng lương ai chẳng ham! Nhưng đó là khi cá nhân mình làm giỏi, hoặc đạt được một tiêu chuẩn đặc biệt nào đó, đưa đến sự tưởng thưởng riêng thì mới đích thị là tin mừng. Chứ còn tăng lương theo luật chung thì có khác gì như điều khiển thị trường lao động bằng … “nghị quyết.”
SEIU, nghiệp đoàn lao động tại California bỏ ra tới $90 triệu đồng để vận động cho tăng lương tối thiểu lên $15 một giờ.
Quả thật vậy, trước tin thành phố San Diego đi bước tiên phong trong tiểu bang California, tăng mức lương tối thiểu lên $15 một giờ trong vòng 6 năm sắp tới, môi trường làm ăn đã xục xịch phản ứng ngay. Và những phản ứng này, dưới dạng gì chăng nữa, thì giới nghèo, công nhân nghèo và tiêu thụ nghèo, cũng trở thành nạn nhân sau cùng hứng chịu tác động bất lợi. Sau đây là nhận định của ông Jeffrey Rodack, đăng trên nguyệt san New Max, số tháng Mười, 2017.
Sau khi thành phố San Diego quyết định thực hành bước thứ nhất – tăng lương tối thiểu từ $10 lên $11.50 vào năm 2017 này, thì một chủ doanh nghiệp, ông John Niensted cũng quyết định ngay: Đưa văn phòng nhận điện thoại khách hàng của ông về một tiểu bang khác: Texas, nơi có hệ thống pháp luật giúp làm ăn thuận lợi hơn. Kết quả: Gần 100 nhân viên của ông tại California thất nghiệp!
Nghe tin tăng lương, phản ứng ban đầu của đa số người lao động là vui mừng. Trong ba người thì chỉ có một người lo rằng mình sẽ bị chủ cho nghỉ việc.
Trả lời phòng vấn của báo San Diego Union-Tribune, ông Niensted cho biết California đã thành một tiểu bang không “thân thiện” với giới làm ăn. Ông cũng nói thêm rằng, làm việc tại thành phố El Paso, Texas, công nhân của ông như được tăng lương gấp rưỡi, mặc dầu thực tế, sổ lương của công ty chẳng phải bỏ ra thêm một đồng nào. Lý do là vì, giá sinh hoạt ở đây dễ thở, ăn ở đỡ tốn kém hơn, nên lương bổng cố định mà không khác gì có tăng.
Vì thế, vấn đề được đặt ra cho giới thẩm quyền là: Không phải cứ tăng lương là đời sống dân chúng sẽ dễ thở! Nhưng phải cân đo làm sao có thể giúp giới công nhân nghèo mà không đẩy giá sinh hoạt tăng lên, và hậu quả là, không đẩy các công ty đang làm ăn trong địa hạt của mình, trước nay vẫn đóng thuế cho thành phố và tiểu bang của mình, bây giờ buộc họ phải nhảy sang vùng khác, đồng thời đưa theo bao nhiêu lợi ích vốn là của mình vào tay “thằng” khác.
Thời biểu tăng lương tối thiểu tại California
Có nhiều chỉ dấu cho thấy những địa phương đã quyết định tăng mức lương tối thiểu như New York, Seattle, và California đang sắp phải đối đầu với nguy cơ: Làm hại giới nghèo, những người mà họ tưởng rằng sẽ được hưởng lợi từ cái quyết đinh tăng lương này.
- Một cuộc nghiên cứu do các chuyên viên kinh tế tại Đại Học Point Loma Nazarene University cho thấy ngành kinh doanh nhà hàng tại San Diego có thể bị giáng một búa khá mạnh sau khi tăng lương với số công nhân mất việc dự trù lên tới 4,000 người.
- Một cuộc nghiên cứu khác do Diễn Đàn Hành Động Hoa Kỳ (American Action Forum) thực hiện cho biết việc tăng mức lương tối thiểu lên $15 một giờ tại Illinois sẽ làm tiểu bang này mất 382,000 công việc, bởi giới kinh doanh không chịu “bỏ của chạy lấy người” mà sẽ cuốn gói ôm theo cả cơ sở của họ. Tờ The Chicago Tribune ghi nhận, trong khi Illinois thực hiện “nghị quyết” này thì 6 tiểu bang lân cận đã chuẩn bị “sân chơi” để đón doanh nghiệp chạy sang bằng cách làm ngược lại: Giảm lương tối thiểu xuống một mức đáng kể!
- Một cuộc nghiên cứu khác, cũng của Diễn Đàn Hành Động nói trên cho biết, đề nghị tăng lương tối thiểu lên $14/một giờ tại Nevada sẽ khiến cho tiểu bang này mất tới 113,000 công việc từ nay cho tới năm 2028.
- Một cuộc nghiên cứu của Đại Học UC Berkeley cho biết cứ tăng lương 1% thì số giờ lao động sẽ mất 3%. Áp dụng vào Seattle, lương tối thiểu tăng từ $11 lên $13 một giờ sẽ làm người lao động thiệt mất $125 lương một tháng.
Trong lúc có một số chuyên gia cho rằng kết quả nghiên cứu của UC-Berkeley không chính xác, một kinh tế gia nổi tiếng của MIT, giáo sư David Autor tin rằng kết quả ấy “rất khả tín” và sẽ có nhiều ảnh hưởng. Giáo sư Larry Kudlow, một kinh tế gia bảo thủ tuyên bố hậu quả của việc tăng lương lên $15 một giờ không phải là chuyện khó hiểu. Bởi vì, không chỉ đơn thuần làm đầy túi người công nhân, mà nó còn có ảnh hưởng tiêu cực lên cả nền kinh tế.
Giáo sư Kudlow nêu lên rằng tác động trái chiều là chuyện đương nhiên: Lương cao bắt buộc giới chủ phải giảm nhân viên, “hoặc ít nhất cũng bớt giờ làm việc của số nhân viên hiện có.” Một số người lý luận rằng tăng lương giúp giới tiêu thụ có nhiều tiền hơn để tiêu xài và từ đó kích thích nền kinh tế. Nhưng giáo sư Kudlow chỉ ra một tác động khác: Tăng lương là tăng chi phí kinh doanh, buộc giới chủ phải đẩy giá thành sản phẩm lên, và giới tiêu thụ chính là thành phần cuối cùng đón nhận trọn vẹn tác động, không thể chuyển tới một thành phần nào khác.
Từ quan điểm của giới tiêu thụ, chúng ta nên suy gẫm lời nhận xét sau đây của giáo sư Kudlow, “Lương cao có nghĩa là giá tiêu thụ cao. Chắc chắn có người phải lãnh trọn. Không giới tiêu thụ thì là ai?” Trong khi có những tiểu bang ra luật tăng lương tối thiểu, thì hiện có 23 tiểu bang khác đã ban hành những qui định hạn chế để các thành phố không thể tăng lương vượt ra ngoài khuôn khổ chung ấy.
Riêng Missouri lại đi một bước mạnh bạo hơn: Ngược dòng! Một đạo luật mới có hiệu lực từ cuối tháng Tám vừa qua đòi hỏi tất cả mọi địa phương áp dụng cùng một mức lương tối thiểu là $7.70 xu một giờ. Qui định này khiến cho mức lương tối thiểu tại St. Louis, một thành phố trong tiểu bang, giảm xuống 23%.
Cùng với chuyên viên kinh tế, giới tiêu thụ đang chờ xem tác dụng của biện pháp này ra sao? Nếu quả thực có một nơi nào đó giá sinh hoạt thấp hơn, liệu có ai sẽ từ bỏ tiểu bang đắt đỏ nơi mình sinh sống trước nay về vùng đất mới, dễ thở dễ sống hơn không?
Erictran216@yahoo.com
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Cảnh báo ứng ụng mua sắm trực tuyến TEMU thật sự nguy hiểm và không an toàn?
Người dẫn chương trình trò chuyện trên đài phát thanh, Kim Komando, đã tìm hiểu kỹ về TEMU và đây là những gì cô ấy tìm thấy!
Đơn vay tiền mua nhà giảm trong tình trạng thất nghiệp gia tăng
Sau sự tăng đột biến đơn mượn nợ nhà chỉ vài tuần trước, các doanh nghiệp cho vay nợ nhà gặp sóng gió tiếp tục vào tuần trước
Fed cắt giảm lãi suất nhằm cứu vãn nền kinh tế
Trong tuần này, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Fed) đã thông báo cắt giảm lãi suất, do lo ngại sự lây lan của coronavirus sẽ gây ảnh ...