Vấn Đề Hôm Nay

Tập Cận Bình - Một tên ngụy hòa trong hòa đàm

VI ANH Thursday, 04/05/2023 - 09:56:51

Tây Phương đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh sự kiện này, nhưng đồng thời tỏ thái độ dè dặt, nghi ngờ thứ hòa bình do ông Tập chủ xướng sớm trở lại Ukraine.

Xi Ji Ping
Vladimir Putin gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4 tháng Hai, 2022, trước khi xua quân xâm lăng Ukraine vào ngày 24 tháng Hai. (Presidential Executive Office of Russia)

Chủ Tịch Tàu Cộng Tập Cận Bình tỏ vẻ là lãnh tụ của một nước lớn, có trách nhiệm, chủ trương kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh Nga tấn công Ukraine cả năm rồi. Đây phải chăng là mưu mô gian hùng, gian ác hơn Tào Tháo trong truyện Tam Quốc, ngụy Hòa để cứu bồ Nga biến Nga thành như chư hầu của Trung Cộng? Và tự cứu mình bị Mỹ và Tây Phương hăm mẻ răng vì đã mua nguyên nhiên liệu giá rẻ của Nga, lén bán vũ khí và ủng hộ ngoại giao, giao thương cho Nga?

Nhưng Chủ Tịch Tập Cận Bình vốn là hoàng tử đời thứ tám của Cộng Sản Trung Quốc và Tổng Thống Vladimir Putin vốn là Trung Tá Mật Vụ KGB hiện là cộng sản nối ngôi cộng sản Liên Xô thì làm sao tránh khỏi các kiếng chiếu yêu của các cơ quan tình báo, mật vụ Mỹ như CIA, DIA, Anh, Đức, Pháp.

Một, sự kiện và thời sự. Tin RFI đăng ngày 27/4 cho biết hôm 26/4 có cuộc điện đàm giữa Chủ Tịch Tập Cận Bình với Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine. Đây là lần đầu tiên ông Tập gọi điện thoại cho ông Volodymyr Zelensky từ khi Nga mở cuộc chiến xâm lăng hơn một năm trước. Ông Tập kêu gọi hòa bình.

Tây Phương đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh sự kiện này, nhưng đồng thời tỏ thái độ dè dặt, nghi ngờ thứ hòa bình do ông Tập chủ xướng sớm trở lại Ukraine.

Mỹ, quốc gia đi đầu trong việc giúp đỡ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, là một trong những nước đầu tiên hoan nghênh sự kiện chủ tịch Trung Cộng rốt cuộc đã chấp nhận nói chuyện với tổng thống Ukraine, là “một điều tốt,” nhưng chưa thể biết là “điều đó có thể dẫn đến một sáng kiến, đề nghị hay kế hoạch hòa bình nghiêm túc, chân chính hay không.”

Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu ông Josep Borrell cũng hoan nghênh cho đấy là “một bước đầu tiên quan trọng” tiến tới hòa bình, nhưng “không phải là bất kỳ hòa bình nào,” mà phải là “một nền hòa bình công bằng, công nhận các quyền của người dân Ukraina,” cũng như “chủ quyền” và “sự toàn vẹn của biên giới” Ukraine.

Bộ Ngoại Giao Pháp cũng đánh giá tích cực việc hai ông Tập và Zelensky nói chuyện với nhau.

Một trong những ý nghĩa quan trọng của việc Chủ Tịch Tập bắt đầu nói chuyện với ông Zelensky là cử một phái đoàn Trung Quốc qua Ukraine, đó là công nhận rõ ràng chủ quyền và nền độc lập của Ukraine. Nhưng Bắc Kinh không thông báo lịch trình chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc, mà chỉ cho biết trưởng phái đoàn sẽ là ông Lý Huy (Li Hui) cựu đại sứ Trung Quốc ở Nga, một người đã làm việc ở Moscow trong 10 năm từ 2009 đến 2019, tức là vào thời điểm cuộc chiến Donbass bắt đầu.

Phái đoàn Trung Quốc cũng sẽ ghé thăm các nước láng giềng của Ukraine, nhưng một lần nữa chính quyền không cho biết thêm chi tiết.

Theo lời Vụ Phó Vụ Á-Âu tại Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, Bắc Kinh cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình một cách vô tư. Ông nói, “Tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau là cơ sở chính trị của quan hệ Trung Quốc-Ukraine. Trung Quốc sẽ kiên quyết thúc đẩy các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh và đạt được ngừng bắn càng sớm càng tốt để tái lập hòa bình.”

Theo một nhà bình luận trên Hoàn Cầu Thời Báo của Bắc Kinh, Trung Quốc muốn sử dụng ảnh hưởng của mình trên Kiev và Moscow, đồng thời chứng tỏ trách nhiệm của mình với tư cách là một nước lớn.

Còn Nga thì một mặt “ghi nhận” nỗ lực của Trung Quốc xác lập một “tiến trình thương lượng” nhằm chấm dứt chiến tranh tại Ukraina, mặt khác lên án Ukraine “phá hoại sáng kiến hòa bình.”

Moscow đặt ra trước mọi đàm phán là Kiev phải thừa nhận chủ quyền của Nga đối với tất cả các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga sáp nhập. CònUkraine muốn giành lại các vùng lãnh thổ này, bao gồm cả bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập năm 2014.

Truyền thông nhà nước Nga dẫn lời dân mạng nói xấu Kiev “cuối cùng cũng đã phải cầu xin Tập Cận Bình chấp nhận một cuộc điện đàm” và “Do phương Tây hết tiền, Kiev phải chạy sang phương Đông.”

Đài VOA của Mỹ nói người phát ngôn Điện Kremlin ông Dmitry Peskov cho biết Nga đã nắm được các chi tiết về những gì hai nhà lãnh đạo đã thảo luận và nói rằng mọi người đều đã biết rõ lập trường của họ về cuộc xung đột. Chắc Trung Cộng xì tin cho Nga.

Hai đi vào phân tích. Lập trường của Trung Cộng lâu nay là ủng hộ Nga. Chủ Tịch Tập Cận Bình chưa bao giờ lên án cuộc xâm lăng toàn diện của Nga vào Ukraine.

Mà cho đến nay, Bắc Kinh đã tìm cách thể hiện quan điểm trung lập đối với cuộc xâm lược của Nga.Nhưng họ chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược. Hồi tháng trước, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tới Nga. Ông Tập khi ấy đã gọi Tổng Thống Vladimir Putin là “người bạn thân mến,” đề nghị một kế hoạch hòa bình 12 điểm mơ hồ và khẳng định rằng Trung Quốc đứng về phía lẽ phải của lịch sử. Tuy nhiên, ông không cam kết cung cấp vũ khí cho Nga. Trong vài ngày sau chuyến thăm, Tổng Thống Zelensky đã mời nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Kyiv để có các cuộc thảo luận, và lưu ý rằng họ đã có liên lạc trước khi cuộc chiến toàn diện nổ ra, hồi tháng 2, 2022, nhưng kể từ đó tới nay đã không hề có liên hệ gì.

Truyền hình của Trung Quốc dẫn lời Chủ Tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ “không đứng ngoài quan sát đám cháy, cũng không đổ thêm dầu vào lửa, chứ đừng nói đến việc lợi dụng khủng hoảng để trục lợi.”

Tổng Thống Putin và Chủ Tịch Tập gặp nhau vào đầu tháng 2, 2022 và thảo luận về việc tăng cường quan hệ.

Washington mới đây cho biết Bắc Kinh đang xem xét cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga, những cáo buộc mà Trung Quốc kịch liệt bác bỏ.

Bà Maria Shagina, một chuyên gia về vấn đề trừng phạt kinh tế từ International Institute of Strategic Studies, cho biết, “Có bằng chứng cho thấy Trung Quốc là nhà xuất cảng chất bán dẫn lớn nhất sang Nga, thường thông qua các công ty bình phong ở Hong Kong và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Một số công ty Trung Quốc cũng đang cung cấp drone dân sự, lợi dụng vùng xám giữa mục đích quân sự và dân sự.”

Center for Advanced Defense Studies có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết các công ty Trung Quốc có thể đang gửi cho Nga các bộ phận điện tử của các radar hỏa tiễn phòng không.

Nhiều công ty phương Tây đã cắt đứt hoàn toàn liên hệ với Nga và hoạt động thương mại của Nga với Mỹ, Anh và các nước EU sụt giảm trong suốt năm 2022.

Tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc với Nga đạt mức cao kỷ lục $190 tỷ Mỹ kim vào năm 2022 – tăng 30% so với năm trước.

Nhập cảng của Nga từ Trung Quốc tăng 13% lên mức $76 tỷ và xuất cảng của nước này sang Trung Quốc tăng 43% lên $114 tỷ.

Nga đã xuất cảng gấp đôi lượng khí hóa lỏng (LPG) sang Trung Quốc vào năm 2022 so với năm trước. Nga cũng giao thêm 50% khí đốt tự nhiên thông qua đường ống dẫn Power of Siberia và thêm 10% dầu thô.

Hai nước đã đồng ý xây dựng một đường ống dẫn khí mới (Power of Siberia 2). Đường ống hiện tại bắt đầu hoạt động vào năm 2019, theo hợp đồng 30 năm trị giá hơn $400 tỷ Mỹ kim.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT