Đời Sống Việt

Tập hát với nhóm: như hứng từng giọt nước

Wednesday, 15/01/2014 - 09:14:28

Vở opera lớn “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs thuộc trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014.

Anvi Hoàng




Cảnh tập hát nhóm.

Dàn dựng vở opera Thị Kính (kỳ 16)
 
Quá trình dàn dựng vở opera Chuyện Bà Thị Kính/ The Tale of Lady Thị Kính:

Vở opera lớn “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs thuộc trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014. “Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt, được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tiếp tục tường thuật những diễn biến này tới độc giả. Việc dàn dựng đang trong giai đoạn cuối cùng bao gồm việc diễn tập và may trang phục. Bài kỳ này là miêu tả một buổi tập hát chung.

Bốn buổi trình diễn của vở opera Chuyện Bà Thị Kính sẽ do hai nhóm ca sĩ phụ trách, mỗi nhóm diễn hai buổi, bởi vì một nhóm thì không thể đủ sức hát liên tiếp 4 đêm liền. Sau đợt thi tuyển phân vai vào tháng 9 năm 2013, các ca sĩ đã bắt đầu làm việc với nhạc trưởng, trợ lý nhạc trưởng, và chuyên viên luyện phát âm (diction coach) mấy tháng sau đó. Bây giờ tháng 12 là lúc tập hát chung với nhau.




                                                        Cảnh tập hát nhóm.
 




Tôi cứ tưởng tập hát chung chắc phải trong một căn phòng thật rộng. Không phải thế. Trong một căn phòng nhỏ ấm cúng, các ca sĩ ngồi chật 2 dãy ghế. Số còn lại ngồi trên ghế bành dọc tường và trên sàn nhà. Hầu hết các ca sĩ của 2 nhóm diễn đều có mặt. Tổng cộng cũng tới 30 người.

Thông thường, việc tập luyện hát sẽ diễn ra giữa ca sĩ và nhạc trưởng, trợ lý nhạc trưởng và người đệm đàn. Hôm nay (9 tháng 12, 2013) họ luyện hát với nhạc trưởng David Effron, trợ lý Brian Eads, và anh đệm đàn Shuichi Umeyama (nửa buổi đầu) và Mark Phelps (nửa buổi sau). Nhà soạn nhạc cũng có mặt hôm nay. Quá nhiều người trong một căn phòng chăng? Tôi ngẫm nghĩ. Nhìn căn phòng, rồi nhìn người đầy chật phòng, tôi không hiểu làm sao mà cái công việc ‘âm thanh’ này được dàn xếp trong căn phòng nhỏ như thế này.

Sau khi chụp một mớ hình và ghi âm đầy đủ, tôi ngồi xuống ghế quan sát và suy nghĩ. Chẳng mấy chốc, tôi bị cuốn hút vào những âm thanh thú vị và những chuyển động quanh mình. Thật là rất hấp dẫn. Một vài hình ảnh và suy nghĩ cứ chạy lui chạy tới trong đầu tôi mãi.

Công việc hát

Theo tôi tưởng tượng thì hát là một chuyện rất nhạy cảm. Tôi đang nói đến chuyện hát nghiêm chỉnh đấy. Cũng giống như học bất kỳ thứ gì trên đời, học hát cũng là một quá trình sống và tìm hiểu bản thân. Một quá trình vui có mà buồn cũng có, với nhiều khám phá ‘ngạc nhiên’ về bản thân và nhiều niềm hạnh phúc.

Vì vậy, phải ngồi hát rất gần nhau trong một không gian chật hẹp như thế này quả là ‘tế nhị’. Cảm giác như mình phải cởi áo cởi quần ở nơi công cộng. Đơn giản là vì người ta có thể nghe được ‘nhiều điều' qua giọng hát của mình. Nếu bạn được huấn luyện với một đôi tai nhà nghề, thật tình là bạn có thể nghe được ‘tất cả’ trong giọng hát của một người. Như thể có một nhà nghiên cứu ngôn ngữ đang đứng sau lưng bạn mà nhìn, để rồi chỉ ra bất kỳ lỗi nào bạn mắc phải trong từng câu viết của bạn.

Vì vậy mà tôi càng chìm ngập trong chuỗi âm thanh này thì tôi càng thắc mắc: Các ca sĩ có cảm giác ‘trần trụi’ không nhỉ? Liệu họ có cảm thấy ‘không an toàn’? Liệu có ai trong số họ cảm thấy mắc cỡ không? Làm sao họ đối phó với tình huống đang diễn ra trong căn phòng nhỏ này? Họ có cần tính khôi hài để đối phó không? Vân vân.

Trong lúc nhóm đầu tập hát thì nhóm sau ghi chép, hoặc ngồi lắng nghe và quan sát, hoặc chơi để giết thời gian, chờ cho đến phiên mình. Riêng tôi, tôi nghe hát say sưa.



Những 'góc' hát.



Công việc điều khiển

Theo quan sát của mình, tôi cho rằng nhạc trưởng David Effron là một bậc thầy về âm thanh và thời gian. Sau vài tháng nghiên cứu bản nhạc, ông đã biết và quyết định ca sĩ phải hát nhanh chậm thế nào, cao thấp ra sao, kéo dài hay ngắt quãng ở đâu, giọng hát nên biểu lộ tới mức nào và ở đâu, vân vân và vân vân. Qua cách ông làm việc, âm thanh và thời gian dường như được kết hợp một cách hoàn hảo. Còn không gian thì sao? Tôi cũng nhìn thấy nó đấy.

Hãy tưởng tượng: một quả cầu bằng pha lê với nhiều lỗ nhỏ li ti để hứng nước. Và những giọt nước từ trên trời. Nhạc trưởng là người quyết định thời khắc mỗi lỗ hổng phải có mặt chỗ nào để hứng lấy một giọt nước từ trên cao. Đó là chuyện ông điều khiển ca sĩ làm: quay quả cầu đúng tốc độ và đúng hướng sao cho giọt nước rơi trúng vào lỗ trên quả cầu. Thời khắc đó qua đi thì giọt nước mất và lỗ bỏ trống.

Nhiều ca sĩ đã học vai mình rất tốt và không phạm lỗi mấy, có nghĩa là họ chơi vui vẻ với quả cầu. Một số khác thì vẫn trong quá trình học vai, có nghĩa là họ đang tìm cách xoay quả cầu theo đúng yêu cầu. Trong trường hợp này, nhạc trưởng phải can thiệp nhiều lần để bắt họ hát cho đúng tông; nào là chậm lại hoặc nhanh hơn 1/4 giây; nào là cao hơn hoặc thấp hơn 1/4 nốt nhạc. Vân vân. Tôi thì cảm thấy loạn cả lên. 1/4 giây thì làm sao đây? Đúng là văn hóa có tính khoa học có khác. Một khắc của một giây cũng nghe khác đi và làm thay đổi bản chất âm nhạc trong trường hợp đó.

Khi có thay đổi trong bản nhạc, mọi người đều phải ghi chép, đặc biệt là khi sự thay đổi có liên quan đến vai hát của mình. Trợ lý nhạc trưởng là người phải ghi chép lại tất cả các thay đổi trong bản nhạc, bởi vì anh là người thay thế nhạc trưởng trong trường hợp khẩn cấp, tập dượt với ca sĩ khi cần, và làm công việc điều khiển khi nhạc trưởng vắng mặt.

Và thêm nhiều nữa

Đừng quên người đệm đàn nhé. Anh ngồi sau cây đàn và khó nhìn thấy anh từ cuối phòng. Nhưng không thể không ‘nghe’ anh được. Anh là người có thể bắt đầu đánh và dừng lại ở bất kỳ nốt nhạc nào mà nhạc trưởng yêu cầu. Anh đọc nốt nhạc như chúng ta đọc các chữ viết. Một bậc thầy về nốt nhạc và bản nhạc. Tuyệt vời!

Quản lý sân khấu cũng là người phải ghi chép về các thay đổi trong bản nhạc, nhưng phần nhiều các ghi chú của anh sẽ liên quan đến việc di chuyển và diễn xuất của ca sĩ trên sân khấu.

Lại nói đến các ca sĩ, họ lại là bậc thầy về ‘hành động': họ thay đổi, họ thích ứng, họ thu nhận, họ phản ứng, họ học hỏi, họ tổng hợp, họ phát triển. Quan trọng hơn cả là họ hát.

Quay lại chuyện hát, nhắc nhở sau cùng của nhạc trưởng cho ca sĩ để chuẩn bị cho lần tập hát nhóm tiếp theo là: “Hãy để cho tính cách nhân vật hướng dẫn các bạn, để các bạn bộc lộ được màu sắc trong giọng hát của mình!”

Chẳng mấy chốc là phải tập hát với đạo diễn sân khấu Vince Liotta. Đến lúc này, ngoài việc hát và điều khiển nhạc, còn phải tính đến yếu tố biểu đạt trong giọng nói và khuôn mặt, và cử chỉ điệu bộ trong đi đứng nữa.

Thật là rất dễ ‘lạc đường’ trong thế giới nhiều chiều kích này của họ. Các bạn nhớ đem theo la bàn nhé.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT