Du khách thả bộ dọc theo những con đường uốn lượn, xung quanh chim hót, hoa thơm, cỏ lạ quyến rũ lòng người. Phía Đông có Tam Hữu Các mô ...
Bài và ảnh: Vương Thụy
Tháng Ba, giữa mùa Xuân muôn sắc hương, Thư quán và Bảo tàng Huntington tại thành phố San Marino, gần phố cổ Pasadena, vừa khánh thành Vườn Trung Hoa mang tên Lưu Phương Viên (Liu Fang Yuan) với lối kiến trúc cổ điển. Khu vườn rộng 3.5 mẫu, có năm chiếc cầu bắc qua hồ nước rộng 1.5 mẫu, thoáng đãng.
Du khách thả bộ dọc theo những con đường uốn lượn, xung quanh chim hót, hoa thơm, cỏ lạ quyến rũ lòng người. Phía Đông có Tam Hữu Các mô phỏng theo nhà thủy tạ dành cho Nho sĩ đàm đạo thi văn khi xưa. Phía Tây có Ngọc Minh Đường để thưởng thức trà, ngắm cảnh. Vườn Trung Hoa còn dự án mở rộng đến 12 mẫu.
Rời khỏi Lưu Phương Viên, thả bộ một đoạn, du khách sẽ gặp Vườn Nhật. Khu vườn vuông vức, rất yên tĩnh, tạo cho người thưởng ngoạn cảm giác thanh bình của Thiền tông. Trên đỉnh của mấy bậc tam cấp là một tháp chuông. Xuống các bậc thang, vào giữa vườn là một cây cầu hình bán nguyệt bắc qua hồ nước phẳng lặng. Bên kia vườn, một khu nhà kiểu Nhật bằng gỗ, bên trong trải chiếu, trưng bày nếp sống giản dị của người Nhật. Phía bên phải căn nhà có ngõ trúc xanh rì, phía trước là một vườn bonsai kiểng được cắt tỉa, chăm sóc công phu. Khu vườn thiền với những hòn đá đặt trên nền sỏi, về mặt mỹ thuật rất đơn giản, nhưng mang tính triết lý của chữ Không, là một đặc điểm không thể thiếu trong kiến trúc vườn Nhật.
Trong khu vườn bách thảo Huntington rộng 120 mẫu còn có Vườn Sa mạc và Vườn Hồng. Ngoài ra, cây cỏ được trồng theo từng nhóm như khu Nhiệt đới, khu chuyên trồng Dược thảo, khu Rừng già, và khu dành cho gia đình Cọ. Vườn bách thảo Huntington còn có bộ sưu tập hàng trăm cây thuộc họ hoa trà mi (camellia) đứng hàng đầu Hoa Kỳ.
Năm 1919, vợ chồng Henry và Arabella Huntington hiến tặng khu đất ở San Marino để thành lập Thư quán, Bảo tàng, và Vườn Bách Thảo. Ông Huntington (1850-1927) lập nghiệp và thành công trong ngành đường sắt tại California. Ông bà thích sưu tập bản thảo, sách cổ, tranh, và các loại cây cỏ. Họ xây dựng quần thể kiến trúc trên khu đất của họ để trưng bày những bộ sưu tập cho công chúng đến thưởng lãm và học hỏi.
Sau một thời gian đóng cửa trùng tu, viện bảo tàng mở lại vào cuối tháng Ba, tiếp tục triển lãm bộ sưu tập mỹ thuật châu Âu từ thế kỷ thứ 15 đến 20 và châu Mỹ từ thế kỷ 17 đến 20. Thư quán lưu trữ 6 triệu bản thảo, 357 ngàn cuốn sách quý và sách cổ từ thế kỷ 15, 321 ngàn tựa sách tham khảo, và vô số những tài liệu lịch sử của Hoa Kỳ.
Hàng năm, khoảng nửa triệu người thăm viếng khu Huntington. Thư quán Huntington cung cấp tài liệu nghiên cứu cho 1700 học giả mỗi năm, đồng thời đài thọ cho 120-130 học giả đến nghiên cứu và làm việc toàn thời gian.
Thư quán, Bảo tàng, và Vườn Bách Thảo Huntington tọa lạc trên khu đất rộng 207 mẫu. Mở cửa thứ Hai, Tư, Năm, Sáu từ 12 giờ trưa đến 4 giờ 30 chiều, thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày Lễ từ 10 giờ 30 sáng đến 4 giờ 30 chiều. Giá vé $15-20 người lớn, $6 cho trẻ em, có giảm giá cho người cao niên và sinh viên. Mỗi tháng có một ngày vào cửa tự do, nhưng du khách phải đặt vé (miễn phí) trước một tháng qua mạng www.huntington.org hoặc gọi 1-800-838-3006.
Nhấn vào đây để xem thêm hình ảnh Vườn Nhật và Vườn Trung Hoa.
© Vien Dong Daily News
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Cảnh tượng thị trấn Sapa đỏ rực như chìm trong “biển lửa” khiến du khách hốt hoảng nhưng thích thú
Sự tương phản giữa ánh sáng đỏ vàng của đèn đường và những lớp sương dày khiến cả thị trấn như chìm trong một khung cảnh siêu thực.
Người Sherpa – những người hùng thầm lặng và cô độc trên đỉnh Everest
Dân Sherpa được biết đến là một trong những nhóm người leo núi giỏi nhất thế giới. Nhiều người Sherpa làm dịch vụ dẫn đường và khuân vác hành lý, ...
Bí mật về cây Bạch Quả ở Nhật: nhìn thì rất đẹp nhưng khi đến gần ai cũng buồn ói
Cây có cái tên rất đẹp là Ngân Hạnh (hay Bạch Quả) trăm tuổi, người chưa biết thì đứng xa nhìn xuýt xoa, người biết rồi thì họ lại tránh ...