Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Tháng Giêng... Và Anh

Friday, 12/03/2010 - 11:21:28

Chào tháng Chạp, hôm nào thì đến Tết? Em mặc áo xanh hay mặc áo thêu hồng Bầu trời mây ở dưới áng mi cong Em có muốn anh giữ giùm phân nửa? Tháng Giêng ...

nguyensa.jpg



Chào tháng Chạp, hôm nào thì đến Tết?
Em mặc áo xanh hay mặc áo thêu hồng
Bầu trời mây ở dưới áng mi cong
Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?


Tháng Giêng và anh vươn vai và mở cửa
Trời trên cao, em cũng ở trên cao
Tháng Giêng cho anh một nụ hoa đào
Anh gởi cho em một trời mộng tưởng


Bài hát đó mang cho anh hò hẹn
Em nhớ mang vàng cho cúc, ngọc cho lan
Mang cầu vồng cho khoảnh khắc mưa tan
Và một chút vai em cho huệ trắng


Con chim én cùng với thơ bay trong nắng
Trên môi anh dường có ngọn cỏ thơm
Là ngón tay nào trong mười ngón tay em
Có cả nụ hôn đầu quanh quất đó


Tháng Giêng và anh rủ nhau ngồi dưới phố
Tô môi hồng xin nhớ cánh sen non
Tháng Giêng chờ một chút lượng xuân em
Nụ cười đó, anh chờ xuân vĩnh viễn


Tháng Giêng và anh rủ nhau châm điếu thuốc
Điếu thuốc đầu năm và điếu thuốc đầu ngày
Vòng khói tròn khuyên phía trái, bên tai
Tà áo em có nhánh cười trong vũ điệu


Tháng Giêng và anh rót đầy trong ly rượu
Một góc trời âu yếm, khúc Bolsa
Yêu cuộn tròn trong tám chữ mây qua
Khi em tới lượn vòng trên mái tóc


(Tháng Giêng Và Anh / Thơ Nguyên Sa)


Tôi mãi nhớ rằng trong hồi ký của nhà thơ Nguyên Sa có một đoạn như thế này: "Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt..."

Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội, và mất ngày 18 tháng 4 năm 1998 tại California. Không thụ hưởng gì “gene” di truyền của gia đình, bởi trong gia đình chẳng có một ai góp mặt trong lãnh vực văn chương và nghệ thuật. Vùng trời Pháp quốc chào đón bước chân của người thanh niên 17 tuổi, rồi đến khuôn viên trường Đại học Sorbonne với môn học Triết, xem ra hình như đây là nền tảng của sự nghiệp thơ văn Nguyên Sa.

Nàng thơ của Nguyên Sa.

Nàng có một cái tên rất là đơn giản, Trịnh Thị Nga. Bắt đầu bằng một cuộc hạnh ngộ với nàng, và từ đây, bài thơ đầu tiên được chào đời từ cái đơn giản này, để làm nên trang thơ Nguyên Sa mượt mà của ngày hôm nay.


Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển...
....


 không , anh đã van em đừng buồn
Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối
Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu
Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau
Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!

Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau.
Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích
Không ai cấm được anh làm cả bài thơ
Với một chữ N
Với một chữ G
Và với một chữ A
Người ta có thể đọc một câu, hai câu, hay cả ba
Người ta có thể không thích
(thì người ta không thích một mình)
Nhưng người ta không cấm được anh yêu bài thơ của anh

(Nga / Nguyên Sa)


nguyensa-va-vo.jpg


Nguyên Sa và Vợ


Bài thơ được in ngay trên thiệp cưới, nơi mà tên tuổi của hai người dưới một màu miên viễn trăm năm, vào năm 1955. Quả thật là một lãng mạn tuyệt vời, hiếm hoi từ xưa đến nay.

Áo Lụa Hà Đông, Người Em Sống Trong Cô Độc, Cần Thiết, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi 13... là một số những bài thơ đã được phổ nhạc và làm nên tên tuổi không biết bao nhiêu nhạc sĩ và ca sĩ.

Tháng Giêng Và Anh cũng là một trong những tuyệt tác của nhà thơ Nguyên Sa, được sáng tác khoảng thập niên năm 70, và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã phổ nhạc. Bài hát trở nên dịu dàng óng ả hơn khi Ý Lan cất tiếng. Hay thắm thiết, tình tứ, đầy thành khẩn bởi tiếng hát của Khánh Hà.

Đó là Tháng Giêng của riêng Nguyên Sa,

còn Tháng Giêng của những người con nhà Phật thì lại là tháng mà ai ai cũng muốn đến chùa để cầu nguyện, lễ bái. Bởi vậy mới có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm Tháng Giêng”. Ngày rằm Tháng Giêng còn được gọi là Lễ Thượng Nguyên hay là Tết Nguyên Tiêu. Đi lễ chùa rằm Tháng Giêng cứ như thể là được toại nguyện một ước mơ cho cả một năm, một đời. Tháng Giêng ăn chay suốt 30 ngày để có được một bắt đầu nhẹ nhàng, thảnh thơi và tinh khiết.

Tháng Giêng của tình nhân,

bỗng nhiên mà trở nên ngọt ngào và quyến rũ hơn. Không biết có phải là vì sự bắt đầu của thời gian. Mà cái gì bắt đầu thì cũng đẹp đến lạ! Vậy rồi, tháng Giêng bỗng nhiên mà trở nên ngọt ngào, nhiều thánh thiện, và lắm thanh cao bởi vì hoa tỏa ngát hương thơm, cây trái tròn trĩnh lú nhú trên cành. Rồi từ đó Tháng Giêng bỗng trở thành thời gian của hứa hẹn, thề nguyền... Tháng Giêng, anh thả quanh em những vòng khói bay bay của thuốc lá như thể hòa quyện vào từng gió, từng mây, từng sợi mưa nhỏ để ru tình em, tình ta.

Và,

cũng từ đó em yêu Tháng Giêng như đã yêu anh. Em thường hát khe khẽ mỗi buổi sáng một mình, khi mà những vòng bánh xe đầu ngày đưa em trên đường phố.


Tháng Giêng và anh vươn vai và mở cửa
Trời trên cao, em cũng ở trên cao
Tháng Giêng cho anh một nụ hoa đào
Anh gởi cho em một trời mộng tưởng


Riêng tôi,

một Tháng Giêng nơi tôi đi qua không phải là những đồng cỏ xanh mượt thơm ngát mùi cỏ non năm xưa nữa. Mà giờ đây là chiếc cầu hiên ngang lộng lẫy như cái tên của chính nó, Golden Gate Bridge, một ghi dấu của biết bao nhiêu cuộc tình.

Rồi lặng yên, tôi dừng bước chân đi giữa cái hư thực trong sương mù của trời đất San Francisco, của cuộc sống hôm nay giữa ánh trăng xứ người. Tôi nắn nót ghi lại một cuộc tình tôi trên những đường vòng của chiếc cầu như thể một minh chứng của tháng năm: “Em còn yêu anh, như hoài hoài còn yêu Tháng Giêng.”

Rồi, cuối cùng thì ánh trăng Tháng Giêng theo gót chân tôi suốt trên con đường về, và rồi tôi biết chắc chắn một điều nữa là nó cũng sẽ theo tôi hoài hoài, mãi mãi.


ht, nguyễn

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT