Thành công từ buổi hòa nhạc kỷ niệm 20 năm của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ
Friday, 14/08/2015 - 08:10:49
Những tác phẩm của trích đoạn nhạc kịch này được những tiếng hát của Bích Vân- Teresa Mai- Phạm Hà- Trịnh Hoàng Hải- Sean Buhr- Tim Nelson thể hiện, mỗi người với chất giọng biểu cảm riêng thật quyến rũ với những nhạc khúc khiến khán giả như đựoc bay vút trong 1 không gian âm nhạc lãng mạn và siêu thực.
Sự hòa điệu tuyệt vời giữa tác phẩm, người biểu diễn và người nghe trong không gian âm nhạc trang trọng của hí viện Rose Center Theater, thành phố Westminster, chật kín khán giả vào tối thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015 tuần qua, đã tạo nên sức truyền cảm mạnh mẽ, làm say lòng khán giả thưởng thức chương trình “20th Anniversary Concert” của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ (Vietnamese American Philharmonic, VAP). Sự chọn lựa công phu trong từng tác phẩm, cùng với phần trình diễn thăng hoa của các ca sĩ, các nhạc sĩ solo, nhạc sĩ của dàn nhạc người lớn, nhạc sinh dàn nhạc thiếu niên, dàn nhạc thiếu nhi dưới tài chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng.
Bích Vân và Tim Nelson trong trích đoạn nhạc kịch “Miss Saigon.” (Băng Huyền/Viễn Đông)
Hai MC dẫn dắt chương trình Kim Oanh – Lê Xuân Trường. Tất cả những chăm chút ấy đã tạo nên sự thành công cho buổi diễn. Đánh dấu một mốc son tuyệt đẹp của chặng đường 20 năm đầy gian nan, thử thách, nhưng cũng không ít ngọt bùi mà Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ suốt bao năm đã đeo đuổi qua việc kết nối các nền văn hóa xa xôi và nền văn hóa Việt Nam lại cùng nhau, thông qua tiếng nói chung là âm nhạc, kéo khán giả đến gần hơn với nghệ thuật tưởng chừng rất 'kén' người nghe, mà mọi người quen gọi là nghệ thuật hàn lâm.
Vì là buổi diễn đặc biệt kỷ niệm 20 năm nên chương trình “20th Anniversary Concert” không thể thiếu phần nghi lễ khai mạc được diễn ra trang trọng với lời chào mừng khán giả và chia sẻ của giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, chủ tịch Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ; và phát biểu của Thị Trưởng Tạ Đức Trí của Westminster.
Để tỏ sự ngưỡng mộ của thành phố Westminster đối với những đóng góp văn hóa lớn lao của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, Thị Trưởng Tạ Đức Trí đã trao bằng tưởng lục vinh danh tất cả những nhạc sĩ người Hoa Kỳ trong dàn nhạc và những nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam đã từng cộng tác với Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ trong hai mươi năm qua.
Ngón đàn tài hoa của nghệ sĩ Tây Ban Cầm Huỳnh Hữu Đoan. (Băng Huyền/Viễn Đông)
Vẻ đẹp của âm nhạc qua phần hòa tấu, độc tấu cùng dàn nhạc
Dưới sự chỉ huy của Nhạc Trưởng tài hoa Nguyễn Khánh Hồng (phó chủ tịch Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ) chương trình được mở đầu với phần hòa tấu của dàn nhạc VAP Symphony Orchestra, gửi đến khán giả một bức tranh âm thanh khá hoàn hảo miêu tả vẻ đẹp của tác phẩm West Side Story. Thành công của âm nhạc trong West Side Story là sự pha trộn giữa jazz và nhạc cổ điển. Nhà soạn nhạc Leonard Bernstein đã hòa trộn khéo léo giai điệu du dương của nhạc cổ điển với tính ngắt quãng và nhịp nhàng của jazz. Người nghe có thể cảm nhận dạt dào với tiếng kèn Saxophone, một nhạc cụ chính của jazz, hòa với violin, giàn nhạc dây quan trọng của nhạc cổ điển. Giai điệu của bản nhạc lúc mạnh mẽ, lúc đằm thắm, như sự mâu thuẫn giữa tình yêu và thù hận….
Những bản nhạc trong các tác phẩm điện ảnh lừng danh như “Colors of The Wind” (Phim Pocahontas- âm nhạc Alan Menken, hòa âm Lloyd Conley), “Dance of the Tumblers” (Phim Snow Maiden, nhạc Rimsky Korsakoff, hòa âm Sandra Dackow) được Dàn Nhạc Thiếu Nhi (Vietnames American Philharmonic Children Orchestra) trình tấu, tác phẩm “Lion King” (Nhạc Elton John, hòa âm Calvin Custer) được Dàn Nhạc Thiếu Niên ((Vietnames American Philharmonic Youth Orchestra) biểu diễn.
“Pirates of the Caribbean: Dead Mans Chest” (Nhạc Hans Zimmer, hòa âm Paul Lavender), “Mission: Impossible Theme” (Nhạc Lalo Schifrin, hòa âm Calvin Custer) và bản nhạc hòa tấu tuyệt diệu “On the Beautiful Blue Danube” (Nhạc và hòa âm Jahann Strauss) được trình tấu bởi Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Mỹ (VAP: Vietnamese American Philharmonic).
Các em thiếu nhi của dàn nhạc trong phần biểu diễn “Colors of The Wind” (Phim Pocahontas- âm nhạc Alan Menken, hòa âm Lloyd Conley). (Băng Huyền/Viễn Đông)
Khán giả đã được đắm mình trong suối nhạc lúc nhanh lúc chậm, lúc bổng lúc trầm, lúc nhẹ nhàng du dương. Các nghệ sĩ của dàn nhạc đã thể hiện thành công nhiều cung bậc tình cảm của tác phẩm, những nhịp độ, tốc độ khi chơi nhạc, mau, chậm, thay đổi, lớn, nhỏ... mang đến những nét độc đáo riêng trong từng tiết mục. Khi là khúc nhạc xoáy sâu vào góc cạnh tinh tế của tình yêu, lúc lại là những giai điệu kịch tính, nghẹ thở của cuộc phiêu lưu mạo hiểm, hay những nốt nhạc dịu êm như nhung, thấm đượm những giai điệu hiền hòa, bí ẩn và sâu lắng….
Cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Mỹ, nghệ sĩ dương cầm trẻ Nguyễn Vân Anh từ Úc Châu đã có phần biểu diễn xuất sắc tác phẩm Warsaw Concerto (nhạc của Richard Addinsell) uyển chuyển, tạo thành một tổng thể thật sống động. Từng ngón tay của cô lướt nhẹ trên phím đàn vừa dữ dội, mạnh mẽ nhưng cũng đầy sự nữ tính, lãng mạn. Tiếng đàn của Vân Anh dường như vượt ra ngoài giới hạn của một kỹ thuật trình diễn đỉnh cao, có sự hòa trộn giữa năng lượng cảm xúc luôn ở mức cao nhất với một tư duy chơi nhạc cực kỳ sắc sảo, đã mang lại cho người nghe những cảm xúc dồn dập, mạnh mẽ, như thể một dòng thác âm thanh đang cuồn cuộn tuôn ra ở những đoạn cao trào.
Tinh tế có lẽ là mỹ từ chuẩn xác nhất dành cho tiếng đàn vĩ cầm của Nguyễn Phúc Hải, với vẻ đẹp của âm sắc và kỹ thuật hoàn hảo khi anh trình tấu cùng dàn nhạc, tái hiện lại giai điệu hấp dẫn lúc thật nhẹ nhàng, lúc thì nồng nhiệt của vũ điệu Tango, tác phẩm “Por Una Cabeza" (nhạc của Carlos Gardel).
Còn với tiếng đàn Tây Ban Cầm của Huỳnh Hữu Đoan, ngay từ khúc mở đầu bản Romance (Còn được gọi là Spanish Romance, hòa âm Vũ Trụ) vốn rất quen thuộc với người yêu nhạc Tây Ban Cầm cổ điển, Huỳnh Hữu Đoan đã chinh phục khán giả thật dễ dàng với kỹ thuật diễn tấu điêu luyện. Cách anh rải những nốt dịu dàng của bài Romance như ru hồn người, cùng kỹ thuật reo dây tuyệt hảo, nồng nàn với dòng âm thanh du dương, trầm bổng, cuồn cuộn chảy, cho người nghe cảm tưởng như có hai người đang song tấu guitare thật ra thì chỉ một mình anh độc tấu.
Bích Vân và Sean Buhr Mai trong trích đoạn nhạc kịch The Phantom of the Opera. (Băng Huyền/Viễn Đông)
Vẻ đẹp của Nhạc Việt
Chương trình “20th Anniversary Concert” còn giới thiệu vẻ đẹp đa sắc của nền âm nhạc Việt, người nghe được thả hồn phiêu bồng giữa bao cảm xúc của nhớ nhung, của yêu thương một thời, của kỷ niệm bất chợt ùa về dồn dập qua những giai điệu sâu lắng, đầy tính tự sự được ca sĩ hát với dàn nhạc giao hưởng mang đến cho người nghe một cảm nhận sâu lắng hơn, đầy đặn hơn. Giọng nữ cao của Nguyễn Cao Nam Trân thể hiện giai điệu trữ tình, êm dịu nhưng lại xoáy sâu bởi những ca từ thật da diết ca khúc “Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng” (Trịnh Công Sơn, hòa âm Vũ Trụ).
Ca sĩ Ngọc Hà, với chất giọng đẹp, có độ vang và tiếng ngân rất sâu đưa người nghe vào những âm thanh vô cùng quyến rủ, tình tứ của “Nhạc Chiều Năm Đó” (Lê Văn Khoa, do chính tác giả soạn hòa âm). Chất giọng nữ cao, vừa tròn trịa vừa ấm áp và kỹ thuật thanh nhạc thành thạo của Mộng Thủy thật ngọt ngào khi hát Áng Mây Chiều (Dương Thiệu Tước, nhạc sĩ Lê Văn Khoa soạn hòa âm).
Lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, nhưng giọng nam cao mềm mại, êm ái, truyền cảm của ca sĩ Nam Khánh dễ dàng lưu lại trong trái tim người nghe khi anh thể hiện thật tuyệt bài “Riêng Một Góc Trời” (Ngô Thụy Miên). Những lời xuất phát từ con tim đớn đau của nhà thơ Hữu Loan khóc người vợ đầu, đi từ bàng hoàng, ray rứt đến ám ảnh qua ca khúc “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” (Nhạc Phạm Duy, thơ Hữu Loan) với phần thể hiện của Lê Hồng Quang đã gây xúc động cho người nghe.
Giọng ca vút cao ngây ngất của Teresa Mai kết hợp cùng giọng nam trung ấm áp của Trịnh Hoàng Hải cùng song ca nhạc phẩm Nguyệt Cầm (thơ Xuân Diệu, nhạc Cung Tiến, hòa âm Trần Minh Tâm), đây cũng là tác phẩm duy nhất trong chương trình được biểu diễn không có dàn nhạc mà chỉ có giọng hát và tiếng đàn guitare của chính Trịnh Hoàng Hải đệm, đây là ca khúc rất khó để thể hiện cho đẹp như lời và âm điệu của tác phẩm, dẫu chưa xuất sắc, nhưng Teresa Mai và Trịnh Hoàng Hải khá thành công khi trình bày tác phẩm này.
Và những tác phẩm nhạc kịch, nhạc phim
Chất giọng baritone ấm áp, dày, mạnh mẽ, trữ tình, khả năng diễn xuất tinh tế, giàu cảm xúc của Sean Buhr, chàng ca sĩ đến từ New York, lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình của hội Hiếu nhạc Việt Mỹ đã chinh phục khán giả qua nhạc phẩm The Impossible Dream (The Quest), là một nhạc phẩm được viết cho vở nhạc kịch “Man of La Mancha”. Nhạc phẩm cũng đã được làm nhạc nền cho anh chàng Don Quixote, một con người hoang tưởng chiến đấu với cối xay gió.
Giọng ca của Bích Vân (trong vai Kim) với làn hơi khỏe khoắn, cách diễn đạt tinh tế, đặt tâm hồn mình vào từng nốt, từng câu, cùng giọng ca của Tim Nelson (vai Chris). Cả hai đã thể hiện tác phẩm “Last Night of the World” (trích đoạn của nhạc kịch “Miss Saigon,” nhạc và lời Claude Michel Schonberg, hòa âm Nguyễn Khánh Hồng) thật thiết tha, nồng nàn. Đây là vở nhạc kịch về cuộc tình ngang trái giữa một quân nhân Mỹ và cô gái mồ côi xinh đẹp người Việt vào những năm cuối cùng người Mỹ hiện diện tại miền Nam Việt Nam.
Ca sĩ Phạm Hà và Teresa Mai trong trích đoạn nhạc kịch The Phantom of the Opera. (Băng Huyền/Viễn Đông)
Giọng hát có âm sắc trữ tình, ngọt ngào, êm dịu như vọng lên từ sâu thẳm trong lòng người nghe, nhẹ nhàng mà day dứt, mềm mại mà nóng bỏng yêu thương, nỗi buồn của một tình yêu đã xa vời vợi, cảm xúc thật nghẹn ngào của Bích Vân đã thể hiện xoáy sâu vào góc cạnh tinh tế của nhiều cung bậc cảm xúc của tình yêu qua nhạc phẩm “Where Do I Begin” (trong phim Love Story, nhạc Francis Lai, lời Carl Sigman, hòa âm Lê Văn Khoa), là tác phẩm nhạc phim đứng thứ 9 trong 100 bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại, theo bình chọn của Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (American Film Institute).
Trên nền giai điệu nhẹ nhàng lãng mạn, miên man dịu dàng, gieo vào hồn người một chút cảm giác bâng khuâng, một thời xao xuyến rung động của ca khúc A Time For Us là bài hát được viết riêng cho bộ phim Romeo và Juliet, chuyển thể từ tiểu thuyết của đại văn hào Williams Shakespeare. Lời bài hát do Larry Kusik và Eddie Snyder đảm nhiệm, còn phần nhạc của nhạc sĩ Nino Rota. Hòa âm Vũ Trụ. Chất giọng baritone ấm áp của Phạm Hà đã vẽ lại cho người nghe về một một thời yêu thương đắm say của đôi trai tài gái sắc Romeo và Juliet đã gạt nước mắt vượt chông gai, đi theo tiếng gọi của tình yêu.
Vừa đủ nhẹ nhàng, vừa đủ thanh thoát, ca sĩ Teresa Mai thể hiện thật cảm xúc Somewhere (trích nhạc kịch West Side Story của nhà soạn nhạc Leonard Bernstein, lời Stephen Sondheim, hòa âm Lê Văn Khoa).
Riêng với tác phẩm nhạc kịch nổi tiếng nhất thế giới The Phantom of the Opera (âm nhạc Andrew Llyod Webber, lời Charles Hart và Richard Stilgoe, hòa âm Calvin Custer) là vở nhạc kịch chứa đầy những bi kịch, kết hợp với lãng mạn, kinh dị và huyền bí, là tấn bi kịch tình yêu, của một số phận lạc loài bị xã hội ruồng bỏ Erik một thiên tài trong âm nhạc nhưng lại mắc phải chứng bệnh loạn trí và có một khuôn mặt bị biến dạng như ác quỷ đó chính là lý do vì sao Erik luôn phải đeo một chiếc mặt nạ với Christine, một cô gái trẻ, xinh đẹp có giọng ca như thiên thần.
Những tác phẩm của trích đoạn nhạc kịch này được những tiếng hát của Bích Vân- Teresa Mai- Phạm Hà- Trịnh Hoàng Hải- Sean Buhr- Tim Nelson thể hiện, mỗi người với chất giọng biểu cảm riêng thật quyến rũ với những nhạc khúc khiến khán giả như đựoc bay vút trong 1 không gian âm nhạc lãng mạn và siêu thực.
Kết thúc chương trình là tác phẩm Time To Say Goodbye (nhạc và lời Frank Peterson, Lucio Quarantotto, Francesco Sartori, hòa âm Nguyễn Khánh Hồng) qua tiếng hát của Bích Vân và Phạm Hà.
Các nghệ sĩ của chương trình đã cùng chào tạm biệt khán giả và nhận được những tràng pháo tay, lời tán thưởng kéo dài ra đến cửa nhà hát dù buổi diễn đã kết thúc. Nhiều khán giả đã nán lại sảnh nhà hát sau chương trình chỉ để nói lời ngợi khen các ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc sinh và đặc biệt là những lời khen tặng dành cho nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng, về nghệ thuật chỉ huy cũng như tài năng của ông, cùng sự đóng góp lớn lao cho hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ trong vai trò đào tạo, dàn dựng và chỉ huy để có những tiết mục làm hài lòng các khán giả.
Với tài năng, tâm huyết của mọi người gắn bó thủy chung suốt bao năm qua, hy vọng, trong một ngày không xa, dàn nhạc của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ sẽ có thể đứng bên cạnh những giàn nhạc giao hưởng của người Mỹ tại đây. (bh)
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Sự thật gây sốc về Đường Tăng, nhân vật trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân
Trong truyện có nội dung là ai mà được ăn thi.t của Đường Tăng thì sẽ bất tử. Thực chất đã có nhân vật trong Tây Du Ký "ăn th.ịt ...
Phim ‘Super Mario Bros. Movie’ thâu hơn $1 tỷ mỹ kim toàn cầu
Chỉ chưa đầy một tháng, phim hoạt họa “The Super Mario Bros. Movie” của hãng Universal Studios đã đạt được một cột mốc quan trọng thứ hai, đó là vượt ...
Tiên nữ kiều diễm gốc Á thời AI
Chiêm ngững vẽ đẹp kiều diễm gốc Á Châu dước góc nhìn kỷ nghệ AI