Điện Ảnh, Nghệ Thuật

The Fly, từ phim kinh dị sang nhạc kịch

Thursday, 11/09/2008 - 02:08:04

The Fly hoàn tất theo đơn đặt hàng của Nhà hát Nhạc kịch Los Angeles (LA Opera), mà đặc biệt là giám đốc Plácido Domingo, một nghệ sĩ luôn tìm cách bắt ...

fly-opera-1.jpgVăn Điệp

LOS ANGELES – Thêm một nhà đạo diễn và một nhà soạn nhạc phim thử thời vận với nhạc kịch opera, và kết quả là The Fly (Con ruồi), một phim kinh dị chuyển thể sang kịch nghệ, cho phép “con ruồi” hát trên sân khấu.

[Daniel Okulitch, trần như nhộng, bước ra khỏi telepod, ảnh: Robert Millard]



The Fly hoàn tất theo đơn đặt hàng của Nhà hát Nhạc kịch Los Angeles (LA Opera), mà đặc biệt là giám đốc Plácido Domingo, một nghệ sĩ luôn tìm cách bắt cầu giữa nhạc kịch opera và điện ảnh. Duyên nợ còn sâu đậm hơn thế nữa. Đạo diễn David Cronenberg, người đã dàn dựng The Fly từ truyện ngắn của George Langelaan xuất bản năm 1957 thành phim cùng tên vào năm 1986, cộng tác với những thành viên chính của ê-kíp cũ cho vở opera mới: nhà soạn nhạc Howard Shore, đã viết nhạc phim cho The Fly năm 1986 (và nổi tiếng với nhạc phim cho Lord of the Rings chiếm 3 giải Oscar và 4 giải Grammy); nhà thiết kế y phục, em gái đạo diễn, Denise Cronenberg, giữ vai trò tương tự trong phim năm 1986; chuyên viên hóa trang và tạo hình Stephan L. Dupuis, từng đoạt giải Oscar về hiệu quả hóa trang cho The Fly, cũng cùng tham gia. Cấu trúc kịch bản giữ nguyên, nhưng đạo diễn Cronenberg mời kịch tác gia David Henry Hwang viết lại toàn bộ kịch thoại. Cronenberg quen với Hwang từ nhiều năm nay và đã dựng vở kịch M. Butterfly của Hwang thành phim.

Về âm nhạc, Howard Shore nhắc đi nhắc lại trong các buổi phỏng vấn, trước khi vở nhạc kịch công diễn lần đầu tại Paris, rằng là “hoàn toàn mới”, chỉ giữ lại đường nét của hai giai điệu mở đầu và gần cuối để điểm xuyết cho vở nhạc kịch. Tuy vậy, mặc dù chất liệu âm nhạc mới đối với vở nhạc kịch, vì chưa sử dụng trong phim, nhưng không có tính đột phá hay tạo được ấn tượng mới đối với người nghe. Và mặc dù Howard Shore thường xuyên đi nghe opera (từng có cùng một ghế ngồi tại Nhà hát Metropolitan ở New York trong 25 năm, theo lời ông kể với một tờ báo địa phương), nhạc bản ông viết cho The Fly nghe từa tựa nhạc phim trong cung cách mô tả và biểu cảm, có phần rời rạc hơn là mang cấu trúc âm nhạc xuyên suốt như trong một vở nhạc kịch.

Nhưng nếu âm nhạc không đủ sức lôi cuốn, đã có nhiều thứ khác giữ được sự chú ý của khán giả.

fly-opera-2.jpg[Daniel Okulitch biến thành người-ruồi, ảnh: Robert Millard]

Thứ nhất là cốt truyện. Khoa học gia Seth Brundle (bass-baritone Daniel Okulitch) chế tạo thành công bộ máy teleportation có khả năng phân tích nguyên vật liệu vô cơ cũng như hữu cơ của vật thể khi đưa vào đầu bên này để chuyển sang đầu bên kia để được tổng hợp lại hoàn hảo. Ông đưa cho cô bạn gái Veronica (soprano Ruxandra Donose) xem phát minh mới. Trong một lần thí nghiệm trên chính bản thân, Brundle để cho một con ruồi bay lọt vào máy khi ông bước vào. Bản đồ gene của ông và của con ruồi bị trộn lẫn vào nhau, tạo nên một con người-ruồi mới. Dần dà, cơ thể Brundle biến dạng, mọc lông, hình thù trở nên quái dị, mủ chảy ra, thật ghê rợn. Veronica vẫn đến săn sóc, an ủi, và cho biết cô đã có thai với ông ta. Brundle nảy ra ý nghĩ kéo cô đi qua máy cùng với ông ta để trộn ba bản đồ gene giữa ruồi và hai con người lại với nhau, cho ra một thành phẩm mới mà chất “ruồi” loãng hơn chất “người”. Bạn trai cũ của Veronica, Gary Lehman (baritone Stathis Borans), xuất hiện kịp thời để cứu cô. Veronica đưa súng lên kết liễu cuộc đời của người-ruồi Brundle, giúp ông thoát khỏi nỗi đau đớn thể xác, và quyết định giữ lại bào thai của Brundle.

Thứ hai là sự diễn xuất của các ca sĩ. Ngoài giọng hát khá hấp dẫn, ngoại hình đẹp, ba vai chính trong The Fly nhập vai thật đáng tin. Daniel Okulitch vừa phải hát vừa phải làm tình, ghen tương, lăn lộn, đu người ngược và bò trên xà ngang (như một con ruồi). Ruxandra Donose cuốn hút khán giả qua những biến chuyển liên tục về tâm lý nhân vật qua câu chuyện kể lại của cô. Gary Lehman đóng vai một nhân vật phức tạp không kém, vừa giữ nét mặt đăm đăm của một kẻ cơ hội, khó ưa, vừa phải theo đuổi một tình yêu cần sự hy sinh.

Thứ ba là lời thoại. Henry David Hwang một lần nữa chứng tỏ tài nghệ xây dựng nhân vật và kịch tính, điểm thêm một chút khôi hài sắc bén của mình.


fly-opera-4.jpg[Ruxandra Donose trong nỗi kinh hãi, ảnh: Robert Millard]

Thứ tư là sân khấu, ánh sáng, trang phục, và hóa trang. Đạo diễn Cronenberg cho dựng lại cảnh trí thời thập niên 1950 với thế giới khoa học giả tưởng đầy máy móc do Dante Ferretti tạo nên thật công phu. Ánh sáng do A.J. Weissbard đảm nhiệm không hề sơ sót (nhất là một cảnh cần đèn chiếu cực mạnh từ phía sau) và rất hiệu quả trong việc tạo nên cảm giác chuyển đổi không gian và thời gian mà không cần thay đổi lớn về cảnh trí. Trang phục của Denise Cronenberg hợp thời và đủ màu sắc làm cho thế giới các khoa học gia bớt đơn điệu, nhàm chán. Phần hóa trang của Stephan L. Dupuis dễ làm cho người xem rợn tóc gáy.

Sau cùng là tài điều khiển dàn nhạc của Plácido Domingo, người cầm baton đêm diễn ra mắt, 07.09.2008. Vẫn đầy nhiệt huyết, ăn khớp với các giọng hát, tuy đôi lúc dàn nhạc hơi to so với giọng hát.         

The Fly dường như là một trường hợp điện ảnh “lấn sân” khá nhiều sang sân khấu nhạc kịch. Plácido Domingo có lẽ vẫn còn phải đi tìm những hướng kết hợp mới giữa hai loại hình nghệ thuật này để dung dưỡng một sự hòa hợp dễ chịu nào đó.

Vở The Fly còn trình diễn đến ngày 27.09.2008 tại Thính đường Dorothy Chandler. Vé $20-$250 có bán qua điện thoại (213)972-8001, trên mạng www.laopera.com, hoặc tại phòng vé 135 N. Grand Ave, Los Angeles, CA 90012.

 
Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT