Hôm Nay Ăn Gì

Thỏ hầm măng vừa ăn vừa nhớ…

Thursday, 04/06/2020 - 08:23:52

Nói tới món thịt thỏ hầm măng, có lẽ, không phải ai cũng ưa món này vì có người nuôi thỏ cảnh.


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM
Nói tới món thịt thỏ hầm măng, có lẽ, không phải ai cũng ưa món này vì có người nuôi thỏ cảnh. Nhưng nguyên liệu món ăn tôi muốn nói ở đây là thỏ thịt, từ các trang trại, các cửa hàng. Và măng, nếu như không có măng tươi thì có thể dùng măng khô, măng nào cũng ngon khi gặp thịt thỏ. Không hiểu vì nguyên nhân gì mà thịt thỏ dùng để nấu măng thì vô đối, lúc đó măng ngon hơn thịt, người ta chỉ cần dùng măng. Cũng giống như dưa cải kho cá lóc hoặc bất kì loại cá nào hợp với nó thì khi kho xong, cá không còn ý nghĩa gì nữa mà dưa cải mới là món để bàn.

Nói tới măng thì thiết nghĩ không riêng gì Việt Nam mới có, không chừng Mỹ còn có nhiều hơn Việt Nam. Và nếu được, trong thời gian này, tức mùa hè, nên mua măng tươi của nhà nông mới xử lý về nấu để đảm bảo đúng mùi vị. Bởi măng tháng Tư âm lịch là món ngon hảo hạng so với măng các tháng khác. Vì sao lại có chuyện này? Vì theo thuyết âm dương ngũ hành thì cây cối, vạn vật đều có quá trình sinh, thành, bại, hoại của nó, và trong đại (quá) trình này có tiểu trình thiếu âm, thái âm, thiếu dương, thái dương.

Chuyện dông dài, nghĩa nôm na của vấn đề là một năm có bốn mùa, Mùa Xuân thuộc thiếu dương, mùa hạ thuộc thái dương cực đỉnh của dương đang chuyển hóa dần sang âm để mùa thu thuộc thiếu âm và mùa đông thuộc thái âm, cực trị của âm đã hàm chứa khí dương, chừng tháng Mười Một âm lịch thì khí dương len lõi… Và tháng Tư, chính là lúc khí dương mạnh nhất nhưng không chứa thiếu âm, đang ngưỡng cửa từ thiếu dương sang thái dương. Cây măng hấp thụ tinh khí đất trời, cực mạnh và năng lượng dương tính rất mạnh vào thời điểm này, nói nôm na là dinh dưỡng của cây măng sẽ thiên về tính mạnh, động, không gây nhức mỏi và vị của nó thanh, sắc…

Ngược lại, măng tháng Tám âm lịch lại có lắm vấn đề để nói, bởi lúc này đã bắt đầu chuyển từ thiếu âm sang thái âm, khí âm tràn trề cây măng, đây cũng là nét đặc trưng của cây tre, nghĩa là hầu hết khí âm, khí dương trong thân cây rất rành mạch chứ không giống như những loại cây khác có biểu hiện nước đôi, khí âm và khí dương chan hòa, không rành mạch lắm. Thường thì cây măng tháng Tám nếu ăn vào, mà ăn măng tươi nữa thì sẽ cho cảm giác nhức mỏi, đau đầu, khó ngủ, ác mộng…

Bây giờ Việt Nam không còn những người thợ tre có thể để ý mùa sinh của từng cây tre để làm nhà hay đan nông cụ như thời ông ngoại (vợ) tôi. Ông tôi là một thợ tre giỏi nổi tiếng xứ Huế, ông vốn con nhà võ, giỏi bấm huyệt, giỏi xem long trạch, địa lý và ngày giờ, nhưng cuộc đời của ông chỉ dành cho việc làm thợ tre kiếm cơm độ nhật, với võ và nghiên cứu địa lý, âm dương ngũ hành, ông chỉ nghiên cứu chơi và truyền đạt miễn phí cho những ai yêu thích, ông cũng chưa bao giờ bói toán hay xem vị trí nhà cửa cho ai mặc dù đệ tử của ông giàu có và làm nên sự nghiệp bằng con đường này.

Lúc còn minh mẫn, ông hay nói với tôi rằng muốn làm thợ tre giỏi không phải là đan giỏi hay làm nhà giỏi, đẹp, làm ghe chắc mà cốt lõi là biết chọn tre và làm cho được cái nhà đẹp mà bền. Tại sao người xưa làm một căn nhà tranh có thể tồn tại cả trăm năm không hư hỏng mà bây giờ các khu du lịch dựng nhà tranh chỉ chưa đầy ba năm đã thấy mục ra rồi? Vì người xưa làm thợ tre là sống với cây tre, nó khác với người bây giờ dùng tre để làm loe, chẳng hạn như việc dựng các chòi tre trong khu du lịch hay làm nhà lầu bằng tre, cho dù có xử lý tre kiểu gì thì cũng chỉ mười năm là đã xuống cấp trầm trọng, bởi thiếu cái hồn tre trúc.

Muốn biết tre, một người thợ tre phải thuộc các bụi tre và phải có nghề, có linh cảm để nhận dạng đâu là cây tre của măng tháng Tư, đâu là cây tre của măng tháng Tám. Măng tháng Tư dùng vào bộ phận nào trong căn nhà, măng tháng Tám dùng vào bộ phận nào trong căn nhà. Có như vậy khi cất nhà xong, người ta ở mới đảm bảo sức khỏe, không bị nghịch điện trường và ngôi nhà cũng bền vững.

Vì cây tre của măng tháng Tư chứa toàn khí dương nên khi xử lý, ngầm bùn sau trăm ngày lại ra rặt khí âm, ngược lại, cây măng của tre tháng Tám chứa toàn khí âm nhưng ngâm bùn đủ một trăm ngày lại ra rặt khí dương. Cái hay của tre ngâm là chỗ này. Và làm nhà mà dùng tre tươi hay tre chưa qua xử lý ngâm bùn thì chất lượng rất kém, mau bị mối mọt và chắc chắn một điều là ở trong căn nhà đó sẽ nguy hiểm cho sức khỏe. Mốc thời gian ngâm tre của người xưa cũng khá đặc biệt, nếu gấp thì người ta ngâm đủ 100 ngày, nếu không gấp thì ngâm gần ba năm, tức đúng 1,000 ngày thì vớt lên phơi khô cất nhà, tốt không gì bằng. Mà hầu hết những căn nhà có tuổi thọ trên trăm đều được xử lý ngâm bùn 1,000 ngày. Nghĩa là khi chặt tre, thợ phải phân loại ngay từ bụi tre, cây của măng tháng Tư riêng thành một nhóm, tre của măng tháng Tám riêng thành một nhóm. Sau đó mang hai nhóm tre về ngâm thành hai tụ dưới đày hồ, đáy đầm hay đáy sông, đóng cọc, ghì cây tre sát đáy bùn, sau đó đắp bùn lên thân tre và đắm thêm rễ bèo cho bùn không bị trôi, ngày bỏ tre xuống bùn được tính là ngày thứ nhất, cứ như vậy đếm đủ trăm ngày hoặc ngàn ngày thì vớt tre lên.
Tre ngâm bùn sau một thời gian, khi vớt lên có mùi hôi rất khủng khiếp, thợ tre mang đi phơi chừng mười ngày, sau đó rửa nước và phơi thêm mười ngày nữa thì có thể mang vào làm nhà. Nhóm tre của măng tháng Tư, sau khi ngâm bùn chuyển sang khí âm hoàn toàn sẽ được đặt ở vị trí trần nhà, mái, vĩ kèo, thanh xà… Nói chung là đặt ở phần trên cao của nhà. Còn nhóm tre măng tháng Tám sau khi ngâm được chuyển hóa thành khí dương sẽ dùng làm cột, phên, vách, bàn ghế… Nói chung là làm những bộ phận gần mặt đất. Bởi quan niệm của người thợ tre cho rằng tre mang khí âm, khi lợp lên phần trên sẽ tiếp xúc với khí dương, tạo được trung hòa, ngược lại mặt đất khí âm, dùng những cây tre mang khí âm để làm sẽ tạo trung hòa và tạo ra không gian cân bằng về điện trường cho người sống trong nhà, tạo độ bền, tạo ra được mối quan hệ hài hòa giữa Thiên - Địa - Nhân.

Thú thực là nghe ông tôi nói đến đây thì tôi phục sát đất những người thợ tre và tôi tin ông nói hoàn toàn đúng bởi ông từng dắt tôi đi để xem một vài ngôi nhà tranh có tuổi đời trên trăm do ông tổ làm thợ cất cho người dân ở Phú Lộc, Nam Đông và thị trấn Sịa, Quảng Điền. Rất tiếc những ngôi nhà này đã bị săn sạch, những tay có tiền bỏ ra mua về cất trong các khu du lịch. Nhận xét về chuyện này, ông tôi lắc đầu xuýt xoa tiếc, bởi theo ông, nếu như ngôi nhà có thể tồn tại được trăm tuổi, khi nó 50 tuổi người ta mang về cất lại thì cao lắm nó chỉ sống thêm mười năm nữa. Bởi nó đã bị bứng ra khỏi vùng năng lượng mà nó đã kết tụ suốt nhiều chục năm nay, nên khi bứng đi, nó bị rối năng lượng, hụt hẫng và già khọm ngay.

Chỉ riêng chuyện cây tre làm nhà, nghe cũng lắm công phu và cân não, còn chuyện ăn măng, kể ra càng lắm nỗi niềm. Có người khuyên chỉ nên ăn mang tháng Tư, cũng có người khuyên chỉ nên ăn mang tháng Tám. Người khuyên ăn măng tháng Tư có cái đúng của tháng Tư, bởi đàn ông thuộc dương, nếu ăn măng tháng Tư sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đặc biệt là người có bệnh nền như cao huyết áp, rối loạn tim mạch… Còn phụ nữ ăn măng tháng Tám thì lại nguy hiểm bởi họ thuộc âm, khi ăn măng tháng âm nữa thì cũng ảnh hưởng sức khỏe. Chính vì vậy người ta khuyên đàn ông nên ăn măng tháng Tám, đàn bà nên ăn măng tháng Tư.

Nhưng cả hai ý này đều chỉ đúng một phần, thậm chí vô nghĩa nếu như nấu măng với thịt thỏ. Thịt thỏ có tính trung hòa khác thường, một loài ăn rất ít, uống thì vô cùng ít nhưng cơ thể lại nhiều nước, thịt không bị khô. Bởi thỏ dùng dưỡng chất từ không khí rất nhiều và chỉ có thịt thỏ mới mang cả hai dấu và nhanh chóng chuyển hẳn dấu khi tương tác. Ví dụ như gặp măng tháng Tư thì thịt thỏ chuyển ngay sang dấu âm để trung hòa, ngược lại cũng vậy. Thế nên nấu măng với thịt thỏ ít lo về vấn đề măng tháng nào. Và măng nấu với thịt thỏ ngon mà không gây say như những loại thịt khác.

Món này nấu đơn giản, chỉ cần ướp thịt thỏ chặt nhỏ với hành, tỏi, ớt, mắm, muối, một chút dầu ăn, sau đó đợi thịt ngấm, cho vào nồi tao sơ, rồi cho măng vào, đảo đều, đun nhỏ lửa khoảng 1 phút và cho nước ấm hoặc nước sôi vào xấp xấp với thịt, măng. Đậy nắp, đun lửa nhỏ chừng mười phút cho đến khi mùi thơm bay hơi thì đảo đều, đậy nắp thêm khoảng năm phút nữa là có thể ăn được. Món này ăn với cơm, bún hoặc bánh mì đều ngon. Và khi ăn, nếu có thêm chén muối tiêu đâm ớt xanh pha chanh hoặc chén mắm tôm pha rượu, đường, chanh ớt tỏi để chấm thịt thì càng hấp dẫn. Xin cầu chúc quí vị có bữa ăn ngon miệng và mau chóng trở lại trạng thái ổn định xã hội, mọi người được bình an, may mắn!

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT