Hôn Nhân, Cuộc Sống

Thứ trưởng Giáo Dục Hoa Kỳ Evers: Người Việt Nam có tinh thần coi trọng học vấn

Monday, 29/09/2008 - 12:52:26

Ông Bill Evers tốt nghiệp cử nhân, cao học, và tiến sĩ ngành chính trị học tại Đại Học Stanford. Sau khi giảng dạy tại một số trường đại học, ...

billevers_9529w.jpgBài và ảnh: Vi Lang/Viễn Đông

 

COSTA MESA (California) – Hôm thứ Sáu, 26.09.2008, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ Bill Evers thuyết trình tại Sở Giáo Dục Quận Cam về tình hình nền giáo dục của Hoa Kỳ hiện nay và những đường hướng cho tương lai. Sau buổi nói chuyện, Thứ trưởng Evers đã dành riêng cho phóng viên Viễn Đông một cuộc phỏng vấn đặc biệt.



Ông Bill Evers tốt nghiệp cử nhân, cao học, và tiến sĩ ngành chính trị học tại Đại Học Stanford. Sau khi giảng dạy tại một số trường đại học, Ts. Evers về lại Viện Hoover ở ĐH Stanford làm chuyên gia nghiên cứu. Năm 2003, Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq Paul Bremer mời Ts. Evers làm cố vấn cấp cao trong công tác mở lại hệ thống trường học ở Iraq cho 6 triệu học sinh.

 

Ts. Evers chuyên nghiên cứu về chính sách giáo dục liên quan đến giáo trình, việc khảo sát tiến trình học tập, sự minh bạch trong hệ thống học đường và cách sử dụng ngân khỏan. Từ đầu năm 2007, Ts. Evers giữ chức vụ cố vấn cấp cao cho Bộ trưởng Giáo Dục Margaret Spellings. Đến tháng 10.2007, Thượng Viện Hoa Kỳ bổ nhiệm Ts. Evers vào chức vụ thứ trưởng đặc trách về việc họach định, đánh giá, và khai triển chính sách giáo dục. Trong thời gian này, Ts. Evers đã góp phần vào việc tái thông qua Đạo Luật Không Bỏ Rơi Trẻ Em (No Child Left Behind Act) và thiết kế lại trang nhà của Bộ Giáo Dục (ed.gov) dành cho các giáo viên chia sẻ kinh nghiệm về những phương pháp giảng dạy và điều hành có hiệu quả. Công việc chính của Ts. Evers là quản lý Văn Phòng Họach Định, Đánh Giá, và Khai Triển Chính Sách (OPEPD), nơi liên kết giữa Bộ Giáo Dục, các ủy ban về giáo dục của lưỡng viện, và các cơ quan giáo dục cấp tiểu bang.

 

Viễn Đông: Ông vui lòng nói rõ hơn về Đạo Luật Không Bỏ Rơi Trẻ Em (No Child Left Behind Act - NCLB).

Bill Evers: Đây là một đạo luật được chính phủ Bush tái thông qua năm 2004, nhưng thật ra đã hiện hữu từ thập niên 1960 với những tên gọi khác nhau. Bộ luật này dầy cả ngàn trang và rất phức tạp. Tựu trung, đạo luật NCLB dựa trên căn bản thúc đẩy sự tiến bộ của nền giáo dục Hoa Kỳ, vốn yếu kém hơn những quốc gia phát triển khác. Đạo luật NCLB đưa ra những đường hướng giúp cho các tiểu bang tại Hoa Kỳ gia tăng chất lượng và hiệu quả giảng dạy cho học sinh ở bậc tiểu và trung học (K-12) bằng cách tạo điều kiện cho các tiểu bang tự đánh giá thành quả và điều chỉnh chính sách giáo dục cho phù hợp. Các trường học sẽ phải dạy học sinh một số kiến thức và trắc nghiệm từng giai đọan xem các em đã nắm vững kiến thức chưa.

 

VĐ: Có dư luận cho rằng đạo luật NCLB sẽ buộc các giáo viên đóng vai trò luyện thi cho các em, thay vì giảng dạy một chương trình tòan vẹn hơn về mặt kiến thức. Ông nghĩ sao về việc các em luôn phải chuẩn bị cho các kỳ thi, khiến cho giáo viên chỉ chú tâm đạt thành tích?

Bill Evers: Trước hết, bộ bài thi do mỗi tiểu bang sọan thảo rất bao quát. Lấy môn Tóan ở California, chẳng hạn. Năm nay các em sẽ làm bài thi về một số đề tài đã học; năm sau, các em sẽ thi về một số đề tài khác; đến năm sau, các em lại thi một số đề tài khác nữa; cứ như vậy, các em thi xong tất cả đề tài của môn Tóan đã học trong giáo trình ba năm. Thầy cô giáo sẽ không biết trước đề thi, nên họ phải dạy bộ môn Tóan một cách tòan diện để các em có thể thi đậu với bất cứ đề thi nào.

Thứ hai, nếu xem biểu đồ thời lượng trung bình dành cho các môn học Tóan, Anh Văn, Xã Hội Học, và Khoa Học Tự Nhiên từ trước và sau khi có đạo luật NCLB, chúng ta thấy rằng số phút dành cho các môn học này không thay đổi nhiều. Bây giờ so với những năm trước, thời lượng dành cho môn Tóan có tăng lên vài phút mỗi ngày, không đáng kể. Hơn nữa, hai môn Tóan và Anh Văn cho các em kiến thức căn bản để có thể hiểu các môn Xã Hội Học hay Khoa Học Tự Nhiên.  

 

VĐ: Một lúc nào đó, tiểu bang California, chẳng hạn, sẽ phải đặt ra chỉ tiêu 100% “không bỏ rơi” lại bất cứ học sinh nào, hay, nói cách khác, tất cả học sinh trên khắp tiểu bang phải thi đậu môn Tóan và Anh Văn. Điều này hầu như không thể xảy ra. Nhưng nếu không đạt được chỉ tiêu, những trường học đó sẽ bị “phạt” như thế nào?

Bill Evers: Dựa trên kết quả đánh giá thành quả học tập của các học sinh, trường học công lập sẽ phải xem xét, điều chỉnh lại cho hợp lý để nâng cao chất lượng giảng dạy. Nếu chất lượng vẫn kém, ban quản trị nhà trường sẽ phải mạnh dạn thay đổi giáo viên, nhân viên điều hành, và kể cả hiệu trưởng. Nếu nhà trường không thực hiện được đúng chức năng của mình, trường công lập đó sẽ phải biến thành trường bán công tự quản trị (charter school), thay vì dưới quyền kiểm sóat của học khu.

Điều căn bản trong đạo luật NCLB là tạo sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm cho hệ thống trường công lập qua việc đánh giá bằng các kỳ thi khảo sát trình độ Tóan và Anh Văn của học sinh. Không có một bài thi nào hòan hảo; tuy nhiên, nhiều bài thi khác nhau sẽ giúp cho việc đánh giá trình độ các em hòan thiện hơn. Vấn đề then chốt hiện nay vẫn là làm sao nâng được trình độ học sinh lên một mức cao hơn.

 

VĐ: Ông nghĩ thế nào về việc thành lập một giáo trình thống nhất cho tất cả các cấp trên tòan cõi Hoa Kỳ?

Bill Evers: Tôi không nghĩ đó là giải pháp tốt nhất. Một giáo trình thống nhất sẽ khiến cho mọi người đổ xô đi tìm cơ quan phụ trách sọan thảo giáo trình để đưa những điểm mình muốn vào giáo trình, tạo nên nhiều khó khăn trong việc quản lý. Vấn đề chung cần giải quyết vẫn là làm sao các em học sinh chịu thu thập kiến thức để cho việc giảng dạy có hiệu quả.

Thí dụ, 50 tiểu bang như 50 chiếc xe tham gia vào cuộc đua xe. Mỗi chiếc có máy đo tốc độ khác nhau nhưng cùng một điểm đến. Cũng như chúng ta có thể có nhiều phương cách giảng dạy và khảo sát trình độ học sinh, nhưng phải cùng một mục tiêu về hiệu quả giảng dạy. Thành quả sau cùng vẫn quan trọng hơn hết.

 

billevers_9540w.jpgVĐ: Ông nghĩ sao về việc trả lương cho giáo viên dựa trên sự đánh giá về hiệu quả giảng dạy qua điểm thi, chẳng hạn? Việc đánh giá này có khó thực hiện không, khi mỗi giáo viên có cách giảng dạy riêng cho từng lớp học?

Bill Evers: Nên trả lương theo hiệu quả giảng dạy để khuyến khích giáo viên dạy giỏi hơn và thu hút người tài về những nơi cần nâng cao chất lượng giáo dục. Chúng ta có thể đo lường chất lượng bằng kết quả thi cử của các em. Nếu giáo viên dạy dở thì các em sẽ không tiếp thu được kiến thức. Thầy cô giáo có nhiệm vụ phải giúp các em nắm vững kiến thức căn bản.

 

VĐ: Đại học ngày nay phải mở nhiều lớp trung chuyển hơn để giúp các học sinh tốt nghiệp trung học theo kịp giáo trình trên đại học (remedial classes). Bộ Giáo Dục có những kế họach gì để giúp chuẩn bị học sinh trung học cho bậc đại học?

Bill Evers: Đúng là nhiều học sinh trung học hiện nay chưa chuẩn bị được cho đại học vì trình độ còn kém. Việc đo đạc, đánh giá bằng những kỳ thi lại càng cần thiết hơn nữa để biết được trình độ thực sự của các em học sinh và điều chỉnh cho thích hợp. Nếu chúng ta không có nhiều thước đo, làm sao biết được hệ thống hỏng ở đâu mà sửa? Ngòai ra, chúng ta còn phải nghĩ đến việc tạo dựng đội ngũ nhân công có trình độ cạnh tranh được trong thị trường tòan cầu hóa ở thế kỷ này.

 

VĐ: Trong buổi thuyết trình hôm nay, ông có nhắc đến những giá trị tinh thần, mà theo ông, có thể còn quan trọng hơn là những cơ chế hành chánh trong việc giáo dục. Mong ông nói rõ hơn.

Bill Evers: Như tôi đã nói, Bộ Giáo Dục giúp cho các cơ quan giáo dục cấp tiểu bang và địa phương họach định và thực hiện những chỉ tiêu giáo dục đã đề ra, nhưng Bộ không tập trung quyền lực để chỉ đạo từng bước mà để cho ban ngành ở mỗi cấp tự do họat động để hướng tới mục tiêu chung. Sau cùng, yếu tố giá trị tinh thần của phụ huynh học sinh và thái độ đối với học vấn vẫn là nền tảng giúp cho việc học hành đạt kết quả khả quan.

Người Việt Nam nói riêng và các dân tộc Á châu như Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản nói chung, có tinh thần coi trọng học vấn. Họ bắt buộc con cái phải làm bài tập, không để thầy cô la rầy. Họ có chí hướng muốn thế hệ sau phải khá hơn thế hệ trước.

Tôi thấy điều này là cốt lõi giúp cho người Việt thành công khi đến Hoa Kỳ, mặc dù cũng phải vật lộn với nhiều khó khăn ban đầu. Nhưng khi người Việt Nam ở đây vài thế hệ cũng dễ đồng hóa với những giá trị bản xứ và đánh mất tính cách siêng năng, chịu khó học hỏi của thế hệ di dân đi trước. Những thế hệ sau này muốn khá hơn vẫn phải giữ được lòng yêu mến học hỏi.

VĐ: Cám ơn ông đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn này.

 

Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT