Mẹo Vặt

Thực phẩm GMO: Lợi bất cập hại

Tuesday, 27/06/2017 - 07:22:11

Nhưng nhìn những trái bắp, trái táo lớn mọng, thành quả của kỹ thuật GM này, chúng ta phải lấy làm tiếc mà tự hỏi: Chúng có khuyết điểm gì? Hôm nay mình sẽ thử nhìn đến những điều gọi là không hay, xem tác dụng (hoặc, tác hại) của chúng thế nào.

Bài VŨ HẰNG

Thực phẩm GMO, cũng gọi là GM Foods, đang là một đề tài được bàn cãi khá sôi nổi trong giới khoa học và chuyên viên dinh dưỡng. Chúng ta, người phàm mắt thịt, lại hóa ra sướng, cứ ngồi im mà tọa hưởng thành quả các nghiên cứu rất công phu của các vị, nên Hằng xưa nay vẫn coi họ như “thầy cô” là vì thế. Về riêng đề tài này, các thầy cô đã cống hiến cho đời nhiều nông phẩm GMO phổng phíu, đẹp mắt, ngon lành… cứu giúp được bao nhiêu con người trong các vùng đói kém.


Nghiên cứu của trường đại học Brown University cảnh cáo về nhiều rủi ro mà nông phẩm GMO có thể gây ra.

Tưởng rằng với thành quả ấy, từ nay chúng ta có thể sống một cách đầy đủ an nhàn, không khác gì thiên đàng ở trần gian. Nhưng trần gian vốn dĩ không là thiên đàng, nên các thầy cô sau đó lại khám phá ra nhiều khía cạnh không tốt của nông phẩm GMO. Thực là… cụt hứng, phải không bạn?

Nhưng nhìn những trái bắp, trái táo lớn mọng, thành quả của kỹ thuật GM này, chúng ta phải lấy làm tiếc mà tự hỏi: Chúng có khuyết điểm gì? Hôm nay mình sẽ thử nhìn đến những điều gọi là không hay, xem tác dụng (hoặc, tác hại) của chúng thế nào.


Ăn bắp GMO vẫn ngon mà, sao lại nói là có rủi ro về sức khỏe?

Theo nghiên cứu tại Brown University, một trường đại học lâu đời nhất của nước Mỹ, có mặt như một ngôi sao Bắc Đẩu trong làng nghiên cứu thế giới từ năm 1764 đến nay, thì những sản phẩm đã bị biến tính di truyền có thể đưa đến nhiều rủi ro cho sức khỏe con người trong những lãnh vực sau đây:

1. Gây dị ứng (allergy)

Muốn tác động để nâng cao phẩm chất di truyền của một sinh vật, trước tiên nhà khoa học phải đưa vào cơ thể nó những đạm chất (proteins) lạ vốn không có trong cấu trúc nguyên thủy của sinh vật chủ ấy. Như vậy, khi ăn một trái chuối GMO, bạn đừng nghĩ rằng mình vẫn đang thưởng thức thứ trái cây quen thuộc, chưa gây dị ứng cho mình bao giờ. Điều bạn không biết là trong trái chuối ấy bây giờ đã có thêm một hay nhiều thứ đạm chất mới, rất có thể không thích hợp với cơ thể bạn, đưa đến những cơn dị ứng mà bạn không ngờ.
Thực tế đã xảy ra đúng như vậy.

Trung Tâm Thống Kê Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (National Center for Health Statistics) nhận thấy số trẻ em bị dị ứng thực phẩm đã từ 3.4% trong những năm 1997-99 lên 5.1% trong những năm 2009-2011, sau khi thực phẩm GMO được đưa vào thị trường.


Mướp còn nguyên dạng (organic) đây!!! Nhưng… thật không đấy? Có trời mới biết được là ong bướm nào đã vào đây!

Tình trạng này chắc chăn gây thêm phiền phức cho người mua, họ sẽ không biết thứ trái cây vốn lành mạnh với họ trước nay, có còn được như thế sau khi đã bị biến đổi di truyền hay không. Hậu quả là sự chọn lựa của giới tiêu thụ sẽ bị thu hẹp lại.

2. Mùi vị đổi khác, có thể không an toàn như xưa

Quả táo GM nhìn thì ngon, nhưng chưa chắc bạn tìm lại được cái mùi vị nguyên thủy mà bạn vẫn mê trong loại táo quen thuộc. Chuyện này dễ hiểu, bởi vì, thực chất trái táo đâu còn nguyên thủy, mà đã được pha thêm nhiều chất lạ rồi.
Đi xa hơn một chút nữa, nhiều thầy cô còn nghi ngờ rằng, những chất mới thêm vào khiến cho sâu rầy sợ biết đâu cũng là những thứ đáng sợ với cơ thể chúng ta? Thời gian chưa đủ lâu để thấy những hậu quả tích lũy phát triển thành bệnh tật, nhưng có ai liều mang thân mình đi thử không?

3. Giảm sự phong phú của vũ trụ

Đây có thể coi như hậu quả lớn của kỹ thuật GM. Với kỹ thuật biến đổi di truyền, chúng ta có thể làm cho mùa màng trở nên miễn nhiễm đối với một số loại sâu rầy, lâu dần, sẽ làm cho loại sâu rầy ấy chết dần đi, và có thể bị “tuyệt tích giang hồ.” Bạn có thể cười khà khà nhìn ruộng lúa của mình phát triển, không bị sâu rầy xâm phạm, nhưng thiên nhiên mất đi một “tác phẩm,” và những loài chim ăn sâu mất nguồn lương thực, rồi có thể cũng dần dần tuyệt chủng theo.

4. Rối loạn trật tự thiên nhiên

Biến đổi di truyền là đưa bàn tay của con người vào “quậy phá,” đảo lộn trật tự thiên nhiên, khiến cho các gene nguyên thủy bị thổi tung, lang thang đi tứ phía, rồi vô tình đậu lại ở một nơi bất ngờ, tạo ra các hậu quả ngoài sự tiên liệu của các nhà khoa học. Tổ Chức Lương Nông Thế Giới (FAO, The Food and Agricultural Organization of the United Nations) có đưa ra thí dụ như sau: Những genes chống thuốc diệt cỏ, lẽ ra được cấy vào bên trong hạt lúa, rốt cuộc lại bay vào trong hạt cỏ, từ đó mọc lên một loại cỏ mà không một loại thuốc diệt cỏ nào có thể trừ được. Đúng là phúc chưa thấy đã thấy tội.

Chưa hết đâu nhé. Thí dụ: Bạn có một dàn mướp GMO đang nở hoa, ong bướm đến hút nhụy, rồi mang nhụy GMO ấy đi cấy vào những dàn mướp trong những trang trại thật xa, vô tình biến nông phẩm ở đây thành một thứ GMO mà chủ trại không hề hay biết gì cả. Khi người chủ trại này đưa nông phẩm vào thị trường, đương sự vẫn mạnh miệng quảng cáo rằng hàng của mình là Organic, không hề có GMO. Như vậy có phải là... bát nháo lắm không?

Một số thầy cô cũng từng cảnh cáo rằng, khi genes đã được tách rời và phóng ra thì không có cách gì thu phục chúng trở về được. Đúng là đổ nợ ngoài ý muốn!

Đến đây, chắc bạn nghe cũng đã đầy tai rồi. Nhưng chưa hết đâu, sẽ còn nhiều bí mật khác, Hằng hẹn sẽ bật mí với các bạn trong bài kỳ tới.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT