Pháp Luật

Tìm hiểu về quyền tự do phát biểu nhân vụ Donald Sterling

Friday, 23/05/2014 - 01:02:31

Vào cuối tháng Tư vừa qua ông Donald Sterling, tỷ phú và chủ đội bóng rổ LA Clippers, đã bị Hội Bóng Rổ Quốc Gia (National Basketball Association hay NBA) phạt $2.5 triệu Mỹ Kim cũng như cấm ông Sterling trong tất cả mọi liên hệ với NBA từ nay cho đến chết. Nguyên do của hình phạt nặng ký này là vì ông Sterling

LS Diệp Thế Lân



Donald Sterling (giữa) đang xem một trận đấu của Clippers đầu tháng Tư năm nay. (Getty Images)
 
Vào cuối tháng Tư vừa qua ông Donald Sterling, tỷ phú và chủ đội bóng rổ LA Clippers, đã bị Hội Bóng Rổ Quốc Gia (National Basketball Association hay NBA) phạt $2.5 triệu Mỹ Kim cũng như cấm ông Sterling trong tất cả mọi liên hệ với NBA từ nay cho đến chết. Nguyên do của hình phạt nặng ký này là vì ông Sterling đã trách cứ và cấm bạn gái của ông, cô V. Stiviano, dẫn người da đen đến tham dự các trận đấu banh của đội ông. Không may cho ông Sterling, cô Stiviano đã ghi âm cuộc trao đổi này và cơ quan truyền thông TMZ đã phổ biến một cách rộng rãi, khiến cho nhiều công ty lánh xa ông Sterling và ngưng mua quảng cáo trên TV trong giờ đội Clippers đánh banh. Hơn ba phần tư số người chơi bóng rổ trong NBA là người da đen, và vì thế, NBA phải có thái độ.

Dĩ nhiên, không ai sẽ chối bỏ là những lời phát biểu của ông Donald Sterling thật là kỳ thị. Thế nhưng tại xứ Mỹ này người ta có quyền phát biểu ý nghĩ cá nhân, đúng không? Nếu Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do phát biểu của dân, và nếu Hiến Pháp cho người dân quyền muốn nói gì nói, thì việc phạt ông Sterling vì lời phát biểu của ông có vi phạm vào các quyền dân sự của ông ta hay không? Câu trả lời tóm tắt là không. Nhưng tại sao không?

Như nhiều người biết, Tu Chính thứ nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo đảm cho mọi công dân nước Mỹ quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu. Nhưng điều cần biết là quyền này, cũng như những quyền được ghi rõ trong Đạo Luật Dân Quyền Hoa Kỳ - tức 10 tu chính đầu tiên của Hiến Pháp Mỹ - không phải là tuyệt đối. Các quyền ghi trong Hiến Pháp chỉ bảo đảm cho dân không bị chính phủ chà đạp thôi, chứ Hiến Pháp không bảo vệ cho chúng ta khi một tư nhân khác chà đạp hoặc giới hạn các quyền của chúng ta. Nhưng khi bị bôi nhọ, chúng ta có quyền kiện người bôi nhọ ra tòa vì tội phỉ báng hay mạ lị vì gây tổn tương cho danh dự chúng ta.

Cho nên quyền tự do phát biểu của chúng ta dưới Hiến Pháp Mỹ không tuyệt đối. Tuy chính quyền không có thể kiểm soát nội dung của lời phát biểu của chúng ta tại xã hội tự do này, chính phủ vẫn có toàn quyền quy định lúc mình có thể phát biểu, nơi mình có thể phát biểu, và cách mình có thể phát biểu. Vì cho dù có quyền nói lên thông điệp của mình, quyền này không thể cao hơn quyền riêng tư của những người khác nói riêng, hay sự an ninh của xã hội nói chung.

Có lẽ ai cũng sẽ hiểu một cách dễ dàng là chính phủ có quyền giới hạn lúc chúng ta có thể phát biểu. Nếu chúng ta chống đối một chính trị gia nào đó, chúng ta có quyền biểu tình chống, nhưng chúng ta không có thể đi vào hội trường khi người ta đang đọc diễn văn và la ó. Và chắc ai đã từng tham gia biểu tình cũng sẽ hiểu là nơi mà chúng ta có thể phổ biến quan điểm của mình cũng bị giới hạn. Cụ thể nhất là trước khi tổ chức biểu tình, thường là sẽ phải xin giấy phép của thành phố hay quận. Và nếu đứng ngoài đường biểu tình thì chúng ta không thể cầm bảng đứng yên một nơi, nhưng phải đi tới đi lui để không chận nghẹt đường giao thông của thành phố. Cuối cùng, cách chúng ta phổ biến quan điểm cũng có thể bị giới hạn. Nói chung, cách phát biểu của mình sẽ bị giới hạn nếu nó bắt đầu đụng chạm vào các quyền của người khác. Do đó, chúng ta hiếm khi có quyền đốt lửa để “thắp sáng niềm tin” tại một nơi đông đúc.

Điều cần biết là khi ấn định lúc, nơi, và cách phát biểu của một cá nhân, nhóm, hay hội đoàn, chính phủ không thể phân biệt trong cách đối xử, nhưng phải dựa vào các yếu tố đã quyết định trước. Chính phủ không có thể đối xử phân biệt giữa từng cá nhân hoặc nhóm vì nội dung quan điểm, nhưng phải áp dụng các yếu tố quyết định một cách công bình.

Đó là từ phía của chính quyền. Nhưng từ phía của người dân bình thường thì không có ai cần phải tôn trọng quyền tự do phát biểu của chúng ta. Hay nói cách khác là quyền tự do phát biểu không đồng nghĩa với quyền được người khác lắng nghe và công nhận. Tại sở làm, chủ nhân có thể cấm mọi nhân viên không được bàn thảo về một số đề tài. Nếu có một ai đi vào bên trong một nhà hàng và la lớn cho mọi người nghe là bên kia đường có tiệm bán ngon hơn và rẻ hơn, thì người chủ tiệm có toàn quyền đuổi người này ra. Và nếu ta quen thói nói tục thì ở ngoài đường chẳng ai cần phải nghe mình cả.

Trở lại vấn đề của tỷ phú Donald Sterling thì ông ta có quyền giữ lập trường kỳ thị của mình nhưng mọi người xung quanh không cần phải tiếp tục liên hệ với ông sau khi biết ông có quan điểm ấy. Có thể nói là ông Sterling là một nạn nhân của sự ghi âm lén, nhưng đó là một vấn đề ông ta sẽ phải giải quyết riêng với cô bồ nhí V. Stiviano, chứ ông Sterling không thể trách mọi người vì họ tỏ thái độ và muốn tránh xa ông sau khi biết ông kỳ thị người da mầu.

Tổ chức NBA là một nhóm tư nhân và tất cả mọi nhóm tư nhân từ các câu lạc bộ, hội ái hữu, hay hội đoàn đều có quyền loại thành viên ra khỏi nhóm. Cách sinh hoạt của NBA là cho các đội bóng rổ đấu với nhau, và nếu các chủ đội khác không muốn đấu với đội Clippers của ông Sterling thì ông Sterling phải đành chịu. Vì thế, NBA có quyền đưa ra hình phạt không cho ông Sterling liên hệ với họ cho đến chết. Hơn nữa, trong nội bộ của NBA có một hiến pháp riêng, và điều lệ của nội quy đó cho NBA quyền phạt các chủ đội tối đa là $2.5 triệu Mỹ Kim, cho nên việc phạt ông Sterling số tiền này cũng là việc chính đáng. Nội quy này cũng cho phép NBA ép buộc một chủ đội phải bán đội của mình, nếu có ba phần tư của số chủ đội trong NBA cảm thấy là người chủ bị cáo buộc đã hành xử một cách gây hại cho NBA. Ông Sterling có sẽ phải bán đội LA Clippers hay không thì chưa biết, nhưng NBA đã cho biết là sẽ tổ chức một phiên họp vào ngày 3 tháng 6 sắp tới để ông Sterling trình bầy quan điểm của mình trước khi các chủ đội khác bỏ phiếu để đối phó với ông.

Tương lai của ông Sterling sẽ ra sao thì không rõ, nhưng có thể nói chắc là các quyền tự do phát biểu của ông ta đã không bị vi phạm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT