Vấn Đề Hôm Nay

Trách nhiệm của trí tuệ nhân tạo

Friday, 10/02/2023 - 09:05:32

Sau cùng, trách nhiệm của AI là gì, có phải như trẻ em dưới 18 miễn bị truy tố nhiều tội phạm trước tuổi trưởng thành, hay nhà sản xuất được quyền phủi tay đổ trách nhiệm cho người sử dụng?


(Getty Images)

  

Bài NGUYỄN VỸ

 

Kiến thức dễ truyền đến nhiều người khác; kinh nghiệm phải qua trải nghiệm mới được não bộ tiếp nhận đầy đủ; thông thái thì chỉ có thể tự nghiệm mới cô đọng được triết lý và khai rộng thành kiến thức truyền bá lại cho nhiều người. Tuy có nhiều người thông thái có triết lý sống hay, nhưng phần lớn kiến thức bị thất truyền, bị vùi lấp dưới bụi thời gian. Những gì còn giữ lại thành văn hóa của xã hội, nền văn minh của thời đại là phần nhỏ còn sót lại, được các thế hệ sau gạn lọc, gìn giữ, và phát triển từ di sản tri thức của các thế hệ trước. Nguyên tắc của kỹ thuật AI hiện đại cũng gần giống vậy, chỉ khác là nó làm tăng tốc quá trình chấp nhận, sàng lọc, và đào thải thông tin, kiến thức bằng tốc độ xử lý cả tỷ phép tính/giây và bộ nhớ khổng lồ của máy vi tính.

 

Bộ nhớ và khả năng xử lý, tổ chức dữ liệu và thuật toán logic (data structure/algorithm) là hai yếu tố căn bản làm nên tri thức của trí tuệ nhân tạo hay tự nhiên. Ai có trí nhớ tốt thường tinh thông hơn người thường; kết hợp với học hỏi kỹ năng logic, biết phân tích dữ liệu luôn làm việc hiệu quả hơn đồng nghiệp. Người thông minh, xuất chúng phải có được cả hai. Nói vậy thì AI hơn hẳn con người ở dung lượng bộ nhớ và cả tốc độ xử lý, thì điều gì để nó không thay thế trí tuệ con người trong tương lai, như máy móc đã hoàn toàn thế chỗ sức lực cơ bắp cả mấy trăm năm qua?

 

Nếu để ý kỹ, phần lớn tín hiệu từ bộ não con người trong cuộc sống hàng ngày là phản xạ ngay trong tiềm thức, từ cách ăn nói, xử thế, đến cảm xúc, hành động ngoài đời đều tức thời, không kịp đưa lên nhận thức để suy tư, cân nhắc thiệt hơn. Quá trình học hỏi từ nhỏ đến lớn là chọn lọc ký ức, trải nghiệm từ môi trường bên ngoài dần tạo thành phản xạ trong tiềm thức. Người chưa biết bơi phải luyện cách để bộ não điều khiển cơ bắp một cách tự nhiên, không cần phải suy nghĩ lúc nào đẩy tay, khi nào đạp chân. Thợ khéo tay hay võ sĩ tài cũng vậy, điều phối thoăn thoắt chân tay, tấn thủ cho đồng bộ trong thao tác làm việc, cũng như khi ra đòn công kích, muốn thành điêu luyện phải xảy ra trong tiềm thức. Tất cả những phản xạ này là phần tinh lọc được giữ dưới dạng nào đó trong trí nhớ của mỗi người.

 

Người siêng năng luyện tập thì não bộ lấy được trí nhớ nhanh hơn, hiệu quả hơn người thường. Người có tài, có bản lĩnh, thì có khả năng mang quyết định lên nhận thức của bộ não để xử lý kịp thời trong thời khắc tíc-tắc làm nên quyết định sinh tử. Có thể nói, phần lớn ý thức của con người đến từ trí nhớ, thông qua trải nghiệm, được phản hồi, dạy dỗ, tạo thành nhiều con đường mòn trong não. Ý thức tạo nên con người là vậy, lối mòn luôn dẫn về cùng một chỗ. Về khoản này, kỹ thuật liên kết, đánh giá, chọn lọc dữ liệu làm nên AI không khác mấy so với quá trình làm nên ý thức con người.

 

Đầu thế kỷ 20, dầu thô được mệnh danh là vàng đen, thực tế nó quan trọng hơn vàng. Không có dầu thô thì không có thế giới hiện đại. Đến đầu thế kỷ 21, dữ liệu được mệnh danh là mỏ vàng, thực chất, nó quý hơn vàng. Không có dữ liệu, không thể có cách mạng AI. Giai đoạn hiện tại của AI cũng giống như giai đoạn tạo lối mòn phản xạ trong tiềm thức. Vòng lặp thu thập dữ liệu càng nhiều và nhận phản hồi càng nhanh, càng thực, càng phổ cập, để xếp hạng, gạn lọc thành thông tin, hệ thống AI càng giống trí tuệ tự nhiên.

 

Căn bản hiện tại của AI là thanh lọc biển dữ liệu ròng từ Internet, từ công chúng thành dữ liệu được phân loại, có cấu trúc, được liên kết thành mạng lưới mô phỏng cách kết nối của hàng tỷ tế bào thần kinh trong não. Giống như con-người dùng trải nghiệm trong quá khứ hình thành kinh nghiệm cho tương lai, người phát triển AI dạy cho nó mô hình hàm số toán học được tạo bằng dữ liệu của quá khứ và hiện tại.

 

Kinh nghiệm cho AI có thể hiểu đơn giản là lắp dữ liệu của tương lai vào hàm số để thẩm định kết quả; với chục ngàn hàm số, mô phỏng cả vạn tình huống trong tương lai để chọn giải pháp tối ưu nhất. Tất cả được xử lý song song nhờ cả trăm tỷ transistor được gói gọn trong con chip nhỏ hơn con tem. Cái thời bộ nhớ còn ít ỏi, chi phí trữ dữ liệu còn cao, muốn phân tích hình ảnh để nhận ra là con mèo, thì các bài toán tích phân mô phỏng hình đa giác rất phức tạp. Ngày nay, người ta nạp cho nó hàng triệu hình con mèo để tính ra một hàm số nào đó cho kết quả gần như nhau. Đến một lúc nào đó, nó có thể nhận diện với độ chính xác cao đâu là hình con mèo. Nó có thể dạy lẫn nhau, trao đổi "kinh nghiệm" học hỏi khi nó đạt điểm cao, xác định chính xác hình con mèo.

 

Có thể nói, đây là giai đoạn học từ môi trường bên ngoài của AI. Nó tinh lọc những gì con người dạy nó là giải pháp tối ưu, gạn lọc cho con người thông tin từ biển dữ liệu. Do đó, cường quốc AI là quốc gia thu thập nhiều dữ liệu và không bị hạn chế khi thẩm định dữ liệu như quyền riêng tư, quyền từ chối bị theo dõi. Vì lẽ ấy, Trung Quốc là cường quốc số 1 về AI, Hoa Kỳ bị tụt hạng khá xa trong cuộc chạy đua AI.

 

Lâu nay, cả tỷ người trên địa cầu trải qua hàng ngàn năm không cần học hỏi lý luận cao siêu mà vẫn có đúc kết được kiến thức, tinh lọc được kinh nghiệm sống. Mô phỏng quá trình ấy, AI hoàn toàn có thể thay thế được ý thức của con người. Cái mà nó không làm được là phát triển tư duy độc lập, tìm ra được kiến thức mới. Duy ý chí của con người vẫn chưa làm được điều này, bao chính thể độc tài rất muốn đạt trình độ kỹ thuật đẹp như chiếc bánh vẽ, nhưng mãi là bánh vẽ. Tư duy của con người là một thứ rất đặc biệt, không có tự do thì không thể phát triển được tư duy. Đây là đề tài lớn, thích hợp hơn cho một bài khác.

 

Vấn đề được tranh cãi lớn nhất của AI là khi con người ngày một lệ thuộc vào nó, sẽ đến lúc nó phải quyết định nhiều sự việc liên quan đến phạm trù của đạo đức và luân lý. Nếu con người dạy nó bằng mô hình lựa chọn giải pháp mang lại lợi nhuận cao nhất, liệu rằng chữ danh dự có trọng lượng nào trong hàng ngàn tình huống được nó thẩm định? Sau cùng, trách nhiệm của nó là gì, có phải như trẻ em dưới 18 miễn bị truy tố nhiều tội phạm trước tuổi trưởng thành, hay nhà sản xuất được quyền phủi tay đổ trách nhiệm cho người sử dụng?

 

Xét cho công bằng thì AI từ tư tưởng Nho giáo thời phong kiến và chủ nghĩa Cộng sản thời nay cũng đối mặt với các vấn đề y như trên để ràng buộc quyền lực giới cầm quyền. Không rõ trách nhiệm của AI sẽ được giải quyết ra sao, nhưng AI của Nho giáo và Cộng sản thì vua và thượng tầng lãnh đạo có đặc quyền phủi bỏ trách nhiệm cho cấp dưới - nhà vua lúc nào cũng đúng; lãnh đạo luôn là thần thánh; chính sách chẳng bao giờ sai. Nếu bạn nghĩ nhà sản xuất AI sẽ phải lãnh trách nhiệm cho sản phẩm của mình thì xác xuất cao bạn sẽ bị thất vọng. Ban đầu AI là một tờ giấy trắng, nó học được những gì nó được dạy, tiếp thu điều hay dở từ môi trường nó quản lý. Hiện nay, không một công ty nào có trách nhiệm pháp lý về nội dung người dùng viết trên mạng xã hội, họ hứa kiểm duyệt nội dung theo luật pháp - tự do ngôn luận theo tu chính án I ở Hoa Kỳ, hay còn được tự do tại ngoại sau khi nói ở Trung Quốc, Việt Nam.

 

Ví dụ điển hình về quyết định liên quan đến đạo đức của AI là xe tự lái sẽ xử lý thế nào nếu nó phải cán vào 5 thanh niên đi bộ băng ẩu qua đường, hay leo lề né tránh, gây tử thương cho một đứa trẻ. Sinh mạng của 5 thanh niên phạm luật và 1 đứa trẻ vô tội sẽ được nó cân nhắc như thế nào trước khi ra quyết định cuối cùng? Về luân lý thì muôn hình vạn trạng khi nó phải cung cấp thông tin, kiến thức, vẽ đường cho quân sát thủ, kẻ tội phạm, người cuồng tín, hay trẻ vị thành niên. Tìm hiểu về Hồi giáo, nghiên cứu về chất nổ, liệu đó có phải là âm mưu khủng bố trong trứng nước? Khi biết rõ ngọn ngành về người dùng, chữ "danh dự" đối với nó là gì để không tiết lộ bí mật riêng tư của họ trước mọi nỗ lực moi móc thông tin từ nó?

 

Tui nghĩ toàn bộ các cuộc tranh luận tìm lấy sự đồng thuận về khuôn khổ chỉ dẫn vai trò của AI để quản trị con người là rập lại y khuôn lại vết xe đổ của lịch sử. Tư tưởng AI Nho giáo và cộng sản đã phát triển mẫu mực đạo đức, liêm sỉ cho người quân tử; lối sống thanh liêm, nho nhã của người cầm quyền; tinh thần chí công, vô tư từ người cộng sản... và vẽ lên mô hình xã hội đức trị đầy tính nhân văn, trật tự, bình an như thời Nghiêu Thuấn; thế giới đại đồng thừa thải vật chất, công bằng, văn minh không người bóc lột người. Lý thuyết ban đầu không có chỗ để chê, thực tế về sau thì nảy sinh vô số điều nghịch lý.

 

Bạn sẽ không đồng ý với nhận định này, vì máy móc khác hẳn với con người. Điều này không đúng, nếu là máy móc thì nó không còn là AI. Xét cho công bằng, xưa nay có rất nhiều người giữ gìn nếp sống đạo đức, tu luyện bản thân, đặt trọng danh dự, nhưng không vì thế mà đa số họ lại loại được vài con sâu đầu độc cả nồi canh. Quyền lực không có thế lực đủ mạnh để chế tài, trước sau cũng sẽ bị tha hóa.

 

AI không đưa ra kết quả đúng sai tuyệt đối theo logic như của máy móc, người ta dạy nó chọn quyết định tốt nhất giữa hàng vạn tình huống giả định. Không những vậy, nó còn có khả năng tiến hóa, cái gì tốt nhất hôm nay có thể là tồi nhất ở mai sau. Ban đầu Google thề nói không với cái ác (don't be evil), Facebook là môi trường tương tác thân hữu của bè bạn. Ngày nay có còn ai có lòng tin về tính chân-thiện-mỹ, lời thề thánh thiện còn hiện hữu trong cái quyền lực biết rõ chân tướng của từng người dùng hơn chính bản thân họ, được tiến bộ kỹ thuật bảo đảm độc quyền cho vài tập đoàn lớn như Google và Facebook? AI của kỹ thuật chỉ là một dạng biến thể từ AI của Nho giáo và Cộng sản - không hề kém như tranh vẽ, nhưng hơn trội trong quyền lực tăng theo cấp số nhân. Đằng sau Google và Facebook là vô số người đam mê quyền lực; đằng sau AI nếu là AI và AI... thì những người sau rốt chắc chắn còn say mê quyền lực hơn là ngáo đá.

 

Nếu AI hứa hẹn một viễn ảnh xã hội kỷ trị, công bằng thượng tôn luật pháp vì con người mất lòng tin vào con người, đặt lòng tin vào kỹ thuật, chấp nhận sống dưới sự quản lý của nó; thì đó là sự đánh đổi quyền tự do để mua lấy an ninh, từ bỏ tư duy để tuân theo ý thức đã được vạch sẵn. Không ai biết được cuộc sống dưới quyền quản lý của AI như thế nào, nhưng qua bài học lịch sử, ta có thể hình dung được di sản của nó như thế nào.

 

Di sản tri thức của giới hàn lâm, tinh hoa của Việt Nam cả ngàn năm rất ít ỏi. Ngoài tác phẩm của vài nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, và nổi tiếng như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương... được giảng dạy chính thức, đa phần gia tài của trí thức Việt chỉ được ghi chép như dã sử, rất ít được lưu truyền thành thực tiễn trong dân gian. Dù thời nào cũng là chính thống, nhưng kiến thức của giới hàn lâm, tinh hoa của Việt Nam dễ bị mai một, chìm sâu vào quên lãng sau mỗi triều đại. Nội tui tuy buôn bán, không được đi học, vậy mà bà nhớ rất nhiều câu ca dao, tục ngữ dân gian.

 

Không chỉ có người già, hồi đi học tui biết má của một đứa bạn ở quê thuộc lòng cả một kho thơ ca như vậy, rành từng câu Kiều, nhớ từng đoạn Lục Vân Tiên. Đó là lý do mà vì sao di sản văn hóa của Việt Nam phần lớn là từ kiến thức bình dân được truyền miệng từ đời nay sang đời khác; vô số kinh nghiệm sống, cách xử thế trong dân gian được gởi gắm qua các bài thơ, ca dao, tục ngữ, thành ngữ; phong tục, tập quán, kiêng kỵ là cách để dân địa phương thích ứng với môi trường sống. Bởi vậy, cho dù sau này kiến thức từ AI có trở thành chính thống, nó sẽ vẫn không khác gì mấy với so với di sản của giới tinh hoa Việt, nếu nó không mang đến lợi ích gì cho giới bình dân.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT