Vấn Đề Hôm Nay

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI)

Saturday, 04/02/2023 - 01:27:49

Nhưng những gì AI đang và sẽ làm được vẫn còn lỗi-thời so với sản phẩm của một thứ tư tưởng còn đang thống trị cả tỷ người trên thế giới hơn suốt 100 năm qua.


Tương lai không xa, bài xã luận do AI viết còn hay hơn tất cả bộ não trong ủy ban lý luận cao cấp của nhiều nước có cái đuôi XHCN. (Getty Images)

  

Bài NGUYỄN VỸ

 

Thành tựu nổi bật nhất về AI gần đây là ChatGPT của OpenAI. ChatGPT có thể viết bài xã luận phân tích các vấn đề thời sự rất nhà nghề, viết bài luận văn xin vô trường đại học cho sinh viên rất mạch lạc, trả lời rất xuất sắc mọi câu hỏi thử nghiệm trình độ kỹ sư nhu liệu xin việc làm ở Google. Thậm chí nếu bạn hỏi ChatGPT viết code, nó đưa ra phiên bản code tối ưu và còn biết phân tích ưu khuyết điểm của giải pháp. Người ta lo ngại một ngày nào đó AI sẽ thống trị thế giới thay con người. Trí tuệ nhân tạo không bị ràng buộc từ các giá trị của đạo đức, không biết giới hạn từ các thước đo của luân lý, không thiết đến những gì gọi là danh dự, và đặc biệt là không cần lãnh trách nhiệm từ bất kỳ quyết định nào - đó có thể là tương lai đáng lo sợ cho thời đại AI sắp đến?

 

Tui cũng có hiểu biết đôi chút về công nghệ thông tin IT và kỹ thuật AI - nhưng những gì AI đang và sẽ làm được vẫn còn lỗi-thời so với sản phẩm của một thứ tư tưởng còn đang thống trị cả tỷ người trên thế giới hơn suốt 100 năm qua. Sức tàn phá của nó còn hơn mọi cuộc chiến trong lịch sử, đã cướp đi mạng sống của hàng trăm triệu người, biến cả xã hội thành trại súc vật, để một số người nắm sinh mạng của cả quốc gia được tự do sử dụng thứ tư tưởng ấy mà không cần biết đến đạo đức, luân lý, danh dự, và trách nhiệm.

 

Tất cả mọi thứ mà thời đại AI hứa hẹn không tài nào bì được với viễn ảnh “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” của thứ tư tưởng ấy. Chắc chắn rằng mọi thứ từ vật chất do con người làm ra, không thể tàn phá được xã hội bằng những gì từ ý thức của con người sinh ra. Nhớ bài học chính trị từ cái tư tưởng ấy là vật chất hay ý thức như con gà và quả trứng, cái nào quyết định cái nào. Giờ này tui nghĩ, trí óc có tư duy mới làm ra được vật chất, mà tư duy thì phải được tự do mới giải thoát được nó. Còn ý thức mà rập khuôn thì giống như được lập trình thành autopilot. Đúng là thế giới mỗi người là do ý thức của họ tạo thành. Người cam phận thấp hèn, không cần biết vươn lên; ai thủ phận tìm chữ an, khó giữ được chữ bình; còn kẻ hành xử theo ý thức rập khuôn, khó hiểu được thế nào là bị mất quyền tự do.

 

Nếu bạn đọc bài xã luận, luận văn, cách đối đáp thông minh, hay đoạn code tuyệt hảo do ChatGPT viết, bạn sẽ lo ngại về khả năng của nó thay thế dần trí tuệ con người. Thực ra, mối lo ngại của bạn hoàn toàn không gì mới. Cách đây vài trăm năm, giới thợ thủ công phải nổi loạn đập phá máy móc mới phát minh do đã làm ra sản phẩm vừa tinh xảo, vừa nhanh, vừa rẻ tiền hơn những gì họ đang làm, có khi phải mất gần nửa đời người rèn luyện kỹ năng mới làm được. Sản phẩm do máy móc làm ra là rập khuôn, trăm cái cũng như một, nhưng không vì vậy mà mọi ngành nghề thủ công bị đào thải, hoặc máy móc có khả năng tự nó quản lý, tự nó điều khiển.

 

Ngày nay, các tác phẩm của AI cũng không khác gì mấy. Khi bạn bỏ chút ý thời gian quan sát, bạn sẽ thấy các bài văn, đối đáp, hay đoạn code đều có tính rập khuôn. Nếu bạn tiếp xúc với nó nhiều ngày, bạn sẽ dần cảm nhận nội dung sáo rỗng được trang trí bằng ngôn từ hoa mỹ, đến một lúc nào đó bạn cảm thấy nó chỉ là nồi canh soup của những từ “dao to búa lớn”, thu nhập từ trending theo xu hướng nào đó. Những gì AI đưa ra là kết quả của một quá trình sàng lọc, được máy tính lựa chọn từ giải pháp mà nó được dạy là tối ưu nhất. Trong một chừng mực nào đó, quá trình máy tính học hỏi, không khác gì cách bộ não con người thu thập kiến thức. Tui nghĩ chìa khóa của sự khác biệt nằm ở đâu làm nên ý thức và cái gì tạo ra tư duy của con người.

 

Người ta chia cấp bậc của tri thức thành nhiều tầng như kim tự tháp. Hạ tầng thấp nhất là dữ liệu (data); mà data tương tự đống sách vở, được tổ chức, phân mục, sắp xếp ngay ngắn như trong thư viện gọi là có cấu trúc (structure), bằng không là dữ liệu ròng cần được phân loại.

 

Tầng kế là thông tin (information). Thông tin được sàng lọc từ dữ liệu; mà độ tin cậy tùy thuộc vào nguồn gốc, cách thu thập, lưu trữ, và kiểm chứng dữ liệu.

 

Tầng kế là kiến thức (knowledge). Có đầy đủ thông tin mới kết tinh thành kiến thức; mà kiến thức thực tiễn hay từ chương tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó ý thức con người là chìa khóa quyết định.

 

Tầng kế là kinh nghiệm (experience). Từ kiến thức áp dụng vào thực tiễn mới có được kinh nghiệm; mà kết đúc kinh nghiệm vươn đến thượng tầng, hay lẩn quẩn trong mớ lý thuyết của từ chương thuộc phạm trù của lịch sử, tố chất của một dân tộc, đặc điểm của một quốc gia.

 

Thượng tầng cao nhất là thông thái (wisdom). Sự thông thái chân chính chỉ có thể phát sinh từ cuộc phiêu lưu mạo hiểm, tìm kiếm sự thật, giải mã bí ẩn của thiên nhiên, của thế giới, của vũ trụ, từ những gì hữu hình quan sát đo lường, đong đếm được đến mọi thứ vô hình không thể lý giải được bằng kinh nghiệm, kiến thức của hiện tại. Triết lý là kết quả cô đọng được từ sự thông thái, mà triết lý không phải là chân lý tuyệt hảo để tôn thờ. Khi sự thật chỉ ra được lỗ hổng trong triết lý, thì chỗ đứng thích hợp của di sản từ công trình triết học ấy là trong sách sử và ở viện bảo tàng.

 

Kỹ thuật AI phát triển vượt bậc như hiện tại là nhờ ở kho dữ liệu khổng lồ thu thập được trong thời đại Internet. Cách đây chỉ có 30 năm, khởi đầu thời đại Internet một ổ cứng người thường mua được chỉ chứa được tầm 100MB dữ liệu. Ngày nay, cùng giá tiền, nó có thể chứa 100TB, tăng gấp 1 triệu lần. Những gì AI đang làm được là kết nối, liên kết dữ liệu để gạn lọc thông tin đáng tin cậy cho người sử dụng. Tất cả mọi thứ nó đưa ra chưa thể được gọi là kiến thức, mà nếu nó kết tinh được thành kiến thức, đó chỉ là kiến thức từ chương, không khác gì kiến thức của giới nho sĩ thời phong kiến, hoặc từ quan chức theo tư tưởng AI không đạo đức, luân lý, danh dự, và trách nhiệm. Giả sử sau này dù có nơi trọng kiến thức từ AI, bài học lịch sử từ phong kiến Trung Quốc và cái đuôi xã hội chủ nghĩa (XHCN) ngày nay đã cho thấy, xã hội vẫn phát triển, con người vẫn tồn tại, cuộc sống vẫn tiếp diễn. AI không thống trị con người, chỉ có giai cấp muốn thống trị loài người mới tôn thờ AI, dùng nó làm công cụ đạt mục đích ấy.

 

Nếu bạn học công nghệ thông tin IT, căn bản của IT là dùng dữ liệu và logic để thay đổi đủ thứ trạng thái của dữ liệu thành thông tin đáng tin cậy, từ đó đưa ra quyết định đã được trù tính từ trước. Tổ chức, liên kết dữ liệu cần đến cấu trúc (data structure); tính nhất quán, xác thực của logic cần thuật toán (algorithm) chạy trong khuôn khổ của Turing Complete. Cấu trúc dữ liệu và thuật toán gần giống như chiến thuật và chiến lược trong đời thường; đa số người chỉ giỏi một lĩnh vực, rất hiếm khi giỏi cả hai. Lúc chi phí tồn trữ, bộ nhớ chứa dữ liệu còn bị giới hạn, còn đắt đỏ, người ta phải vắt óc phát triển thuật toán để xử lý dữ liệu. Thuật toán dựa vào quy luật, phép tắc, quy ước đã được trù tính từ trước để chuyển dữ liệu thành thông tin.

 

Phát triển AI bằng thuật toán là con đường rất nan giải, phức tạp để có được giải pháp linh hoạt, thích ứng, và không máy móc. Bộ não con người không cần dạy các thuật toán, quy nạp, lý luận, biện chứng, phản biện... mà vẫn giải quyết được dễ dàng nhiều vấn đề mà siêu máy tính lâu nay vẫn không thể làm được. Kỹ thuật AI hiện đại khác với các giải pháp AI từ trước do chi phí lưu trữ và làm bộ nhớ cho dữ liệu ngày một rẻ và dung lượng gia tăng theo phép lũy thừa. Người ta có thể thanh lọc dữ liệu thành thông tin bằng các mối liên kết, cấu trúc, và logic đơn giản, có khi tối giản của thuật toán. Gần giống khi đã có được chiến lược đúng, tìm được chiến thuật thích hợp để đạt được mục đích chỉ còn là vấn đề thời gian. Kỹ thuật AI hiện đại là quá trình thanh lọc đủ hình thức liên kết của dữ liệu để có được thông tin được đánh giá là tốt nhất, thích hợp nhất, mà không cần đến đặc tính đúng/sai tuyệt đối theo như phép logic cũ.

 

Trước khi đào sâu vào cách kỹ thuật AI mô phỏng bộ não con người, cuộc chiến AI sắp tới giữa các cây đại thụ trong kỹ nghệ IT là sự sinh tử, sống còn. Không ai có thể đánh đổ được Google bằng công cụ tìm kiếm tốt hơn, Google chỉ bị khai tử khi công cụ tìm kiếm trở nên lỗi thời. Một hệ thống AI hiểu được ngôn ngữ tự nhiên và mang thông tin đáng tin cậy đến cho người dùng là mối đe dọa cho nồi cơm của Google. Tương lai không xa, bài xã luận do AI viết còn hay hơn tất cả bộ não trong ủy ban lý luận cao cấp của nhiều nước có cái đuôi XHCN. Thậm chí nó còn kiên định trên con đường đi lên CNXH hơn cả loài người. Thực ra đi đầu trong lĩnh vực AI không phải là Hoa Kỳ mà là Trung Quốc. Đó là lý do mà Tổng Thống Joe Biden đã ký lệnh cấm vận thiết bị điện tử cao cấp xuất cảng qua Trung Quốc. Cuộc chiến AI không còn đơn thuần là sự cạnh tranh thuần túy trong kỹ nghệ IT. Đó là cuộc chiến giữ lấy quyền tự do ngày càng bị bào mòn của mỗi người. Một trong những tổ phụ của Hoa Kỳ, ông Benjamin Franklin mà hình được in trên tờ $100 USD, đã có nhận xét rất xác đáng: “Những ai muốn đánh đổi tự do lấy an ninh xứng đáng bị mất cả hai.”



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT