Chuyện Nước Pháp

Trưng bày lịch sử 20-50 và thế chiến thứ Hai 39-45 (kỳ 1)

Monday, 02/04/2018 - 10:19:22

Một quyển vở vàng được đặt sẵn để người xem có thể ghi nhận vào đó cảm tưởng riêng tư của mình với cây bút. Nhóm công dân này cũng đã cung hiến nhiều tài liệu lịch sử cho Viện Bảo Tàng chuyên đề trong vùng.

Bài NGỌC DIỄM

Đây là công trình của một nhóm công dân Pháp, mục đích là sẵn sàng thu mua thêm và trao đổi với các đồng hương về các món đồ trưng bày. Họ sở hữu tất cả các thứ nằm trong tủ kính hay bên ngoài nơi công chúng vào xem ở thương xá đại siêu thị Cora. Một quyển vở vàng được đặt sẵn để người xem có thể ghi nhận vào đó cảm tưởng riêng tư của mình với cây bút. Nhóm công dân này cũng đã cung hiến nhiều tài liệu lịch sử cho Viện Bảo Tàng chuyên đề trong vùng.

Hãng đĩa nhạc Columbia vào thời đó đã ra đời từ năm 1888, bốn năm sau khi hòa ước Giáp Thân Patenôtre được ký kết giữa Việt Nam bị quân Pháp chiếm đóng. Gốc gác Hoa Kỳ với trụ sở đặt tại New York, hãng đĩa từng đảm trách tiếng ca của bà Edith Piaf sinh năm 1915 tại Paris. Vào thời thế chiến thứ Hai bắt đầu bùng nổ, bà mới vừa 24 tuổi. Song thân của chúng tôi cũng như của nhiều đồng hương cùng thời thế lúc ấy còn trẻ hơn nữa, đang vào tuổi thanh thiếu niên chưa hề phải nhập ngũ cầm súng chống quân Pháp chiếm đóng quê hương. Nếu thuyết quả báo của Phật Giáo có thật, thì người Pháp lúc thế chiến thứ Hai từng bị quân Đức qua chiếm xứ họ sau khi họ đã chiếm Việt Nam làm thuộc địa với Luật Rừng lúc ấy. Chúng ta sẽ thấy điều này trong đoạn sau.

Trở lại, với Columbia, hiện nay hãng đĩa vẫn còn tồn tại và tiếp tục với thương hiệu Sony Music Entertainment từ năm 1988. Một trong những điểm son của Columbia, là sự kiện áp dụng Nghệ Thuật in ấn các tác phẩm vẽ vời hay chụp ảnh vào cách trình bày bìa đựng chiếc đĩa hát. Trước đó, bìa để trống trông rất tầm thường không bắt mắt.
 
 

Người mẫu bằng chất dẻo đóng vai nhân vật tượng trưng thời 1939 – 1945. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Về cách ăn mặc, nón nỉ treo trên giá và nón kiểu của cô gái đẹp trang phục áo đầm dài phủ đầu gối cũng như áo sơ mi cổ trắng phủ chiếc vét phía ngoài cho thấy văn hóa Pháp đã tiến bước rất xa. Cậu thanh niên mang kính cận và tóc tém gọn trước trán. Đây là bước đầu giới thiệu dân chúng xi-vin (dân sự) của thời đó. Hai người trai trẻ và một cô gái mặc áo đầm dài màu xanh lơ đội nón ngắn cùng màu trong ảnh tiếp theo.

 

Ảnh chụp phía trước mặt (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
 

Người mẫu với phục sức năm 1920-1950, cùng với xe mô tô và xe đạp. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Cô gái trẻ mặc áo có thắt lưng, búi tóc gọn sau gáy và đội mũ ngắn vành cùng tông với áo. Cô cầm chiếc xách tay màu kaki, chàng trai đứng mặc áo blouson vàng nâu nhạt quần dài đậm đen đi xe đạp kiểu 1940 và người ngồi là nhân viên cứu thương của chính phủ với chiếc nón đặc biệt. Mô tô và xe đạp thời đó trông còn thô sơ tuy rất thông dụng và đã thuộc loại đắt tiền. Cả hai đều có đèn trước, có chuông, kiếng chiếu hậu, thắng, vè che chở bánh xe. Xe mô tô đã có biển số BA 567 MA. Tờ giấy ghi bên cạnh cho biết vài chi tiết về chiếc xe lúc đó chắc là le lói lắm khi ai đó cỡi nó: 175 cm3, số phân khối là đơn vị dành cho mô tô và là lít dành cho xe hơi - thuộc loại khá mạnh vì hạng chót là 50 và mạnh nhất là 1200. Đây là con số liên quan đến sức đẩy của piston trong ống cylindre tiêu thụ chất lỏng là xăng (hay dầu thô diesel tùy theo týp xe) cấu tạo làm đầu máy. Càng nhiều ống xi-lanh thì xe càng mạnh (từ 2,3 đến 4) vì công thức tính phân khối là NxCxS, số ống và diện tích của piston. Piston chạy bốn thì tới-lui khi nó bơm xăng trong ống (bloc moteur à 4 temps). Xe này chạy vào năm 1932, ba vận tốc, mã lực tương đương ba ngựa quay 3800 vòng một phút, chưa lỗi thời với bốn xi lanh. Nó chạy nhanh nhất chỉ tới 80 cây số giờ, thời đó quả là rất nhanh rồi!  

Vào năm 1950, từ chiếc mô tô có đầu máy đơn sơ nhất gồm một ống xi lanh chạy hai thì sức mạnh chỉ có 98 phân khối, các nhà sản xuất đã tìm cách càng ngày càng tăng thêm mã lực và kiểu cọ càng thêm tinh vi đẹp đẽ. Hiện nay, mô tô có chiếc lên đến 3600 phân khối. Nhớ lại thuở Sài Gòn xa xưa, các cô gái trung học Gia Long, Trưng Vương và Lê Văn Duyệt cũng như các giai nhân trường tư thục chạy xe Honda dame của Nhật chỉ có 50 phân khối trông rất thanh tân.

 

Vật dụng phụ nữ: son môi, xách tay khảm hạt cườm, hoa tai, giày cao gót. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Một đoạn xa hơn, là tủ kính trưng bày các vật dụng của phụ nữ thời ấy. Thỏi son môi đỏ rực gọi là màu đỏ của nụ hôn, Le rouge baiser, những đôi bông tai nhiều kiểu khác nhau; thịnh hành nhất là ngọc trai trắng tinh giả làm bằng chất dẻo. Phụ nữ Sài Gòn lúc đó hay mang những đôi bông tai ngọc trai giả thế này, và những em bé gái ra đời được lót tên với chữ Ngọc rất nhiều vì là theo mốt thời đại. Họ cũng đã biết thoa son môi đỏ tươi rực rỡ làm sáng láng gương mặt nữ nhân thêm xinh đẹp rõ ràng khác với lúc chưa tô son. Mẫu quốc có ký gì là tử quốc cũng có cái đó! Từ thời trang quần áo mốt miếc lượt là cho đến trang điểm phấn son loè loẹt, thuốc lá hôi rình độc hại và rượu mạnh be bét làm khùng điên.

Thỏi son Le rouge baiser ra đời năm 1927 bởi nhà hoá học Pháp Paul Baudecroux cho rằng có trang điểm với son môi vẫn cho phép thả ra nhiều nụ hôn được. Con trai của ông, Jean-Paul Baudecroux không nối nghiệp cha mà sáng tạo ra đài truyền thanh cho giới trẻ NRJ – Nouvelle Radio des Jeunes số một tại Pháp, vừa được khen tặng bởi giới truyền thông năm 2012. Đài NRJ tròn 20 tuổi, và Rouge Baiser vẫn luôn luôn là vũ khí làm đẹp cực mạnh của phụ nữ với đặc tính không bôi xóa được.

Quá khứ cho thấy, từ năm 1900 đã có son môi nhưng chỉ từ năm 1927 khi chuyên gia hóa học Paul B. sáng chế ra son không xóa được (indélébile) nhờ các bạn gái của ông thúc giục nhiều lần. Son vừa ra đời đã tạo nên sự thành công to lớn và vào năm 1949 cái logo tượng trưng cho nét đẹp thanh lịch của phụ nữ Pháp cũng vừa được thiết kế. Đó là gương mặt phụ nữ trẻ đẹp với mái tóc bồng bềnh gợn sóng đeo chiếc khăn đen bịt mắt và đôi môi đỏ chót nhờ thoa son. Nữ tài tử Hoa Kỳ Audrey Hepburn danh tiếng lúc ấy là người dùng Rouge Baiser như hiệu son môi thích nhất của mình.

Hiện giờ, son vẫn còn được bán với giá rất đắt 13 Âu kim trong tiệm Monoprix vì nó rất bền thật lâu hơn hẳn các thứ son khác rất mau nhạt phai. Đã vậy, nó còn chứa các sinh tố nuôi da môi và làm môi dầy mọng nước lên trông càng hấp dẫn hơn lên. Vậy là tôi sẽ đi tìm mua loại son môi này cho biết vì sao nó bất tử đến thế.

Trong hình, chúng ta còn thấy chiếc nón nỉ mùa đông hình tròn, một đôi giày bọc nhung màu vàng pha nâu rất nhạt đã có gót khá cao khoảng bốn phân tây, một chiếc xách tay loại nhỏ mini khảm hạt cườm đơm theo hình hoa cúc là lạ kèm theo nhiều lá thon dài. Một tấm ảnh chụp hai cô gái trẻ cao lớn mặc áo đầm dài đến đầu gối. (nd)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT