Pháp Luật

TT Obama có quyền gởi quân vào Iraq?

Friday, 19/09/2014 - 02:38:19

Cả thế giới đã chờ mong vào TT Obama để dùng những chính sách ngoại giao để mang lại sự an ninh cho thế giới thay vì chiến tranh.

LS Diệp Thế Lân

Vào đêm thứ Năm, ngày 10 tháng 9, Tổng Thống Obama đã lên TV để đọc một diễn văn khoảng 15 phút, thông báo với quốc gia kế hoạch của ông để đối đầu với tổ chức khủng bố ISIS tại Iraq. Đây là một tổ chức khủng bố xuất phát từ Al-Queda nhưng vì cảm thấy Al-Queda không đủ cuồng tính cho nên đã tách ra thành một nhóm riêng. Tuy là một tổ chức tương đối mới, ISIS đã làm cho cả vùng Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung sợ hãi vì sự phát triển nhanh chóng và hành động tàn bạo không nương tay của chúng. Gần đây ISIS đã tung lên mạng hai đoạn phim của hai người ký giả Mỹ bị chặt đầu bởi những thành viên của ISIS.
Qua diễn văn, TT Obama cho biết là sẽ gởi 475 lính binh Mỹ trở lại Iraq, nhưng ông đã nhấn mạnh là những người này chỉ giữ vai trò cố vấn và huấn luyện cho quân đội tại Iraq thôi, chứ sẽ không ra mặt trận. Tuy nhiên, Mỹ sẽ lãnh đạo chiến dịch diệt tổ chức ISIS bằng cách thả bom từ trên trời xuống. Chiến dịch này sẽ có sự tham gia của một số quốc gia bạn, như Gia Na Đại, Úc, và nhiều nước Tây Âu.
Diễn văn của TT Obama đã gây nhiều sự bàn tán, vì nghe TT Obama phát biểu xong thì nhiều người đã thắc mắc: Mỹ có chính thức khởi chiến với Iraq không? Muốn biết vì TT Obama đã cố tình không nói rõ về vấn đề này, để cho ai muốn hiểu sao hiểu. Vì nếu chính thức khởi chiến thì TT Obama sẽ tự đặt mình vào thế khó xử. Lâu nay, kể cả từ trước khi tranh cử cho ghế tổng thống, TT Obama đã giữ lập trường chống chiến tranh.
Khi còn là thượng nghị sĩ, TT Obama đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết khởi chiến với Iraq khi TT George W. Bush có ý lật đổ chế độ Saddam Hussein. Trong khi đó, bà Hillary Clinton, lúc đó cũng là thượng nghị sĩ, đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của TT Bush. Chính điều này đã giúp cho ứng cử viên Obama phân biệt mình từ bà Clinton và giúp cho Obama thắng bà Clinton khi hai người đang tranh nhau để làm ứng cử viên đại diện cho đảng Dân Chủ vào năm 2008. Hơn nữa, ngay sau khi nhậm chức tổng thống, TT Obama đã được trao giải Nobel Hòa Bình. Cả thế giới đã chờ mong vào TT Obama để dùng những chính sách ngoại giao để mang lại sự an ninh cho thế giới thay vì chiến tranh.
Cụ thể hơn, Hiến Pháp chỉ cho phép một vị tổng thống gởi quân Mỹ vào chiến trường trong ba trường hợp: 1) khi Quốc Hội thông qua nghị quyết khởi chiến; 2) khi có một luật lệ nào đó cho phép; hay 3) khi có một việc khẩn cấp tầm mức quốc gia xẩy ra sau khi Hoa Kỳ, thuộc địa Hoa Kỳ, hoặc quân đội của Hoa Kỳ đã bị tấn công.
Cho đến nay, Quốc Hội vẫn chưa thông qua một nghị quyết nào trao quyền khởi chiến cho TT Obama, cho nên nếu ông ta dẫn Mỹ vào một cuộc chiến mới mà chưa có sự hậu thuẫn của Quốc Hội thì TT Obama sẽ vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hiến Pháp cũng ghi là vị tổng thống là lãnh tụ của quốc gia và của quân đội, có quyền điều khiển quân đội để bảo vệ quốc gia. Thông thường là những vị tổng thống của Mỹ đều dựa vào điều này để cho rằng họ có quyền dùng binh và không cần chờ đợi Quốc Hội cho phép. Vì nếu công nhận rằng quyền của tổng thống bị giới hạn bởi Quốc Hội thì vị tổng thống sẽ bị bó tay nếu muốn giao một công tác nào đó cho quân đội mà bị Quốc Hội phản đối. TT Obama cũng không khác, và không muốn chính thức công nhận là quyền hành động của ông ta bị giới hạn bởi Quốc Hội.
Trong diễn văn của ông, ông đã phát biểu như sau: “Tôi có quyền đối phó với sự đe dọa của [ISIS]. Nhưng tôi tin rằng quốc gia của chúng ta mạnh nhất khi tổng thống và Quốc Hội hợp tác với nhau. Cho nên tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Quốc Hội trong nỗ lực này để cho cả thế giới thấy rằng người Mỹ đồng nhất với nhau đối đầu với nguy cơ này.” Câu nói cho thấy TT Obama vừa cho rằng ông ta có quyền dưới luật pháp để hành động một mình, nhưng ông ta cũng rất mong Quốc Hội sẽ thông qua một nghị quyết cho ông ta lập chiến, để không ai có thể trách ông ta là đã không làm đúng theo Hiến Pháp hay lạm quyền của chức tổng thống.
Nếu không có được sự ủng hộ chính thức của Quốc Hội thì TT Obama sẽ khó xử, tuy nhiên sẽ vẫn tiến tới với chiến dịch tấn công ISIS. Và nếu không có Quốc Hội ban qua nghị quyết ủng hộ thì có lẽ TT Obama sẽ vịn vào một trong hai lý luận để hành động một mình. Trước tiên là ông ta sẽ nhấn mạnh là ông ta không khởi chiến với Iraq. Những quân Mỹ gởi vào Iraq chỉ là cố vấn thôi. Cho nên dù không có Quốc Hội chính thức khởi chiến thì cũng không sao. Là lãnh tụ của quân đội Mỹ, TT Obama sẽ nói rằng ông ta có toàn quyền giao công tác này. Hơn nữa Hiến Pháp cho tổng thống quyền gởi quân đội Mỹ vào trận không cần sự đồng thuận của Quốc Hội để phản ứng với một nguy cơ nào đó. Cho đến 60 ngày sau mới cần Quốc Hội chính thức ủng hộ. Nếu không thì sẽ mang quân về.
Dựa theo điều này, TT Obama có thể chỉ đến một sự đe dọa nào mới sau mỗi 60 ngày để giành lấy cho mình thêm 60 ngày dùng quân đội, và trên nguyên tắc thì sẽ không vi phạm quyền của Quốc Hội. Tuy nhiên, làm như vậy thì sẽ rất vất vả, và lý luận như thế thì sẽ không có sức thuyết phục cho mấy.
Một lý luận khác mà TT Obama có thể dùng là nói rằng ông ta không cần Quốc Hội thông qua một nghị quyết khởi chiến với Iraq, vì vào năm 2002, Quốc Hội đã thông qua một nghị quyết cho phép như thế rồi. Cho nên TT Obama có thể bảo rằng nghị quyết ấy còn có hiệu lực và dựa vào nó để lấy quyền gởi quân vào Iraq hôm nay. Tuy nhiên, lý luận này cũng không có vững cho lắm, vì nghị quyết năm 2002 chỉ trao cho TT Bush cái quyền dùng quân đội Mỹ để bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ từ sự đe dọa của quốc gia Iraq. Hôm nay, TT Obama gởi quân vào Iraq không phải là với mục đích đối phó với sự đe dọa của chính quyền Iraq như thời ông Saddam Hussein, nhưng lại gởi quân vào Iraq để tấn công một tổ chức khủng bố mà không có tầm vóc quốc gia. Vì thế, lý luận thứ hai này cũng rất yếu.
Giải thích như thế để hiểu rằng TT Obama phải khổ sở như thế nào về mặt luật pháp khi gởi quân vào Iraq. Nhưng trong thực tế thì cái quyền hành của một vị tổng thông là luôn luôn cao nhất khi người ấy hành động trong bang giao quốc tế. Những hành động của ISIS trong những ngày tháng qua đã làm cho cả thế giới bất bình, và sẽ ít có ai phản đối kế hoạch này của TT Obama. Tuy chưa thông qua một nghị quyết ủng hộ, có lẽ Quốc Hội sẽ làm. Vì cho dù TT Obama không muốn được xem là một người tự tùy ý hành động, làm sai luật pháp, không ai trong Quốc Hội muốn bị xem là một người nhu nhược trước sự đe dọa của tổ chức khủng bố ISIS, nhất là trước mùa bầu cử. Đó là trò chính trị.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT