Tiêu Thụ

Tự bảo vệ trước những nguy hại do RF của điện thoại cầm tay

Friday, 02/03/2018 - 03:51:09

Nhưng điều đáng báo động là RF làm hại trẻ em nhiều hơn, là vì hộp sọ của các cháu còn mỏng, và mô óc đang phát triển còn mềm, dễ hấp thụ ảnh hưởng phóng xạ hơn so với người lớn.

Bài ERIC TRẦN

Điện thoại cầm tay (cell phones) là một sản phẩm phổ thông nhất hiện nay. Riêng tại Mỹ có tới 90% người trong giới tiêu thụ sử dụng nó. Một đằng, chúng ta không thể phủ nhận được ích lợi của cell phones, đằng khác chúng ta không thể làm ngơ trước những cảnh báo về nguy hại, mà sóng điện từ (Radiation Frequency, RF) do cell phones phát ra, có thể mang lại. Nổi bật trong số đó là bệnh ung thư óc. Hiện giờ, chưa nhà khoa học nào dám xác quyết rằng RF gây ra ung thư óc, nhưng có rất nhiều mối nghi ngờ và giả thiết đã được đặt ra. Những nghi ngờ đó chưa có thể trở thành lý do để loại trừ Cell Phones, nhưng chắc chắn phải là những lời báo động để chúng ta có những biện pháp tự bảo vệ mình.


Sử dụng cell phone áp sát vào tai là một điều nguy hiểm.

Mối nghi ngờ gia tăng?

Mặc dầu đã đi được những bước rất dài về thành tựu khoa học, nhưng xét về tuổi tác thì cái Cell Phone vẫn còn khá trẻ. Ra đời từ năm 1973, Cell Phone đến nay (2018) mới được 45 tuổi! Trong lúc con người ở tuổi đó vẫn được coi như còn “xoan,” thì kết tội một sản phẩm có nhiều công trạng như cell phone chắc chắn là quá sớm. Bởi vì, hậu quả của phóng xạ RF, nếu có, không xuất hiện ngay trong dăm bữa nửa tháng, mà có thể được tích dồn qua một quá trình lâu dài cả chục năm.


Trẻ em không được dùng cell phones, vì tác hại của phóng xạ RF (radiaction frequency) trên sọ não trẻ em còn mạnh hơn so với người lớn.

Cho đến nay, quả thực khoa học chưa có bằng chứng quyết đoán về mối liên quan trực tiếp giữa ung thư và RF. Nhưng những dấu hiệu khiến người ta nghi ngờ thì càng lúc càng nhiều hơn. Chương Trình Quốc Gia Khảo Cứu Độc Chất NTP (National Toxicology Program) mới đây đã thực hiện một cuộc khảo cứu qui mô, tốn kém tới 25 triệu đô la công quỹ, với hàng ngàn con chuột: Sau khi cho chiếu phóng xạ RF vào đám chuột một thời gian, theo tỷ lệ tương đương với luồng phóng xạ bắn vào óc người sử dụng cell phones, các nhà khoa học thấy gì?


Hoặc mở loa ngoài (speaker) trong khi nói chuyện.

Thời lượng phóng xạ càng cao thì số chuột bị nhiễm ung thư óc và ung thư tim càng nhiều!
Ông Ronald Melnick, nhà khoa học hàng đầu lãnh đạo cuộc khảo sát nói trên, phát biểu: “Theo cái nhìn của tôi, kết quả này buộc chúng ta phải nâng cao cảnh giác về các mối nguy cơ liên quan đến RF.”

Nhưng điều đáng báo động là RF làm hại trẻ em nhiều hơn, là vì hộp sọ của các cháu còn mỏng, và mô óc đang phát triển còn mềm, dễ hấp thụ ảnh hưởng phóng xạ hơn so với người lớn. Tiết lộ này thực sự phải làm cho các bậc phụ huynh lo lắng khi mà vấn đề trẻ em dùng cell phones hiện quá phổ biến và lan tràn đến nỗi nhiều người đã ví von “trẻ em thời nay sinh ra đã có ngay cái cell phone trong tay rồi!”. Vì thế không lạ gì khi vợ chồng tỷ phú Bill Gates chỉ cho phép con cháu mình dùng cell phones khi chúng đã trên 14 tuổi mà thôi.

Vấn đề đã trở thành mối quan ngại trên bình diện quốc gia tại một số nước. Chẳng hạn, tại Đài Loan và Bỉ Quốc, để cho các em bé dùng cell phones là chuyện bất hợp pháp, cha mẹ hoặc thầy cô giáo phải chịu trách nhiệm. Chính quyền Pháp thậm chí còn tính cấm luôn việc sử dụng cell phones trong các trường học trên toàn quốc.

Nhưng tại Hoa Kỳ, chính phủ không lưu tâm lắm. Mới có một vài tiểu bang, đi đầu là California, đưa ra khuyến cáo công cộng về những mối nguy cơ của phóng xạ RF. Tháng 12 năm 2017, bộ Y Tế Công Cộng California đã phổ biến bản hướng dẫn phương thức giảm bớt độ tiếp cận phóng xạ cell phones. Chúng ta có thể dựa vào hướng dẫn này để khai triển thành một phương cách sử dụng cell phones có trách nhiệm, tận dụng được ích lợi của cell phones đồng thời hạn chế tới mức tối đa những tác hại tiềm tàng của chúng.


Thay vào đó, nên sử dụng dây dẫn âm thanh.

Hướng dẫn tự bảo vệ

Từ nay cho đến ngày Thung Lũng Điện Tử Silicon Valley (San Jose) chế được một loại cell phone hoàn hảo và tuyệt đối an toàn cho người sử dụng, chúng ta nên chủ động đưa ra những biện pháp tự bảo vệ bản thân. Nguyên tắc chung là “đừng áp sát cell phones vào thân thể mình,” từ đó chúng ta có thể suy ra những phương thức an toàn cụ thể như sau:

1. Khoảng cách ít nhất 6 inches: Giữ khoảng cách tối thiểu giữa cơ thể người sử dụng và cái cell phones là 6 inches (chừng 15 centimeters) bằng cách dùng dây dẫn âm thanh (earpieces, headsets). Nếu không có dây dẫn âm thanh, bạn nên mở loa ngoài (speaker) lên để tiếng nói bên kia đầu dây có thể nghe được mà không cần áp điện thoại vào tai. Ngay cả khi dùng dây dẫn âm thanh, bạn vẫn nên tháo dây dẫn ra khỏi tai, khỏi đầu trong lúc không sử dụng cell phones.

2. Đừng bao giờ giữ điện thoại trong túi áo hoặc túi quần, là những nơi áp sát thân thể của bạn. Tuyệt đối không ngủ quên với cái cell phones còn đặt trên ngực, mà phải giữ nó ở một nơi cách xa.

3. Khi không sử dụng, đưa cell phones sang tình trạng Airplane Mode để hạn chế phóng xạ RF.

4. Dùng điện thoại truyền thống (landline) có dây kết nối với công ty điện thoại. Loại điện thoại này càng ngày càng ít người sử dụng, có lẽ rồi sẽ tuyệt tích, vì không còn khách hàng. Nhưng so với Cell Phones, điện thoại kiểu cổ lỗ sĩ này an toàn hơn nhiều cho người sử dụng.

5. Tránh dùng Cell Phones khi yếu sóng (weak signal). Vì khi sóng dẫn càng yếu thì luồng RF phát ra càng mạnh để có thể duy trì được sự kết nối.

6. Cố gắng cắt ngắn cuộc nói chuyện

7. Hạn chế tới mức tối đa việc cho trẻ em sử dụng cell phones.
Biện pháp an toàn tối hậu dầu sao cũng phải xuất phát từ chính nơi những nhà sản xuất cell phones. Chúng ta hy vọng rằng những cái cell phones thế hệ sau này, ngoài sự “thông minh” hơn, chắc chắn sẽ còn an toàn hơn cho giới tiêu thụ. Trong khi chờ đợi tới ngày đó đương nhiên chúng ta phải có biện pháp để tự bảo vệ mình.
erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT