Người Việt Khắp Nơi

Vì sao phải giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Việt?

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 01/07/2012 - 08:17:00

Ta thử hình dung xem cảnh một lũ trẻ con tóc đen, da vàng rất muốn chơi với nhau vì là "bên ta" cả, nhưng mỗi đứa xì xồ một thứ tiếng thì làm sao vào cuộc chơi được đây? Cùng là người Việt mà cứ phải uốn lưỡi nói với nhau bằng những ngôn ngữ khác thì thật buồn biết bao!

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ cuối)

Băng Huyền/Viễn Đông


Thế hệ thứ nhất của di dân gốc Việt tại hải ngoại nói chung hay tại Hoa Kỳ nói riêng, vì hoàn cảnh lịch sử, đành phải rời xa quê hương, nhưng trong tâm thức họ khó ai quên được mảnh đất nghèo khổ, thân thương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Có người dù đã rời xa nơi đó trên ba mươi năm, nhưng vẫn mang theo bên mình hình ảnh của quê hương, vẫn còn vẹn nguyên niềm xúc động khi gợi nhắc lại những câu chuyện của quê nhà. Chính từ những gia đình vẫn còn nặng lòng với quê hương, thế hệ 1,5 hay thế hệ thứ 2, thứ 3 của họ đã sẻ chia được phần nào cái hồn dân tộc đi theo cùng với ông bà, cha mẹ, qua truyền thống gia đình, qua ngôn ngữ sử dụng hàng ngày, qua nếp sống với ít nhiều tập tục của nếp nhà Việt Nam, qua lối cư xử chan hòa nghĩa tình trong mọi quan hệ xã hội.


Ba thế hệ cùng thắp nến dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương nhân Đại Lễ Giỗ Tổ 2012 tại Little Saigon, thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn, Nam California - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Các bậc sinh thành của những gia đình này không chỉ muốn bảo tồn văn hóa như để bảo tồn một dĩ vãng, để lấp vào khoảng trống trong cuộc sống của họ ở một xứ sở xa lạ, mà còn để bảo vệ được bản sắc, căn cước tinh thần cho con, cháu của mình.
Những người Việt đã trưởng thành, dù sống ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, họ vẫn biết họ là người Việt. Những đứa trẻ gốc Việt sanh ra tại Mỹ hay hải ngoại, lúc còn bé, chúng dễ dàng nghĩ rằng mình là một người Mỹ hoặc là người của quốc gia mà chúng đang sống. Nhưng làm sao các em có thể xóa bỏ được màu da, màu mắt, sắc vóc Việt Nam của mình, làm sao bỏ được cái họ Nguyễn, Trần, Lê, Lý… phía sau những cái tên Tây của mình. Các em vẫn là người Việt.
Là người Việt mà không biết nói tiếng Việt, không hiểu văn hóa Việt thì thế nào nhỉ? Điều đó rất dễ dẫn đến những khủng hoảng về tâm lý cho chính các em khi trưởng thành. Sự đối kháng giữa hai nền văn hóa ngay từ ông bà cha mẹ của các em với chính các em càng khốc liệt hơn. Hoặc trong những dịp lễ lạt, cưới xin hay Tết cổ truyền xum họp gia đình, thường có đủ bà con họ hàng, bạn bè thân quen đến từ các nước: Pháp, Đức… Người lớn gặp nhau thì chuyện trò rôm rả, còn đám trẻ con không biết nói tiếng Việt, thì thật là tai họa… Ta thử hình dung xem cảnh một lũ trẻ con tóc đen, da vàng rất muốn chơi với nhau vì là "bên ta" cả, nhưng mỗi đứa xì xồ một thứ tiếng thì làm sao vào cuộc chơi được đây? Cùng là người Việt mà cứ phải uốn lưỡi nói với nhau bằng những ngôn ngữ khác thì thật buồn biết bao!

Những lợi ích
Qua những cuộc phỏng vấn của phóng viên Viễn Đông với một số phụ huynh đã từng phổ biến trong những bài trước đây, bên cạnh những phát biểu quyết tâm gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt cho con mình, thì vẫn có ý kiến cho rằng giữ tiếng Việt và văn hóa Việt cho con là không cần thiết. Vì như phụ huynh Nguyễn Hằng (cư dân thành phố Santa Ana) cho rằng hai con của chị sinh ở Mỹ, các con sẽ sống suốt đời ở Mỹ. Ngôn ngữ thứ nhất của con là tiếng Anh. Mà tiếng Anh lại là ngôn ngữ quốc tế; ở đâu cũng sử dụng được. Tiếng Việt thì biết cũng được; không biết cũng chả sao. Ngay cả khi biết tiếng Việt thì cũng chỉ để giao thiệp với người thân, phần lớn với ông bà, chứ bản thân ba mẹ cũng giỏi tiếng Anh để nói chuyện với con rồi. Còn nếu cho rằng cần biết nhiều ngoại ngữ để giúp phát triển trí thông minh của con, giúp con có nhiều cơ hội tìm việc làm khi lớn lên… thì đâu cần phải học tiếng Việt, mà học tiếng Tây Ban Nha, vì tiếng Tây Ban Nha vẫn thông dụng hơn tiếng Việt tại Cali này. Những ý kiến như của chị Nguyễn Hằng không phải là ít.
Trước ý kiến này, người bạn trẻ Phillip Pha Ngô, là một đại diện của công ty bảo hiểm State Farm, đã theo gia đình đến Mỹ định cư theo chương trình H.O của bố, từ khi bạn còn nhỏ, cho rằng: “Hiện nay Phillip nói tiếng Anh dễ hơn là nói tiếng Việt, nhưng Phillip vẫn cố gắng nói tiếng Việt, vì muốn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ cho mình, để sau này có con, cũng sẽ dạy con nói tiếng Việt, để con hiểu văn hóa Việt. Phillip nghĩ, tiếng Việt rất quan trọng, xét về phương diện kinh tế, đã đành tiếng Việt không được xem là một ngôn ngữ thương mại như nhiều thứ tiếng khác, nhưng thành thạo tiếng Việt ở mức độ nào đó, không hề vô ích trong một xã hội đa văn hóa và đa ngôn ngữ như Mỹ. Đối với rất nhiều nghề nghiệp, cộng đồng người Việt gồm trên 1,6 triệu ở Mỹ là một thị trường to lớn. Cứ nhìn vào số phòng mạch bác sĩ, nhà thuốc, văn phòng luật sư, hay các ngân hàng ở khu đông người Việt, các công ty bán bảo hiểm… có rất nhiều nhân viên người Việt hoặc biết nói tiếng Việt. Bất cứ việc gì từ của chính phủ đến tư nhân, ở các khu nhiều người Việt sinh sống, khả năng tiếng Việt đều trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, nên giỏi tiếng Việt cũng dễ hơn là chỉ biết tiếng Anh. Khi Phillip đối thoại bằng tiếng Anh thì chỉ là nghe bằng tai thôi, nhưng khi nói tiếng Việt, thì mình có thể nghe được bằng trái tim. Quan trọng hơn, chỉ khi tiếp xúc với cộng đồng lâu hơn, hiểu văn hóa Việt nhiều hơn, thì mới hiểu rằng dân tộc mình, văn hóa, ngôn ngữ của mình cần phải được giữ gìn trên xứ sở này. Vì dù mình thích là người Việt hay không thích là người Việt, thì mình vẫn đã là người Việt. Dù mình nghĩ mình là người Việt hay mình nghĩ mình không phải là người Việt, thì những sắc dân khác vẫn nhìn mình là người Việt. Mình cần phải tôn trọng chính mình và bản sắc dân tộc mình, thì người ta mới có thể tôn trọng lại mình”.
Chị Vy Nguyễn, kế toán trưởng tại công ty Vomar Products, Inc., vượt biên đến định cư tại Mỹ từ cuối thập 1980, khi tròn 15 tuổi, cho biết: “Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là nước có nền văn hóa đa sắc tộc, đa văn hóa. Tuy nhiên, ẩn sau bức màn đa văn hóa đó vẫn còn tồn tại sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Nó công khai hoặc có thể được che giấu một cách tế nhị và kín đáo, mà không ít người dân nhập cư sống tại Mỹ hiểu được nó như thế nào. Khi đi làm, so với những người Mỹ trắng, liệu những ông bà chủ người Mỹ có thể chấp nhận thuê mình ngay lúc đi phỏng vấn xin việc, có cả người Mỹ đến phỏng vấn như mình? Liệu mình có được trả công với mức lương ngang bằng với người dân Mỹ? Nếu có thì trường hợp đó ít. Bởi vì, cho dù họ đồng ý thuê mình, nhưng sẽ chỉ trả cho mình với mức lương thấp hơn so với mức lương họ sẽ trả cho người Mỹ, hoặc họ sẽ bóc lột sức lao động của mình nhiều hơn, tinh vi hơn những gì họ trả cho mình. Mình sẽ phải mất nhiều thời gian, nhiều công sức hơn để khẳng định bản thân”.
Chị Vy Nguyễn nói: “May mắn là người Việt chúng ta sống tập trung đông đảo, tạo thành một sức mạnh cho cộng đồng tại tiểu bang California này, đây cũng là tiểu bang có nhiều sắc dân trên khắp thế giới đến định cư, nên mức độ kỳ thị có bớt đi, tế nhị hơn, nhưng không phải là không có. Với những người Mỹ trắng có tư tưởng kỳ thị, họ nói người Việt mình hay dân Châu Á nói chung là trái chuối (banana), dù bên trong có trắng như họ, nghĩa là sanh đẻ ở bên đây, nói ngôn ngữ của họ thông thạo, không bị accent, nhưng bên ngoài vẫn là màu vàng, nhìn vẫn biết là người Châu Á, là Việt Nam”.
Chị Vy Nguyễn kết luận: “Nếu chính chúng ta cũng tự chối bỏ nguồn gốc của mình, thì chỉ khiến những người Mỹ trắng xem thường ta thôi. Nếu ta không nói được tiếng Việt, và không hiểu rõ văn hóa Việt, sẽ là một mất mát rất lớn. Cộng đồng người Việt của mình tại California đã gầy dựng được những lớp tiếng Việt cuối tuần, vận động những lớp tiếng Việt trong trường trung học, đại học… là rất hay. Trẻ em sống ở đây có nhiều cơ hội học tập và thực hành tiếng Việt để nâng cao khả năng cho mình. Còn những đồng hương Việt sống rải rác tại những nơi ít người Việt sống, thì thiệt thòi hơn. Ông bà, phụ huynh của các em phải cố gắng và kiên trì nhiều hơn trong việc giữ gìn tiếng Việt cho con, cháu của mình. Như cháu của Vy hiện đang sống ở bên Michigan, ba mẹ của cháu kiên quyết bắt cháu nói tiếng Việt khi ở nhà, thường mua những DVD ca nhạc, phim bộ cho cháu xem cuối tuần, mua sách dạy tiếng Việt dạy kèm thêm cho cháu. Dù rất khó khăn, nhưng họ vẫn làm. Vì ở bên đó đã không có người Việt đông như ở đây, không có trường dạy tiếng Việt. Nếu gia đình không tự giúp cháu, thì cháu sẽ mất luôn tiếng Việt, sẽ là một thiệt thòi cho cháu sau này”.
Tính từ cột mốc 30 tháng 4 năm 1975, cộng đồng Việt Nam hình thành tại Mỹ chỉ mới 37 năm, nay vẫn còn kịp để người Việt Nam quyết tâm gầy dựng và dưỡng nuôi tình yêu ngôn ngữ và văn hóa Việt cho thế hệ trẻ. Nỗi lo khi lớp người thuộc thế hệ thứ nhất, thế hệ 1,5 về với tổ tiên, những thế hệ tiếp nối không còn ngôn ngữ và văn hóa Việt là nỗi lo có thực, khi nhiều người nhìn thấy sự hòa tan vào nền văn hóa bản địa nơi đất nước này của thế hệ trẻ gốc Việt. Nhiều vị nhân sĩ và thầy cô nói với phóng viên Viễn Đông rằng, chúng ta hãy noi gương các cộng đồng lớn khác lập nghiệp tại Mỹ đã lâu như Do Thái, Trung Hoa, Mexico, v.v., trong việc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của họ. Chúng ta hãy nhìn lại việc giữ gìn ngôn ngữ Việt của cha ông trong quá khứ, khi đất nước ta phải trải qua ngàn năm đô hộ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây, chinh chiến liên miên, mà ông cha ta vẫn kiên cường bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa, để “Tiếng ta còn, Nước ta còn” (Phạm Quỳnh).
Tuy vậy, việc học tập ngôn ngữ Việt tại hải ngoại hay Hoa Kỳ còn phải đối đầu với những khó khăn khác, ngoài vấn đề thời gian eo hẹp của chính bản thân các em đi học tại trường Mỹ và tham gia những hoạt động ở trường, chỉ học vào ngày cuối tuần, phương pháp giảng dạy những trung tâm độc lập cuối tuần cũng cần được nghiên cứu lại để việc dạy hiệu quả hơn, theo nhận xét của các thầy cô và phụ huynh. Cha mẹ của các em cũng cần phải dành thời gian cho các em nhiều hơn trong việc học và giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt…
Không ít những gia đình vì cả cha mẹ đều vất vả làm việc, "cày" 2, 3 công việc một ngày, đành phó mặc con cái cho người trông coi giúp hoặc gởi vào những trung tâm giữ trẻ ban ngày. Có những gia đình khá giả thì mãi lo làm giàu, con cái của họ cũng chẳng có cơ may tiếp thu được nền văn hóa của Việt Nam, nói chi đến bảo tồn. Hoặc có những phụ huynh xem nhẹ việc giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ và văn hóa cho con của mình.
Trăn trở trước điều này, cô Nguyễn Thị Kim Ngân, giám đốc điều hành Viện Việt Học nhận xét: “Một cộng đồng nói chung không thể nói về kinh tế mạnh là đủ, mà để hụt hẫng nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như văn hóa-nghệ thuật… là không thể hạnh phúc. Trốn chạy cộng sản, và gặp biết bao mất mát để đi tìm tự do nơi hải ngoại này, cộng đồng người Việt ly hương của chúng ta xứng đáng có được hạnh phúc.
Sức mạnh của văn hóa còn là sức mạnh của chính trị. Chúng ta chống đối những gì mà nhà cầm quyền cộng sản đang làm trên quê hương, họ đã không nuôi dưỡng tuổi trẻ. Ở hải ngoại, chúng ta phải nuôi dưỡng tuổi trẻ. Họ không cho nền tảng gia đình là quan trọng, hoặc họ chỉ nói mà không làm, hoặc luôn luôn tạo điều kiện cho nó tan vỡ, thì ở hải ngọai này, chúng ta phải làm sao cho mỗi thành viên trong cộng đồng, nhất là các em sanh ra tại hải ngoại hiểu được văn hóa nhân bản của dân tộc. Cần dạy cho các em để ăn sâu trong tiềm thức ngay từ tấm bé rằng nền tảng gia đình, đạo đức, nhân bản, biết thương yêu ông bà, thương yêu gia đình, chòm xóm, sống trọng trách nhiệm là điều cần có của một người Việt tử tế”.
Cô Kim Ngân khẳng định: “Đó sẽ là tiếng nói mạnh nhất của chúng ta chống đối lại chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay, vì họ chỉ chủ trương ngu dân, tạo nhiều cơ hội cho giới trẻ lối sống hưởng thụ. Tuy họ có làm ra vẻ để mọi người nghĩ là họ cởi mở, nhưng không phải vì thương dân thương nước, nghĩ đến tương lai dân tộc, bảo tồn văn hóa dân tộc, mà họ cởi mở vì đó là cơ hội cho chính bản thân họ trục lợi.
“Thế hệ tương lai của quốc gia dân tộc là nằm trong thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của người Việt hải ngoại chúng ta là ở những em trẻ, mà Viện Việt Học và những nơi có tâm huyết khác tại hải ngoại luôn luôn đặt tuổi trẻ là một trong những đối tượng hàng đầu để quan tâm, nuôi dưỡng”.

Thay lời kết
Dẫu rằng những vấn đề được ghi nhận trong loạt phóng sự 26 kỳ chủ đề “Tiếng Việt tại Hoa Kỳ”, khởi đăng từ ngày 29-12-2011, vẫn chưa đầy đủ và chi tiết như mong muốn, nhưng nó cũng phần nào đưa ra những nét khái quát về những gì mà cộng đồng Việt Nam đã, đang và sẽ cố gắng gìn giữ nét văn hóa riêng cho con em mình, để các em, các cháu không bị hòa tan vào nền văn hóa bản địa.
Qua loạt bài này, nhật báo Viễn Đông xin được tri ân những vị lãnh đạo tinh thần, những nhà giáo dục, những vị nhân sĩ, những vị dân cử, các phụ huynh, các em học sinh… Xin tri ân những công lao và tâm huyết của những quý vị mong muốn bảo tồn nền văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ cho thế hệ trẻ gốc Việt tại hải ngoại. Vì việc làm này chỉ thật sự hiệu quả và phát triển, khi tất cả mọi người cùng đồng lòng và chung tay với nhau. - (VĐ)

Phóng sự nhiều kỳ "Tiếng Việt tại Hoa Kỳ" đã đăng trên nhật báo Viễn Đông:

Kỳ 25: Mạch nước ngầm dưỡng nuôi tiếng Việt
http://viendongdaily.com/mach-nuoc-ngam-duong-nuoi-tieng-viet-ZOLOaHEQ.html
Kỳ 24: Tiếng Việt học qua mạng Internet do các bạn trẻ hướng dẫn
http://www.viendongdaily.com/tieng-viet-hoc-qua-mang-internet-do-cac-ban-tre-huong-dan-ERLHap7v.html

Kỳ 23: Học sinh lớp tiếng Việt trung học: “Em không muốn bị mất gốc”
http://viendongdaily.com/hoc-sinh-lop-tieng-viet-trung-hoc-em-khong-muon-bi-mat-goc-hr4FMKtF.html

Kỳ 22: Những câu chuyện của các phụ huynh có con theo học lớp tiếng Việt trung học
http://viendongdaily.com/nhung-cau-chuyen-cua-cac-phu-huynh-co-con-theo-hoc-lop-tieng-viet-trung-9SWtJLtO.html

Kỳ 21: Thiếu lớp tiếng Việt trong các trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/thieu-lop-tieng-viet-trong-cac-truong-trung-hoc-quan-cam-Am5dmG9M.html

Kỳ 20: Nội dung lớp tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/noi-dung-lop-tieng-viet-trong-truong-trung-hoc-quan-cam-CbG0XKwW.html

Kỳ 19 : Sách giáo khoa tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/thieu-lop-tieng-viet-trong-cac-truong-trung-hoc-quan-cam-Am5dmG9M.html

Kỳ 18: Môn tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/mon-tieng-viet-trong-truong-trung-hoc-quan-cam-HIUAomFX.html

Kỳ 17: Từ việc thành công đưa Việt ngữ vào trung học đến ước mơ chương trình hai ngôn ngữ
http://www.viendongdaily.com/phone/tu-viec-thanh-cong-dua-viet-ngu-vao-trung-hoc-den-uoc-mo-chuong-trinh-VTsNQ97f.html

Kỳ 16: Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống trung học
http://www.viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-trong-he-thong-trung-hoc-j0EBMM6Y.html

Kỳ 15: Học tiếng Việt tại đại học Mỹ khác ở Việt Nam
http://www.viendongdaily.com/hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-my-khac-o-viet-nam-StzuW9nj.html

Kỳ 14: Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học (tiếp theo)
http://www.viendongdaily.com/chuyen-cua-sinh-vien-hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-tiep-theo-qnwZnSyU.html

Kỳ 13: Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học
http://www.viendongdaily.com/chuyen-cua-sinh-vien-hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-bprirQyt.html

Kỳ 12: Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học (tiếp theo) (tiếp theo)
http://www.viendongdaily.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-dung-trong-dai-hoc-tiep-theo-RW9JWyRs.html

Kỳ 11: Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học
http://www.viendongdaily.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-dung-trong-dai-hoc-MfhhYjNF.html

Kỳ 10: Học viên lớp tiếng Việt ở đại học, họ là ai?
http://www.viendongdaily.com/hoc-vien-lop-tieng-viet-o-dai-hoc-ho-la-ai-6eQfqz9D.html

Kỳ 9 : Những lớp học tiếng Việt đầu tiên tại đại học
http://www.viendongdaily.com/nhung-lop-hoc-tieng-viet-dau-tien-tai-dai-hoc-G0poKsIz.html

Kỳ 8 : Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống đại học
http://www.viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-trong-he-thong-dai-hoc-VnhAjKUg.html

Kỳ 7: Cộng đồng nói tiếng Việt và các cộng đồng di dân khác
http://www.viendongdaily.com/phone/cong-dong-noi-tieng-viet-va-cac-cong-dong-di-dan-khac-NDd8fqUo.html

Kỳ 6: Những khó khăn trong việc giữ gìn tiếng Việt
http://www.viendongdaily.com/phone/nhung-kho-khan-trong-viec-giu-gin-tieng-viet-MqixHNNv.html

Kỳ 5: Học sinh cố gắng, cha mẹ dìu dắt
http://www.viendongdaily.com/hoc-sinh-co-gang-cha-me-diu-dat-TRYowDv5.html

Kỳ 4: Tài liệu giảng dạy tiếng Việt tại những trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/tai-lieu-giang-day-tieng-viet-tai-nhung-trung-tam-doc-lap-9wgSXntH.html

Kỳ 3: Dạy và học tiếng Việt tại các trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-tai-cac-trung-tam-doc-lap-XgVv5jyT.html

Kỳ 2: Nỗ lực dạy và học tiếng Việt hiện nay của các trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/no-luc-day-va-hoc-tieng-viet-hien-nay-cua-cac-trung-tam-doc-lap-npqoMLK8.html

Kỳ 1: Dạy và học tiếng Việt tại Hoa Kỳ cách nay 30 năm
http://viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-tai-hoa-ky-cach-nay-30-nam-0NM4ux73.html

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT