Chuyện Nước Pháp

Viết trong những ngày đại dịch virus corona

Tuesday, 17/03/2020 - 06:35:20

Nước Pháp có 6,633 người bị nhiễm bệnh, 148 người chết, trong những ngày tới tình trạng sẽ nguy cấp hơn.


Cảnh sát canh gác gần Tháp Eiffel ngày thứ Ba 17 tháng 3, 2020. Toàn nước Pháp đã được đặt trong tình trạng gần như giới nghiêm, mà theo đó người dân phải ở nhà và chỉ ra ngoài nếu có việc cần thiết. (Veronique de Viguerie/ Getty Images)



Bài PHAN THÀNH ĐẠT

Nước Pháp có 6,633 người bị nhiễm bệnh, 148 người chết, trong những ngày tới tình trạng sẽ nguy cấp hơn. Tổng Thống Emmanuel Macron đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và nâng mức báo động sang giai đoạn ba: Các trường học, bảo tàng, các điểm vui chơi giải trí, tiệm ăn, quán bar… đóng cửa.
Mọi người làm việc ở nhà và chỉ được ra ngoài trong một số trường hợp thật cần thiết như đi mua hàng ở siêu thị, đến cửa hiệu dược, đi khám bác sĩ và đi làm khi không thể làm việc được ở nhà. Công dân khi đi ra ngoài cần mang theo giấy chứng nhận để khẳng định việc đi ra ngoài là bắt buộc nếu không sẽ bị phạt 38 Euro ($42 USD). Phí nộp phạt sẽ tăng đến 135 euro ($150) trong những ngày tới.

Thứ Ba, 12 giờ trưa ngày 17 tháng 3, các nước trong Liên Minh Âu Châu chính thức đóng cửa biên giới trong vòng một tháng. Công dân của 27 nước trong khối này mất quyền đi lại tự do, trao đổi hàng hoá giữa các nước vẫn được bảo đảm. Cả Âu Châu đang bị cô lập và tự cô lập với thế giới để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Pháp và Âu Châu đang ở trong giai đoạn nguy nan nhất kể từ các cuộc khủng hoảng lớn như đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 làm ít nhất 50 triệu người chết, chiến tranh thế giới thứ nhất, 10 triệu người chết và chiến tranh thế giới thứ hai, 50 triệu người chết.
Có nhiều người chỉ trích Pháp và Âu Châu không có những biện pháp mạnh ngay từ đầu để ngăn chặn dịch bệnh nên tình trạng mới nguy khốn như bây giờ. Thực tế là điều này không dễ, với không gian đi lại tự do của công dân 27 nước, đây là cánh cửa mở để dịch bệnh tràn lan.

Pháp và Âu Châu theo nền chính trị tự do, đề cao dân chủ và các quyền cơ bản của con người, trong đó có tự do đi lại, tự do tôn giáo, tự do biểu tình nên khi dịch bệnh diễn ra, các nước dân chủ ở Âu Châu phản ứng chậm và đưa ra cách đối phó từng bước một. Đây là điểm yếu của chế độ dân chủ nên dịch bệnh tràn lan, nếu Âu Châu có những biện pháp hà khắc, độc tài như Trung Quốc ngay từ sớm có thể dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Suy cho cùng đối mặt với đại dịch coronavirus, dân chủ hay độc tài đều có những khuyết điểm, điều quan trọng phải có những biện pháp khôn ngoan kịp thời để cứu người. Pháp đã thấm thía khi quan sát tình hình dịch bệnh ở Ý, (con ngựa thành Troie) của Âu Châu nên những biện pháp mạnh mẽ Pháp đưa ra hiện nay là hợp lý cho dù hơi muộn.
Đối với Việt Nam, tôi cho rằng Việt Nam đã làm đúng trong việc ngăn ngừa dịch bệnh, mọi thứ được kiểm soát khá tốt. Suy cho cùng thì đây cũng là cách duy nhất vì chúng ta cũng không có cách nào khác. Đất nước còn nghèo lại đông dân. Chăm sóc y tế của Việt Nam ở mức độ trung bình, do đó nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì hậu quả khôn lường.

Những người suy nghĩ đơn giản thì tỏ ra tin tưởng vào đảng và nhà nước, những người suy nghĩ xa hơn thì tỏ ra lo lắng và hoài nghi. Việt Nam đang dồn toàn bộ sức lực để đối phó với coronavirus xuất phát từ Trung Quốc, hậu quả kéo theo là sự kiệt quệ về kinh tế, khiến đất nước thêm khó khăn.
Để tránh suy thoái kinh tế, Pháp đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh như miễn thuế cho các doanh nghiệp khó khăn. Chính phủ cam kết giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm trả lương đầy đủ cho những người bị thất nghiệp tạm thời. Pháp dành một khoản ngân sách 300 tỉ euro ($335 tỉ) để phục hồi nền kinh tế. Các nước trong Liên Minh Âu Châu như Đức, Ý… cũng có các chính sách hỗ trợ các công ty khó khăn để bảo đảm kinh tế không bị suy thoái.

Về phía Việt Nam tôi chưa thấy các chính sách cụ thể để giúp đỡ các doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản nếu tình trạng dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Tôi nghĩ ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế Việt Nam là rất lớn, vì khi nỗi bất hạnh ngập đến đầu gối của kẻ giàu, nó đã ngập đến cổ của kẻ nghèo mà đất nước mình “dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và nhà nước” vẫn chưa thoát nghèo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn gian nan này, tôi vẫn hy vọng vào tình cảm yêu thương đùm bọc, giúp đỡ nhau của người Việt Nam sẽ giúp chúng ta vượt qua gian khó, hoạn nạn. Trong những hoàn cảnh như thế, tâm hồn và văn hoá Việt Nam lại toả sáng. Những giá trị quý giá đó không phải do đảng và nhà nước ban cho mà chính là bản sắc của người Việt Nam từ nhiều đời nay.
(Paris, ngày 17 tháng 3, 2020)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT