Pháp Luật

Vụ cảnh sát bắn chết Michael Brown

Friday, 05/09/2014 - 08:33:13

Thị trưởng của Ferguson là người da trắng. Trong sáu nghị viên trong hội đồng thành phố, năm nghị viên là da trắng, chỉ có một nghị viên là da đen. Đoàn cảnh sát của thành phố có 53 người, và trong số này chỉ có ba người cảnh sát là da đen thôi.

Luật Sư Diệp Thế Lân


Vào đầu tháng Tám 2014, Michael Brown, một anh chàng da đen 18 tuổi, cư ngụ tại thành phố Ferguson, Missouri, đã bị một ông cảnh sát da trắng 28 tuổi tên Darren Wilson bắn chết. Việc cảnh sát bắn thường dân không phải là việc đáng chú ý, nhưng trong trường hợp này, người bị bắn không có vũ khí trong tay nhưng vẫn bị bắn đến sáu lần; bốn phát vào tay phải và hai phát ngay vào đầu. Sự kiện này đã gây sự bất bình khắp nước Mỹ, với nhiều người đặt nghi vấn rằng đây là một vụ bắn vì kỳ thị.
Theo luật, một người cảnh sát có quyền bắn chết một ai đó để bảo vệ tính mạng của một người thứ ba, hoặc để tự vệ chính mình, khi cảm thấy tính mạng của mình bị đe dọa. Nhưng nói chung, một cảnh sát viên không thể cầm súng bắn bất cứ ai, cho dù họ là tội phạm. Nếu không có nguy cơ là một thường dân hoặc chính mình sẽ bị tổn thương thì cảnh sát viên không có quyền làm tổn thương người khác. Vì thế, ai nghe đến vụ này cũng muốn biết tại sao ông cảnh sát Wilson phải bắn đến sáu phát?
Vấn đề này càng trở nên phức tạp vì hai phần ba số người sống tại thành phố Ferguson là người da đen, nhưng hầu như tất cả mọi người có quyền thế trong thành phố đều là người da trắng. Thị trưởng của Ferguson là người da trắng. Trong sáu nghị viên trong hội đồng thành phố, năm nghị viên là da trắng, chỉ có một nghị viên là da đen. Đoàn cảnh sát của thành phố có 53 người, và trong số này chỉ có ba người cảnh sát là da đen thôi.
Cho dù theo luật không thể kết tội cảnh sát Wilson là đã làm sai trước khi có một cuộc điều tra và một phiên tòa làm rõ vấn đề, những cư dân của Ferguson đã đổ xuống đường để biểu tình chống đối vì tin rằng nếu là một người da trắng, anh Michael Brown đã không bị bắn chết một cách như thế. Những cuộc biểu tình này đã kéo dài hơn 11 ngày đêm, với một số cá nhân lợi dụng cơ hội để nổi loạn, phá các cửa tiệm để cướp các món hàng hay núp trong đám đông để ném đá tấn công cảnh sát.
Phía cảnh sát đã phản ứng bằng cách bao vây những đoàn biểu tình với những xe bọc sắt và những đoàn cảnh sát mặc áo giáp và cầm súng như đang chuẩn bị ra chiến trường. Phóng viên tại nơi đã cho thấy hình ảnh cảnh sát bắn đạn cao su và thuốc cay mắt vào những đoàn biểu tình không tuân theo lệnh của họ. Bên cạnh đó, hình ảnh những đoàn biểu tình tương đối ôn hòa bị đe dọa bởi một đoàn cảnh sát trang bị như là một lực lượng quân đội đã gây tức giận cho nhiều người. Tại sao một thành phố nhỏ như thế lại có những xe bọc sắt và vũ khí như thế?
Sự bất ổn định tại Ferguson kéo dài hơn 11 đêm không hẳn chỉ là vì sự bắn chết của anh Michael Brown. Thái độ bao che cho cảnh sát Wilson từ phía chính quyền địa phương đã làm cho người dân tại Ferguson phẫn nộ. Sau khi tin anh Michael Brown bị bắn chết được loan báo, cảnh sát trưởng của Ferguson đã từ chối tiết lộ tên của ông Wilson, vì cho rằng là nếu cho mọi người biết ai là cảnh sát đã bắn Michael Brown, thì người cảnh sát ấy có thể bị ám sát. Khi phóng viên hỏi rằng Michael Brown đã bị bắn mấy lần thì ông cảnh sát trưởng đã trả lời mơ hồ, là Brown đã bị bắn “hơn vài lần, nhưng tôi không nghĩ là hơn nhiều lắm đâu.”
Đổ thêm dầu vào lửa là quá khứ của Công Tố Viên Bob McCulloch. Ông là người có trách nhiệm điều tra cái chết của anh Michael Brown và tố kiện cảnh sát Darren Wilson nếu có bằng chứng cho thấy ông Wilson đã phạm pháp. Thế nhưng cô?ng đồng da đen tại Ferguson không tin rằng ông McCulloch sẽ thực hiện công việc này một cách khách quan. Cha của ông McCulloch là một cảnh sát và đã bị giết chết bởi một người da đen vào năm 1964, lúc ông McCulloch mới có 12 tuổi. Ông McCulloch đã làm công tố viên từ năm 1991 và đã được dân tiếp tục bầu lại vào chức vụ này mỗi bốn năm cho đến nay. Vào năm 2000 ông ta đã điều tra một vụ hai viên cảnh sát bắn chết hai người bán thuốc phiện không có vũ khí trong tay, nhưng đã kết luật là hai vị cảnh sát này vô tội. Một dân biểu cấp tiểu bang Missouri, Jamilah Nasheed, đã bắt đầu một thỉnh nguyện thư yêu cầu ông McCulloch giao trách nhiệm điều tra cái chết của anh Michael Brown cho một công tố viên khác, vì cộng đồng da đen không tin tưởng vào khả năng khách quan của ông. Tuy nhiên, ông McCulloch đã từ chối và tuyên bố là ông sẽ tiếp tục làm công việc mà người dân đã bầu ông lên để làm.
Trước những gì đang diễn ra tại thành phố Ferguson, MO, về phía luật pháp thì chưa thể kết luận rằng là cảnh sát viên Darren Wilson đã làm điều gì sai. Luật pháp cho phép ông ta có quyền bắn chết Michael Brown trong một số trường hợp, và cho đến khi ông Wilson có cơ hội giải thích sự việc từ khía cạnh của ông ta, thì không ai có thể kết tội ông ta được. Thế nhưng, trên cái nhìn khách quan và đồng cảm với sự đau thương của người khác thì chúng ta có thể nói là những gì đã và đang diễn ra tại Ferguson có điều gì đó không ổn.
Nhà thơ Pháp Anatole France đã từng nói, “luật pháp ngăn cấm người giầu và người nghèo như nhau, không được ngủ dưới cầu, ăn xin ngoài đường, và ăn cướp bánh mì.” Câu này ám chỉ sự bất công của các luật lệ khi được áp dụng một cách công bằng nhưng máy móc. Chính vì thực tế này mà nhu cầu có những người nằm trong chính quyền không nhận định một cách máy móc, biết thông cảm với hoàn cảnh của mọi thành phần trong xã hội trở nên quan trọng.
Qua những lời phát biểu và qua hành động của những người có trách nhiệm tại Ferguson trong các ngày qua, rõ ràng là những người nắm quyền tại Ferguson - đa số là người da trắng - đã không có sự thông cảm với, hay đáp ứng đúng nhu cầu của cộng đồng người da đen, vốn chiếm hai phần ba số dân tại đó. Tuy nhiên, đây không phải là lỗi hoàn toàn của những người lãnh đạo hiện tại. Nếu cộng đồng người da đen đã để ý tới tình hình chính trị địa phương, nếu họ đã đưa ra những ứng cử viên của chính họ vào những chức vụ lãnh đạo cấp thành phố hay tiểu bang, nếu họ đã tích cực đi bầu hơn, thì không có lý do nào mà thành phố Ferguson không có một thị trưởng da đen, một hội đồng thành phố với hơn một nghị viên da đen, và một đoàn cảnh sát với hơn ba cảnh sát viên da đen.

Dĩ nhiên, màu da hoặc sắc tộc của con người không nói lên được tài lãnh đạo của một con người. Nhưng nó nói lên một số kinh nghiệm về sắc dân của họ. Và nếu hội đồng thành phố của Ferguson có vài nghị viên da mầu, có lẽ hội đồng đã và sẽ quan tâm hơn về vấn đề đào tạo và mướn thêm những cảnh sát viên da mầu để giữ an ninh cho Ferguson. Và nếu như thế thì quan hệ giữa cảnh sát và người dân tại thành phố này có lẽ sẽ bớt căng thẳng, và có thể là anh Michael Brown nay còn sống.
Nói như thế để cho thấy là tuy luật pháp quan trọng, người được giao trách nhiệm thi hành luật pháp và lập nên luật pháp còn quan trọng hơn. Vì những người giữ vai trò này phản ảnh những ước vọng và giá trị của những người mà họ đại diện, những người mà đã bầu họ lên. Trong nhiều thập niên qua, cộng đồng da đen tại Ferguson đã xem nhẹ trách nhiệm đi bỏ phiếu của họ vì đã mang tư tưởng là người da trắng sẽ luôn nắm quyền tại Ferguson. Cái chết của Michael Brown đã đánh thức cộng đồng da đen tại đây.
Cộng đồng Việt Nam chúng ta nếu qua sự kiện này rút tỉa được một số kinh nghiệm thì sẽ rất tốt. Tại Nam Cali, đã có nhiều ứng cử viên người Mỹ gốc Việt ra tranh cử để đại diện cho cộng đồng người Việt tại đây. Nhưng chắc chắn là không phải người Viêt nào cũng đi bầu, và cũng có người giao khoán trách nhiệm đi bỏ phiếu cho những người khác vì không muốn bị phiền, hoặc vì có dị ứng với chính trị. Nếu quý vị là một trong những người này thì nên suy nghĩ lại. Hiện nay, chúng ta đang trong mùa tranh cử và tháng 11 này sẽ có cơ hội đi bỏ phiếu. Đừng bỏ qua cơ hội mà nay các người dân tại Ferguson đang tiếc là họ đã không biết tận dụng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT