Phóng Sự

Xem triển lãm "Illuminated" của Họa Sĩ Nguyễn Đồng- Nguyễn Thị Hợp

Friday, 19/07/2019 - 06:32:34

Năm giờ chiều thứ Bảy, ngày 13 tháng 7, 2019 tuần qua, tại phòng sinh hoạt của Việt Báo, thành phố Westminster, đã diễn ra buổi triển lãm tranh “Illuminated” giàu hương sắc của đôi vợ chồng họa sĩ tài hoa Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp.


Từ trái, Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Đồng, và nhà văn Phạm Xuân Đài bên tranh vẽ quyển sách Đường Xưa Mây Trắng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Bài BĂNG HUYỀN


Năm giờ chiều thứ Bảy, ngày 13 tháng 7, 2019 tuần qua, tại phòng sinh hoạt của Việt Báo, thành phố Westminster, đã diễn ra buổi triển lãm tranh “Illuminated” giàu hương sắc của đôi vợ chồng họa sĩ tài hoa Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp. Đây là cuộc triển lãm tranh lụa, tranh sơn dầu và bản original illustrations cho nhiều sách được hai vợ chồng họa sĩ Hợp- Đồng vẽ từ bên Đức (Hồ Xuân Hương) và bên Mỹ (sách của Thiền Sư Nhất Hạnh…), do Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật và Âm Nhạc Người Mỹ Gốc Việt (VASCAM) tổ chức.
Theo như lời của ban tổ chức thì ngoài chương trình triển lãm tranh với mong muốn sáng tạo về nghệ thuật tạo hình của người Mỹ gốc Việt không những không bị bỏ quên mà càng được thêm nhiều sự chú ý. Sau 2 giờ triển lãm tranh, trong cùng ngày, từ 7 giờ tối là màn trình diễn các ca khúc nghệ thuật do học viên khoá Học Viết Ca Khúc Nghệ Thuật học trong 5 ngày trước đó do soạn nhạc gia P.Q. Phan hướng dẫn. Khóa học này đã được tổ chức vào dịp hè hằng năm, lần này là lần thứ ba.


Người xem tranh chiêm ngưỡng những tranh vẽ minh họa sách của hai họa sĩ Nguyễn Đồng- Nguyễn Thị Hợp. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Tài họa tranh của hai họa sĩ Hợp- Đồng

Một bức tranh đẹp, có giá trị nghệ thuật cao và sức sống lâu bền theo thời gian không phải là chất liệu mà là giá trị của tài năng và tâm hồn người nghệ sĩ. Điều này đã được khẳng định trong nhiều giai đoạn của lịch sử mỹ thuật thế giới nói chung và đây cũng là điều mà người viết cảm nhận được từ tranh của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Đồng. Họ đã có 51 năm gắn bó với hội họa và sức sáng tạo luôn bền bĩ, thăng hoa theo thời gian. Họ đã tìm được đường đi riêng cho mình và đã tạo ra một chỗ đứng nghề nghiệp riêng, không bị khuất lấp.
Những sáng tác của họa sĩ Hợp- Đồng là sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông sâu sắc và tính hiện đại của nghệ thuật điêu luyện, độc đáo, với bút pháp trữ tình, phóng khoáng. Hai mươi lăm tác phẩm triển lãm lần này bao gồm 15 tranh vẽ minh họa sách của hai họa sĩ và 10 tranh vẽ độc lập theo chủ đề khác nhau của mỗi họa sĩ (mỗi người có năm bức tranh). Các bức tranh dù là tranh lụa, màu nước, sơn dầu, mix media. Dù là tranh minh họa sách hay tranh vẽ thiếu nữ trong bốn mùa xuân hạ thu đông, chàng trai Việt, phong cảnh ao làng, đèn cầy,... của họa sĩ Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp đem đến triển lãm lần này đều đẹp. Đẹp một cách mơ màng và lãng mạn trong một hiện thực huyền ảo giàu chất thơ, đậm chất thiền, đậm chất nghệ thuật. Đem đến cho người thưởng lãm nhiều cảm xúc.

Tranh của hai họa sĩ Hợp- Đồng đặc biệt trong cách pha màu, dùng màu tươi mát làm bật ánh sáng, nét bút mềm mại. Mỗi họa sĩ có tài năng và cá tính riêng nhưng điểm chung của hai vợ chồng Hợp- Đồng đã chuyển tất cả thần thái, tâm sự nhớ quê hương ở bên kia bờ đại dương, sự âu yếm, dịu dàng và tinh tế vào nét bút như một căn cước, một bản sắc riêng của Hợp- Đồng. Đó là một thế giới đã qua, không bao giờ trở lại, vừa là đối tượng được các văn nhân thi sĩ mơ ước, đã được cả hai vẽ lại cuộc sống thơ mộng trước đây qua từng họa phẩm. Vì thế người thưởng lãm khi tìm đến tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp- Nguyễn Đồng, lại thấy vang lên những bâng khuâng, những hồi ức của kỷ niệm.


Những tranh vẽ minh họa sách của hai họa sĩ Nguyễn Đồng- Nguyễn Thị Hợp. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Tâm tình của hai họa sĩ về tranh minh họa

Chia sẻ về việc nhận lời tham gia triển lãm lần này do VASCAM thực hiện, họa sĩ Nguyễn Đồng bày tỏ, “Đây là dịp chúng tôi muốn chia vui với VASCAM và sinh hoạt của họ. Vì trong năm nay, chúng tôi đã tham gia triển lãm tranh hai lần rồi nên muốn lần này đem đến những tranh vẽ minh họa sách là chính. Số tranh minh họa của chúng tôi nhiều quá, nên chỉ chọn một phần mười trong số tranh minh họa đã có, nhưng trãi dài thời gian từ những năm đầu thập niên 1980 khi chúng tôi còn ở bên Đức, cho đến Mỹ. Có những tranh minh họa sách xuất bản ở Đức, ở Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ… Đặc biệt cuốn Đường Xưa Mây Trắng của thầy Thích Nhất Hạnh, hình bìa sách của chúng tôi vẽ được in nhiều ngôn ngữ khác nhau, Anh, Đức, Trung Hoa, Ấn Độ (tiếng Hindi)... Đây là một trong số 40 tranh minh họa chúng tôi đã vẽ cho cuốn sách Đường Xưa Mây Trắng.”

Theo họa sĩ Nguyễn Đông, vợ chồng ông muốn qua cuộc triển lãm này, để nói với mọi người rằng, “Chúng tôi rất đặt nặng đến vẽ minh họa. Chứ không phải họa sĩ chỉ vẽ tranh theo ý mình thôi. Tại vì trong vẽ minh họa, mình có dịp đưa những nét đặc biệt của văn hóa Việt Nam vào. Vì những cuốn sách chúng tôi vẽ minh họa là bằng ngoại ngữ, đây cũng là dịp cho mọi người nhìn thấy hình ảnh quê hương mình. Thành ra chúng tôi có hai niềm vui, được giới thiệu văn hóa Việt đến với người ta, niềm vui thứ hai là đỡ nhớ nhà. Mình được dịp vẽ về lại những hình ảnh Việt Nam.”


Từ trái, tranh lụaChàng Trai Việt(Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vẽ theo một truyện kể trong sách Hương Vị Của Đất của Thầy Nhất Hạnh do Lá Bối – A taste of Earth, Parallax Press xuất bản), Tranh sơn dầu trên vải bố The Home Pond IV của họa sĩ Nguyễn Đồng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Giải thích lý do tranh minh họa sách đa phần đều được cả hai họa sĩ Hợp- Đồng vẽ chung, họa sĩ Nguyễn Thị Hợp nói, “Vì muốn tranh minh họa sách được hoàn hảo hơn, nên chúng tôi luôn có nét vẽ của hai vợ chồng đưa vào tranh. Trước khi vẽ chính thức, chúng tôi vẽ nháp trước, sau đó cả hai trao đổi, bàn bạc xem cần sửa chỗ nào, sau khi thấy ý nào tốt nhất thì bắt đầu vẽ. Cũng có những lúc vẽ gần xong rồi, nhưng chúng tôi phải bỏ đi để vẽ lại hết vì không hài lòng với bản đang vẽ. Khi vẽ minh họa, chúng tôi phải đọc qua thật kỹ quyển sách mình minh họa, phải tìm hiểu và tham khảo nhiều tài liệu. Ví dụ vẽ về người Ấn Độ thì phải tìm xem người Ấn Độ họ sống như thế nào. Vẽ minh họa cần phải chịu khó, mất nhiều thời giờ để tìm hiểu các tài liệu thật chính xác. Khi chúng tôi thực hiện vẽ minh họa, chúng tôi luôn tham khảo nhiều nơi để mình vẽ đúng và đẹp. Nhưng chỉ tham khảo để lấy ý thôi và chuyển qua bút pháp của mình. Khi vẽ minh họa cho sách, nhiều khi còn phải tùy thuộc vào nhà xuất bản và tác giả nữa. Mình dựa theo ý của họ, nhưng vẫn có quyền phê bình những gì họ muốn sửa từ tranh mình vẽ nếu mình thấy không hợp lý. Cái nào đúng thì mình đồng ý. Người họa sĩ thường không bao giờ bằng lòng với những tác phẩm của mình hết, lúc nào chúng tôi cũng muốn có sự mới mẻ hơn, khác hơn khi sáng tạo.”


Từ trái, tranh The Home Poud III, tranh Candle Light, tranh Road with Palm Trees đều của họa sĩ Nguyễn Đồng vẽ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp cũng bày tỏ rằng vợ chồng bà khi được chọn để vẽ minh họa quyển Đường Xưa Mây Trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh do nhà xuất bản Parallas xuất bản. Cả hai đã đọc quyển sách này rất kỹ trước khi vẽ minh họa, “Đọc và thấy mình thấm nhuần tất cả sự sống trong bình thản, nhờ vậy mới vẽ nên được tranh minh họa. Tôi rất thích vẽ quyển Đường Xưa Mây Trắng. Trong sách có 40 hình minh họa tất cả. Sách này có nhiều chương, mỗi chương là một câu chuyện, và được mình vẽ bằng hình ảnh để tóm tắt ý tưởng câu chuyện đó. Hình vẽ minh họa chỉ là đen trắng thôi. Sau đó chúng tôi mới nghĩ ra thử tô màu xem sau. Và trở thành những bức tranh minh họa lộng khung để treo, đem đến triển lãm. Chúng tôi dự định có thì giờ, sẽ chuyển lên tranh những tranh vẽ minh họa mà chúng tôi thích khi vẽ cho các sách từ trước đến nay.”


Tranh Summer của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Những lời khen

Có mặt tại triển lãm, nhà văn Phạm Xuân Đài (Phạm Phú Minh) đã dành những lời khen đến hai họa sĩ Hợp- Đồng, “Đối với họa sĩ Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp tôi quen biết họ lâu rồi và cộng tác chung với nhau cũng rất lâu. Trước kia tôi làm chủ bút và chủ nhiệm của tập san Thế Kỷ 21. Anh Đồng và chị Hợp lãnh trách nhiệm trình bày cuốn báo đó mỗi tháng một số. Tôi nhận thấy trong những tranh vẽ minh họa, đặc biệt là sách của thầy Nhất Hạnh, vì cả hai vợ chồng Hợp Đồng tin tưởng đạo Phật, nên những sách của thầy Nhất Hạnh về thiền, thì hai họa sĩ này nắm vững nội dung sách lắm. Mỗi một tác phẩm có cái thần, ý nghĩa riêng của nó. Nếu họa sĩ nắm được hoàn toàn và có tài năng hội họa thì thể hiện được điều đó. Còn nếu không thì tranh minh họa không có chiều sâu.

“Tôi rất phục hai anh chị trình bày tác phẩm của thầy Nhất Hạnh rất thành công. Tôi đọc Đường Xưa Mây Trắng, tôi yêu mến quyển sách và kính phục tác giả quyển sách đó. Khi nhìn bức tranh làm bìa cho sách, và các tranh trong sách, tôi thấy đây là bức tranh thể hiện tất cả nội dung sách, hợp với lòng của mình, về những gì mình đã hiểu về quyển sách. Nhất là khi thấy hai họa sĩ có tài năng hội họa diễn đạt suy nghĩ của họ.
“Khi vẽ bìa sách có tính chất tư tưởng thì họa sĩ phải hiểu sâu và có tài minh họa cho người ta thấy thế nào là Đường Xưa Mây Trắng. Gần đây hai vợ chồng có vẽ minh họa sách thiếu nhi (sách Vietnamese Childrens Favorite Stories, tác giả Trần Thị Minh Phước, tranh minh họa của Hợp- Đồng), đây là tác phẩm rất giá trị. Con nít nhìn thấy minh họa sách hấp dẫn, rất linh động đối với nội dung, hình ảnh đó rất Đông Phương cho câu chuyện Đông Phương. Làm cho giá trị tác phẩm đó cao lên hẳn.”

Nhà văn Phạm Xuân Đài khẳng định, “Trong cộng đồng chúng ta ở đây, họa sĩ vẽ minh họa cho sách tài tình nhất vẫn là hai vợ chồng Hợp- Đồng càng ngày càng thăng hoa hơn.”
Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng có mặt rất sớm để giúp họa sĩ Hợp- Đồng treo tranh, ở lại đến cuối buổi để tháo tranh xuống khi buổi trình diễn nhạc và triển lãm kết thúc. Anh cho biết, “Hai anh chị Hợp- Đồng rất nổi tiếng trong vẽ tranh minh họa, nhất là vẽ tranh cho sách của thầy Thích Nhất Hạnh, sách của thầy đi khắp thế giới in nhiều ngôn ngữ khác nhau, nên tiếng thơm của tranh minh họa của cả hai được nhiều người biết tới. Vì là họa sĩ chúng tôi biết nhau rõ rồi, nên sự ngạc nhiên khi đến triển lãm này thì không có, nhưng cảm xúc về sự sâu lắng, đằm thắm với triển lãm này thì rất đậm đà. Nhìn lại những tranh của hai anh chị rất Á Đông, trầm tĩnh. Nhìn tưởng là đơn giản, nhưng nó không đơn giản chút nào, mà là sự gạn lọc qua thời gian để ra được những nét trên tranh như vậy. Càng nhìn thì càng thích.”


Từ trái qua phải, tranh The Home Poud III, tranh Candle Light, tranh Road with Palm Trees đều của họa sĩ Nguyễn Đồng vẽ. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng

Ngắm bức tranh lụaChàng Trai Việt(Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vẽ theo một truyện kể trong sách Hương Vị Của Đất của Thầy Nhất Hạnh do Lá Bối – A taste of Earth, Parallax Press xuất biển), và bốn bức tranh màu nước trên vải bố vẽ thiếu nữ trong bốn mùa xuân hạ thu đông của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, người xem dễ thấy lòng lâng lâng với rung cảm nhẹ nhàng, với mơ ước về một cuộc sống thanh bình, yên ả. Đặc biệt là bốn bức tranh xuân hạ thu đông vẽ nàng thiếu nữ trong độ xuân thì tươi mới, nằm nghỉ ngơi, áo yếm mỏng che một phần thân hình, úp mở, đợi chờ. Dường như cỏ hoa, mây, nước cũng muốn tắm chung với nàng, trong màu sắc đặc trưng bất tuyệt cho từng mùa.

Soạn nhạc gia P.Q Phan dành những lời khen tặng tài hoa của hai họa sĩ, “Tranh của anh Đồng, chị Hợp rất đặc biệt. Nét vẽ của anh chị theo trường phái cũ nhưng cũng có một chút trường phái mới. Trường phái cũ, mới của Việt Nam chứ không phải của thế giới.”


Ông Trịnh Lê và soạn nhạc gia P.Q. Phan xem tranh của họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Soạn nhạc gia P.Q Phan đặc biệt bày tỏ niềm thích thú với tranh của họa sĩ Nguyễn Đồng, “Phục nghĩ tranh của anh Đồng, người thường không hiểu mỹ thuật, tưởng anh không biết vẽ, họ nói con nít cũng vẽ được. Nhưng suy nghĩ lại thì bố cục và nội dung trong tranh của anh thì con nít không thể nào làm được cả. Những nét không cần chi tiết, gần với tượng trưng nhiều hơn là vẽ chính xác. Anh Đồng có cách nhìn, lối bố cục rất khác mọi người. Bố cục dồn vào tâm điểm mặt tranh, hay cắt ngang chính giữa mặt phẳng bức tranh theo chiều dọc, cách nhìn của anh đã được tinh lọc và đi tới cùng cực của sự đơn giản. Tranh của anh nhìn vào thấy đó là kỷ niệm. Ví dụ như với Tranh Đèn Cầy, nếu có đủ tiền Phục muốn mua lắm. Nhìn kỹ vào tranh, những nét chìm trong tranh không phải tờ giấy tự nhiên đâu, anh phải vẽ trước và nhiều lớp lên nữa, mới tạo cho tranh như vẽ trên giấy thô. Kỹ thuật vẽ độc đáo, nhìn đơn giản nhưng rất kỳ công. Lúc này anh còn sống bên Đức. Anh vẽ đèn cầy để tưởng nhớ về Việt Nam. Phục nhìn kỹ tranh này, cảm thấy đây là một kỷ niệm của họa sĩ dành cho nước Việt Nam. Đèn cầy là sự hy vọng, chứ không phải đèn cầy là về cái chết của mình. Nếu anh muốn vẽ cây đèn cầy nói về cái chết là anh vẽ màu đỏ rồi.”

Ông Trị Lê là một người xem tranh thì bày tỏ nỗi niềm với người viết và soạn nhạc gia P.Q. Phan, khi ông đứng trước bức tranh The Home Pond III của họa sĩ Nguyễn Đồng. Ông nói, “Tranh Ao Nhà này, tôi muốn đặt tên là Cái Cầu Ao. Gợi lại cho tôi kỷ niệm từ năm 1969 ở Long An. Tôi là một sĩ quan tình báo, tôi có một nhân viên nội tuyến. Nhà anh ta có cái cầu ao và xung quanh là dừa nước, nhà anh cách thị xã Tân An khoảng 1 cây số. Trưa đó chúng tôi hẹn nhau trao đổi tin tức. Sau khi hoàn tất cuộc tiếp xúc rồi là 12 giờ 30 đến 1 giờ anh về nhà, thì tôi nghe tin anh chết. Anh chết ở cầu ao. Vì bị Việt cộng trốn trong đám lá dừa nước xung quanh nhà anh, đã bắn anh chết khi anh ra cầu ao ngay nhà. Anh tên là Huỳnh Văn Quang.”
Nghe xong chia sẻ của ông Trị Lê, soạn nhạc gia P.Q. Phan nói, “Kỷ niệm là quan trọng lắm. Vì ký ức là một phần rất quan trọng của con người. Mỗi tranh trong triển lãm này có một ý nghĩa riêng, kỷ niệm riêng với từng người xem tranh khác nhau.”


Từ trái, Tranh Road with Palm Trees của họa sĩ Nguyễn Đồng. Bốn bức tranh vẽ bốn mùa xuân hạ thu đông của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Hầu như mỗi người sinh ra đều có làng quê của riêng mình, và những hình ảnh về làng quê sẽ gắn bó sâu đậm, trở thành ký ức trân quý, với họa sĩ Nguyễn Đồng cũng không ngoại lệ. Ông tâm sự, “Tôi thích đề tài về Ao Nhà. Thành ra trong triển lãm này có hai tranh Ao Nhà III và Ao Nhà IV của tôi vẽ. Tôi chỉ muốn chuyển đến ý nghĩa Ta Về Ta Tắm Ao Ta. Những bức Ao Nhà này cũng đã vẽ hơi lâu rồi. Khi vẽ, cái chánh là màu sắc và hình ảnh thôi. Cái nhan đề Ao Nhà vì tôi thích, tôi lấy làm nhan đề thôi. Chứ chưa chắc mình chỉ vẽ cái ao. Khi vợ chồng tôi vượt biên, tới Đức ở. Bấy giờ nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại… tôi đều quên hết, và lúc đó tôi nghĩ chắc suốt đời kiếp này không thể về lại Việt Nam được nữa. Việc đầu tiên tôi nghĩ tới là phải vẽ lại Ao Nhà. Tranh của Hợp và của tôi không bao giờ buồn. Mình nghĩ rằng nếu có buồn thì cũng nên ôm lấy đừng có đem cái buồn ấy cho người ta. Quê hương của mình có nhiều vấn đề, nhưng mình chỉ nên nói đến sự thơ mộng của nó thôi.”
Những ai yêu thích tranh của hai vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, có thể gặp lại hai vợ chồng họa sĩ tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào hai ngày 21 và 22 tháng 9, 2019. Triển lãm gồm có tranh của Hoàng Ngọc Biên, họa sĩ Nguyễn Đồng- Nguyễn Thị Hợp và của họa sĩ Nguyễn Quỳnh.
Trong cuộc triển lãm này sẽ ra ra mắt cuốn sách của Nguyễn Quỳnh viết về tranh của 3 người: Hợp, Đồng, Biên. Nguyễn Quỳnh là giáo sư tiến sĩ về triết học và mỹ thuật, ông đã có tranh trong Guggenheim Museum, New York.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT