Khi lên đời một lần nữa vào khoảng 5 năm trước, chúng tôi gọi nhà Mễ hàng xóm đến cho lại. Họ phái mấy anh thanh niên lực lưỡng qua nhà, è cổ ra khiêng cái TV trong… nỗi hân hoan sung sướng (không hiểu bây giờ họ đã liệng đi chưa).
Bài ERIC TRẦN
Với thành tựu của khoa học kỹ thuật ngày nay, thị trường máy vô tuyến truyền hình liên tiếp đưa ra nhiều “mốt” sản phẩm mới, trông vừa lạ mắt hay hay, vừa được quảng cáo là có nhiều cải tiến đáng kể. Đến nỗi một cái TV mua chừng độ 3 năm đã có vẻ như lỗi thời. Cứ chạy theo mốt đương nhiên rất tốn tiền. Nhưng xét về phẩm, “mốt” có hẳn là tốt hơn không? Từ quan điểm của người tiêu thụ, chúng ta phải xét thêm nhiều khía cạnh khác như sự tiện lợi, phẩm chất, giá cả… trước khi có thể đánh giá một cách khách quan và công bằng, nhất là đối với một sản phẩm phổ thông trong mọi gia đình như cái TV.
Sự biến hóa của TV
Không biết TV đã ra đời được bao lâu ở nước Mỹ tiến bộ này, nhưng theo quan sát của một người trong giới tiêu thụ bình dân gốc Việt, tôi nghĩ rằng TV mới chỉ được du nhập vào Việt Nam khoảng 50 năm là nhiều. Tôi còn nhớ, buổi đầu mới làm quen với màn ảnh nhỏ ở Việt Nam, nhiều người không giấu được vẻ bàng hoàng lạ lẫm khi nhìn thấy hình ảnh và âm thanh của những nhân vật “tàng hình.”
Ngay cái tên gọi “Ti-Vi” cũng bị dị ứng, đến nỗi có người đề nghị, “Sao không gọi nó là “Tê-Vê” cho dễ nhớ và có vẻ Việt Nam hơn?” Thời đó, cả xóm tôi (thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định) mới có được một cái TV đen trắng để mỗi cuối tuần mọi người tập trung đến xem cải lương.
Màn ảnh CRT, màn ảnh lồi, lưng “gù,” sau này được cải tiến với màn ảnh phẳng nhưng lưng vẫn gù, trông nặng nề lỉnh kỉnh.
Sau đó ít lâu, thêm một vài gia đình giầu có khác “tậu” được TV vẫn là đen trắng, mà chỉ có những người thân quen mới được cho phép vào xem ké. Khi những trận tranh giải Túc Cầu Thế Giới (World Cup) trở nên phổ biến vào thập niên 80 của thế kỷ trước, dù có là giữa đêm, tôi cũng sẵn lòng đạp xe đến nhà một người học trò để được thưởng thức những pha giành bóng trên màn ảnh màu. Đến lúc bấy giờ, mẹ tôi vẫn còn nói, “Tao không hề mong giầu bởi vì chỉ sợ tụi mày đòi mua…. TV,” có nghĩa dù đã có “máu mặt” tới mức có thể mua được TV thì bà vẫn không ham.
Sang tới Mỹ cách đây gần 30 năm, tôi đã thấy mỗi nhà người di dân gốc Việt đều có một cái TV màn ảnh mầu, nhưng tất cả đều là màn ảnh cong lồi và cái “lưng gù” nhô ra đằng sau, trông lỉnh kỉnh mà lại rất nặng nề, khó khăn khi di chuyển.
Khoảng 20 năm trước, tôi cố gắng “lên đời” với một cái TV màn ảnh phẳng (flat screen), 36 inches, không lớn lao gì so với kích cỡ hiện nay, nhưng không hiểu sao trông nó lại to tát và bề thế đến như vậy giữa gian phòng khách. Dĩ nhiên, vẫn còn cái lưng gù, nên cái TV lớn trở nên nặng nề, vượt ngoài khả năng “gánh vác” của vợ chồng tôi.
Màn ảnh cong được nhà sản xuất quảng cáo là có nhiều lợi điểm hơn nhiều, so với màn ảnh phẳng.
Khi lên đời một lần nữa vào khoảng 5 năm trước, chúng tôi gọi nhà Mễ hàng xóm đến cho lại. Họ phái mấy anh thanh niên lực lưỡng qua nhà, è cổ ra khiêng cái TV trong… nỗi hân hoan sung sướng (không hiểu bây giờ họ đã liệng đi chưa).
Thay TV cũ, tôi phải mua cái mới thay vào. Lần này, TV lớn hơn nhiều, màn ảnh phẳng, 60 inches mà mỏng như … tờ giấy, đến nỗi một mình tôi cũng tha lôi đi khắp gian nhà được. TV lại có thể bắt được các chương trình Internet. Tôi thích chí, mua ngay vài cái để “chưng diện,” một cái phòng khách, một cái phòng ăn, một cái phòng Master Bedroom để bà xã tôi vào Youtube dỗ giấc ngủ.
Sự hãnh diện và nét hả hê chưa tan hết thì TV lại biến dạng. Những lời khen ngợi về lợi ích của màn ảnh phẳng chưa nguôi ngoai thì thị trường đã xuất hiện màn ảnh ... cong. Dĩ nhiên sản phẩm bắt buộc phải thay hình đổi dạng luôn luôn để tạo thị hiếu và kích thích sự tiêu thụ. Nhưng thay đổi kiểu này có vẻ hơi luẩn quẩn chăng? Từ cong sang phẳng, rồi bây giờ lại trở về cong! Công bằng mà nói, cái cong bây giờ khác, nó là cong lõm (curved screen), chứ không phải cong lồi như trước kia.
Nhưng thị trường lại ra đời loại TV mới, màn ảnh cong, trông thanh lịch hơn.
Thực tình tôi chưa muốn đổi cái TV màn ảnh phẳng hiện có, vì nó đã cung cấp cho tôi tất cả những gì tôi cần để giải trí hoặc cập nhật tin tức. Vậy, màn ảnh cong lõm như đang được giới thiệu hiện nay có điều gì ích lợi hơn? Có lý do gì khiến tôi phải bỏ những cái TV màn ảnh phẳng, hình ảnh rõ ràng (HD), có khả năng lên mạng Internet… để đổi lấy những cái TV màn ảnh lõm đắt tiền hơn không?
Là những người muốn tận hưởng ích lợi của khoa học kỹ thuật, nhưng cũng là những người biết tiêu tiền một cách chính đáng, chúng ta cần có câu trả lời xác đáng cho những vấn đề trên.
Cải tiến với những cái TV màn ảnh phẳng, nhẹ và mỏng cung cấp đủ mọi tiện nghi về giải trí và tin tức.
Màn ảnh cong (lõm) là gì?
Màn ảnh cong ra đời từ tháng Tư năm 2014. Sau nhiều thập niên dậm chân tại chỗ với kỹ thuật CRT trong những cái TV lưng gù, tiếp theo là hai thập niên với kỹ thuật Plasma, sau đó là LCD màn ảnh phẳng, và cuối cùng, trong ba năm trở lại đây, giới sản xuất lại hướng sự chú ý của chúng ta tới một kỹ thuật khác xuyên qua màn ảnh cong.
Một số nhà sản xuất, mà chủ yếu là LG và Samsung (cả hai đều xuất phát từ Nam Hàn), tích cực cổ võ màn ảnh cong với đặc tính hi hữu là có thể làm cho khán giả có cảm giác như được hòa mình (more immersive) với các diễn viên trên màn ảnh, hơn là cảm giác của người ngồi coi khách quan như trước nay.
Do bố cục ánh sáng và màn ảnh cong, khán giả ngồi ở góc cạnh nào cũng có thể “tham dự” hết mình với phẩm chất hình ảnh được bảo tồn 100%, không hề thoái hóa. Ngoài ra, cũng qua lời cổ động của nhà sản xuất, màn ảnh cong sử dụng kỹ thuật ánh sáng OLED, và kỹ thuật lọc hình đặc biệt rõ nét 4K Ultra HD.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhà quan sát, những lợi ích đó phần nhiều được phóng đại qua sự cổ động của nhà sản xuất, hầu hướng giới tiêu thụ tới một loại sản phẩm mới đắt tiền hơn. Chúng ta có thể coi đây như một phán quyết chung cuộc mà bỏ qua những lợi ích có thật của sản phẩm mới này hay không? Lần sau chúng ta sẽ có bài phân tích chi tiết.
Erictran216@yahoo.com
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Cảnh báo ứng ụng mua sắm trực tuyến TEMU thật sự nguy hiểm và không an toàn?
Người dẫn chương trình trò chuyện trên đài phát thanh, Kim Komando, đã tìm hiểu kỹ về TEMU và đây là những gì cô ấy tìm thấy!
Đơn vay tiền mua nhà giảm trong tình trạng thất nghiệp gia tăng
Sau sự tăng đột biến đơn mượn nợ nhà chỉ vài tuần trước, các doanh nghiệp cho vay nợ nhà gặp sóng gió tiếp tục vào tuần trước
Fed cắt giảm lãi suất nhằm cứu vãn nền kinh tế
Trong tuần này, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Fed) đã thông báo cắt giảm lãi suất, do lo ngại sự lây lan của coronavirus sẽ gây ảnh ...