Chuyện Việt Nam

Giới tiến sĩ Việt Nam lên nhà đài tranh cải về câu "Lộng giả thành chân"

Tuesday, 25/04/2023 - 09:59:36

Đây là câu thành ngữ Hán Việt. LỘNG có nghĩa là trò đùa; GIẢ có nghĩa là cái điều không có thật; THÀNH là biến thành; CHÂN là sự chân thật

LGTC

Nghệ sĩ hài Xuân Bắc giới thiệu Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga (Cố vấn của “Vua tiếng Việt”) giải thích câu “Lộng giả thành chân” cho khán giả nghe. Tiến sĩ giải thích cặn kẽ như sau:

“Đây là câu thành ngữ Hán Việt. LỘNG có nghĩa là trò đùa; GIẢ có nghĩa là cái điều không có thật; THÀNH là biến thành; CHÂN là sự chân thật”.

Tiếp theo, Tiến sĩ giảng nghĩa cả câu là: “Trong cuộc sống đôi khi có những điều người ta nói đùa thái quá thì đến một lúc nào đấy cái điều tưởng như là đùa ấy nó sẽ biến thành thật. Nó cũng mang một cái hàm ý là trong cuộc sống những điều giả dối cứ tiếp diễn thì dần dần nó cũng biến thành bản chất thật sự của con người đó”.

Tiếc rằng, lời giảng trên không chính xác. Cụ thể, ở đây có một “từ khoá” cực kì quan trọng đã bị bà Tiến sĩ giải thích sai, đó là từ “lộng”.

“Lộng” 弄 trong câu “Lộng giả thành chân” không có nghĩa là “trò đùa”, mà có nghĩa là “biến”, “khiến”, “làm cho” (nghĩa thứ 13 của “lộng” mà “Hán ngữ đại từ điển” giảng là “tố” 做 = làm, khiến cho).

“Lộng giả thành chân” có nghĩa là: Biến giả thành thật; làm cho cái giả thành cái thật (Cũng cần lưu ý thêm, “chân” ở đây là “thật”, không phải là “chân thật” như bà Tiến sĩ giải thích). Và, đây là một âm mưu, thủ đoạn, chứ không có chuyện đùa cợt, hay đùa quá hoá thật gì cả.

-Câu “Lộng giả thành chân” 弄假成真 được “Hán ngữ đại từ điển” giảng 2 nghĩa như sau:

1 .Vốn có nghĩa lấy giả làm thật, sau chỉ việc ban đầu có ý làm giả, kết quả lại hoá thành thật (nguyên văn: 1.本謂以假作真,後謂原意作假結果變成真事.”.
2 .Chỉ việc biến giả thành thật. Tây du kí hồi thứ 95: “Hành Giả túm lấy Công chúa lớn tiếng mắng: “Đồ nghiệt súc! Ngươi lộng giả thành chân, chừng ấy chưa đủ, còn muốn lừa dối cả thầy ta sao!” [nguyên văn: 2.謂變假為真.(西游記)第九五回:“行者揪住公主罵道:‘好孽畜!你在這裏弄假成真,只在此這等受用也盡彀了, 心尚不足, 還要騙我師父’].

-“Từ điển Hán Việt” (Đào Duy Anh) cũng có cách giảng tương tự: “Lộng dả thành chân 弄假成真: làm cho cái hư thành ra cái thực”.

Xin nói thêm về ngữ liệu mà “Hán ngữ đại từ điển” trích từ “Tây du kí”. Sở dĩ Hành Giả mắng Công chúa là “Đồ nghiệt súc! Ngươi lộng giả thành chân chừng ấy chưa đủ…”, là bởi kẻ “nghiệt súc” này vốn là yêu khí, nhưng “biến giả thành thật”, đội lốt Công chúa. Và việc quỷ giả làm người đối với Hành Giả đã là quá đáng lắm rồi, giờ còn muốn lừa dối cả thầy Đường Tăng nữa.

Vì Tiến sĩ Nga hiểu sai nghĩa của chữ “lộng”, nên mới gán cho câu thành ngữ gốc Hán những cái nghĩa theo kiểu suy diễn, phỏng đoán:

“Trong cuộc sống đôi khi có những điều người ta nói đùa thái quá thì đến một lúc nào đấy cái điều tưởng như là đùa ấy nó sẽ biến thành thật. Nó cũng mang một cái hàm ý là trong cuộc sống những điều giả dối cứ tiếp diễn thì dần dần nó cũng biến thành bản chất thật sự của con người đó”.

Thực ra, cũng phải công bằng mà nói, với câu “Lộng giả thành chân” cái sai không chỉ có mình Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga, mà tồn tại trong rất nhiều sách vở, từ điển khác. Tuy nhiên, bằng những lời giải thích trên sóng đài quốc gia, bà đã “góp thêm” vào quá trình dĩ hư truyền hư, truyền bá cái sai một cách rộng rãi hơn nữa[*].

Link chương trình "Vua tiếng Việt" (phút thứ 20): https://www.youtube.com/watch?v=06IjiIlVEZQ

Còn đây là link vở hài kịch trên Thúy Nga Paris By Night cũng mang tên Lộng Giả Thành Chân: 
https://www.youtube.com/watch?v=DjNNofWCyjQ

Một giải thích khác về câu này:

Câu nói "lộng giả thành chân" là một thành ngữ trong tiếng Việt, nó thường được dùng để chỉ những người hay những việc làm giả tạo, không thành thật.

Cụm từ "lộng giả" có nghĩa là giả vờ, làm ra vẻ giả tạo, còn "thành chân" có nghĩa là thành thật, trung thực. Từ đó, cụm từ "lộng giả thành chân" được hiểu là một người hay một việc làm ban đầu có vẻ giả tạo nhưng sau đó lại trở nên chân thật, thành thật, không còn giả vờ nữa.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cụm từ này còn được sử dụng với ý nghĩa mỉa mai, chỉ trích những người hay những việc làm giả tạo, không thành thật.

Chú thích:

Phần giải thích, đính chính cách hiểu câu “Lộng giả thành chân” trong bài này, trích ra từ bản thảo “Viết lúc nông nhàn” (Phê bình khảo cứu - Hoàng Tuấn Công, sắp xuất bản).

Theo Facebook Hoàng Tuấn Công

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT