Phóng Sự

Hội Từ Thiện Hand to Hand, tay nối tay mang hạnh phúc đến cho người nghèo (kỳ 3)

Sunday, 27/01/2019 - 10:19:46

Những đồ đạc, quần áo dù ít có giá trị với người có tiền nhưng với những người đang cần chúng hoặc những người nghèo, vô gia cư, thì lại là những món đồ hữu ích. Họ có thể tìm được nhiều đồ tốt mà giá rất rẻ so với mua đồ còn mới 100%.

Bài BĂNG HUYỀN

Hand to Hand Outlet and Thrift Store

Hand to Hand Outlet and Thrift Store, địa chỉ 14351 Euclid Street, Garden Grove, CA 92843, mở cửa mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối của hội từ thiện Hand To Hand Relief Organization, là nơi bày bán phần lớn là quần áo, giày, dép, ngoài ra còn có những thức ăn hộp, đồ gia dụng, CD, Tivi, bàn ghế nhỏ, v.v.. Là nơi bán đồ giá rẻ, có món đồ chỉ có giá 50 xu, $2, $3, hay $5 cho người ít tiền hoặc tặng không cho người vô gia cư, người không có tiền. Là nơi nhận đồ từ những người có đồ cũ nhưng vẫn còn dùng tốt, không nỡ bỏ đi mà cho thì chẳng biết cho ai. Họ đem đến tặng lại cho Hand to Hand Outlet and Thrift Store. Những đồ đạc, quần áo dù ít có giá trị với người có tiền nhưng với những người đang cần chúng hoặc những người nghèo, vô gia cư, thì lại là những món đồ hữu ích. Họ có thể tìm được nhiều đồ tốt mà giá rất rẻ so với mua đồ còn mới 100%.
 

Chị Triệu Kim Mai là thiện nguyện viên của Hand To Hand và là người phụ trách chính tại tiệm Hand to Hand Outlet and Thrift Store. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tâm tình của thiện nguyện viên tại Thrift Store

Cô Triệu Kim Mai là thiện nguyện viên của Hand To Hand Relief Organization và là người phụ trách chính tại tiệm Hand to Hand Outlet and Thrift Store, miệng lúc nào cũng cười tươi khi thấy có khách bước vào. Chị nói, “Con của tôi trưởng thành rồi, nay tôi muốn làm những gì có thể chia sẻ những đau khổ của những người kém may mắn, từ miếng ăn cho đến quần áo, hay một lời an ủi nào đó cho họ có cuộc sống vui hơn. Hand to hand vì một bàn tay vỗ không kêu, mọi người cùng vỗ tay với mình thì sẽ kêu. Việc từ thiện nếu nhiều người cùng làm thì sẽ giúp được nhiều người hơn. Tôi làm hết mọi việc trong tiệm, từ quét dọn, mở cửa đóng cửa, tiếp khách, thu tiền. Ngoài tôi ra vẫn có thêm vài thiện nguyện viên khác đến giúp, như một anh người Mỹ tên Oscar đến giúp trang trí tiệm, anh Hoàng Giang thì soạn những đồ người ta gửi tặng để sắp xếp, phân loại lại. Những đồ tặng cũ quá thì đem bán tại quầy của Hand to Hand ở chợ trời tại đại học Golden West vào thứ Bảy, Chủ Nhật.”
 

Hand To Hand World Rescue Mission giúp người nghèo khổ tại Việt Nam (Hình www.handtohandrelief.org)

Cô Triệu Kim Mai cho biết ngoài những mạnh thường quân gọi cho Hội (điện thoại (714) 727-8018 hoặc (714) 893-6715) để thiện nguyện viên của Hội đến tận nơi nhận những đồ hiến tặng, còn có những mạnh thường quân đem quần áo, vật dụng, thức ăn đóng hộp đến tặng ngay tại tiệm Hand to Hand Outlet and Thrift Store. Đôi khi có những mạnh thường quân có tấm lòng còn ký check tặng cho Hội để Hội thực hiện mấy chương trình từ thiện mà Hội đang thực hiện.
 

Quang cảnh của tiệm Hand To Hand (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Quang cảnh của tiệm Hand To Hand (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nói về những buồn vui của công việc, cô Mai chia sẻ, “Có những người vô gia cư bệnh tâm thần, họ đi vào tiệm, lấy quần áo xong rời đi, nói họ là vô gia cư, nên họ không phải trả tiền. Có khi họ còn chửi mình nữa. Gặp những người vậy, tôi luôn mời họ hãy giúp cho tiệm một tay, ví dụ như phụ bưng những thùng đựng đồ của mạnh thường quân gửi tặng đem vào tiệm, phụ xếp các đồ dùng lại với nhau theo từng khu vực trong tiệm. Tôi nói với họ sau khi giúp xong, họ muốn quần áo nào, thức ăn đóng hộp nào thì chúng tôi sẵn sàng tặng họ. Mình mời họ giúp mình là vì muốn tập cho họ phải biết lao động. Cũng có người hợp tác, có người thì không. Nhiều khi có người vô gia cư vào đi toilet, xả rác trong toilet, mình phải dọn dẹp và cũng không thể từ chối không cho họ vào lần sau. Tôi nghĩ, để làm thiện nguyện viên, bản thân mình cần phải nhẫn nại. Nhiều khi về lại nhà, mình phải cầu nguyện, nếu Chúa không ban cho mình sức mạnh, kiên nhẫn thì chắc mình cũng điên giống họ quá.”

Anh Hoàng Giang, là thiện nguyện viên, giúp việc không lương tại Hand to Hand Outlet and Thrift Store. Anh cho biết anh mới qua định cư tại Mỹ được vài tháng, hiện đang đi học để trở thành thợ tóc, nên thời gian rảnh không đi học trong ngày, thì ra đây giúp soạn đồ các nhà hảo tâm gửi đến, rồi sắp xếp đồ lại cho gọn gàng, mỹ thuật và giúp khách tìm những món đồ mà khách muốn.

Anh Hoàng Giang nói, “Khi tôi đi cùng các thành viên và thiện nguyện viên của Hand to Hand đến nơi ở của người vô gia cư tại Courtyard Homeless Shelter, thành phố Santa Ana để phát thức ăn cho họ, tôi có rất nhiều cảm xúc. Tôi tự hỏi, tại sao một nước văn minh như thế này mà vẫn có những người vô gia cư. Qua đây rồi tôi mới hiểu, xã hội nào cũng có nhiều cung bậc. Khi tôi hỏi thăm thì biết rằng ở nước Mỹ này, người ta rất dễ trở thành người vô gia cư, làm ăn có thể bị phá sản, có người bị sa vào cạm bẫy của xã hội, nghiện hút, cờ bạc để rồi trắng tay. Tôi có đến để phát cơm cùng với các anh chị của Hand to Hand, tôi thấy có nhiều người vô gia cư từng là những người trí thức, khiến tôi rất xúc động, thấy rằng tại sao họ phải sống như vậy.”

Anh Hoàng Giang kể, “Tôi từng làm thiện nguyện viên cho những nơi từ thiện tại Việt Nam, vì tôi từng là thuyền nhân ở đảo Galang 8 năm. Trong thời gian ở đảo, tôi từng làm thiện nguyện viên, vì tôi giỏi tiếng Indonesia, nên tôi làm thông dịch cho Liên Hiệp Quốc giúp cho người Việt tại đảo. Khi bị cưỡng bức hồi hương, tôi buộc phải về lại Việt Nam cuối năm 1996. Về Việt Nam tôi may mắn còn gia đình làm nơi nương tựa, vì vậy tôi làm thiện nguyện viên giúp những người khi trở lại Việt Nam thích nghi lại cuộc sống. Chính từ lần đi cùng với Hand to Hand đến tặng thức ăn cho người vô gia cư tại Courtyard Homeless Shelter, tôi rất xúc động và đây cũng là động lực giúp tôi quyết định gắn bó với Hand to Hand dài lâu. Tại Hand to Hand Outlet and Thrift Store ngoài việc giúp người nghèo và người vô gia cư những đồ dùng, quần áo, giày dép… còn là nơi để những người có tiền đến giúp Hội có thêm chút tiền mua thực phẩm tặng người vô gia cư mỗi tuần.”


Anh Hoàng Giang là thiện nguyện viên làm việc tại tiệm Hand to Hand Outlet and Thrift Store. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bà Trúc Minh đến với Hội từ năm 2013 khi Hội mới lập ra. Bà chia sẻ, “Hồi đầu tôi làm thiện nguyện tại tiệm, giúp soạn đồ của các mạnh thường quân tặng, đồ còn tốt thì treo lên bán, còn đồ nào không tốt thì mang về giặt, ủi để nhìn mới hơn, rồi mới treo lên để bán. Lúc đó tôi ra tiệm mỗi ngày, nhưng tôi không đứng bán, mà chỉ phụ soạn đồ và treo lên, sắp xếp trong tiệm.

“Nhiều người thích đến đây mua đồ vì vừa rẻ, còn xài tốt, có nhiều đồ rất đẹp, ở đây chỉ có một không có hai, vì đều là đồ tặng của nhiều mạnh thường quân khác nhau. Thời gian gần đây tôi không có mặt tại tiệm nữa, mà tôi nhận đi gom quần áo vẫn còn mới, còn tốt của những người quen gửi tặng cho Hội, đem đến tiệm.

“Tôi có quảng cáo trong chương trình talk show Thi Ca Hải Ngoại của tôi và Hồng Mai phụ trách trên đài VNA 57.3 (2 giờ 30 thứ Sáu dài 45 phút), để cho mọi người biết đến tiệm Hand to Hand Outlet and Thrift Store đến mua đồ, vừa rẻ, vừa đẹp vừa tốt, mà tiền mua của quý vị giúp lại cho những chương trình từ thiện của Hội. Chương trình Thi Ca Hải Ngoại đã có 7 năm nay trên đài này rồi. Thực hiện chương trình này vì tôi luôn mong muốn bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam, đất lề quê thói, để duy trì lễ nghĩa, trí tín của người Việt thờ cha kính mẹ, biết chào hỏi, lễ phép.



Quang cảnh của tiệm Hand To Hand (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Lâu lâu tôi có đi theo các thành viên và thiện nguyện viên của Hội, đến tặng thức ăn cho người vô gia cư tại Shelter. Nay tôi đã ngoài 70 tuổi, còn sức khỏe thì tôi vẫn còn tiếp tục làm những việc có ích như bảo tồn văn hóa người Việt tại hải ngoại và giúp Hội từ thiện như Hội Hand to Hand. Nhờ vậy tôi thấy vui, mình vui thì cũng thấy khỏe hơn.”

Cô Thanh Hương Nguyễn, là người đứng ra đại diện trên giấy tờ pháp lý của Hội Hand To Hand cho biết, “Tôi nghĩ cái gì mình có dư là người ta thiếu. Tôi không dám dùng từ cho đi, bố thí, mà chỉ dám nói rằng chúng tôi trả lại những gì chúng tôi có hơn, bởi vì người ta thiếu. Vì thượng đế là tạo hóa vũ trụ này, cho mọi người, nhưng lý do nào đó mình giỏi hơn người ta, hay may mắn hơn người ta, thì cái gì mình hơn về kiến thức, về tiền bạc… thì mình dùng nó để phục vụ cho những người thiếu những cái đó.

“Nếu mình không có gì để cho thì chỉ cần gặp người khác nở nụ cười với họ là đủ rồi. Còn những người tâm thần, những người vô gia cư chính là những người để mình có cơ hội tạo phúc đức cho chính mình bằng cách phục vụ cho họ. Những người đó là những người ơn của mình. Không có những người đó thì làm sao mình có cơ hội làm việc phúc đức, làm từ thiện. Vì vậy chúng tôi thương yêu họ lắm. Nhờ có họ, chúng tôi mới làm việc bác ái được.


Bà Trúc Minh, thiện nguyện viên của Hand To Hand. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Nhiều khi họ làm phiền mình, họ chửi bới mình, nhưng nếu mình có lòng yêu thương thì mình không phiền muộn gì họ cả, vì mình biết họ có bệnh. Tôi tin có một ông Trời, và mọi người đều là anh em yêu thương nhau. Yêu thương bằng cách ai có cái gì, cho người thiếu cái đó. Chỉ có sự từ thiện cho đi, hạnh phúc đó không bao giờ mất, mà luôn tràn trề. Còn khi mình chỉ nghĩ cho mình không, thì nó rất giới hạn.”


Quang cảnh của tiệm Hand To Hand (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cô Thanh Hương cho biết, ngoài Hand To Hand Relief Organization chủ yếu giúp những chương trình từ thiện tại Mỹ, Hội còn có Hand To Hand World Rescue Mission, chuyên giúp những chương trình từ thiện tại Việt Nam. Có nhiều mạnh thường quân tại Mỹ khi tìm đến Hội để gửi tặng check hay tiền, Hội luôn hỏi họ muốn đóng góp cho chương trình từ thiện nào. Có người không thích giúp Việt Nam, chỉ muốn giúp chương trình từ thiện tại Mỹ. Hoặc có người chỉ muốn giúp những chương trình từ thiện tại Việt Nam.


Quang cảnh của tiệm Hand To Hand (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cô Thanh Hương nói, “Ngoài những đóng góp từ các mạnh thường quân ở Mỹ, ngay tại Việt Nam, chúng tôi có cơ sở làm xe lăn điện và cơ sở may đồ gia công dành cho người khuyết tật đến làm để được nhận lương, ngay ở tỉnh Thái Bình và Ninh Bình (phía Bắc Việt Nam) do những mạnh thường quân và thiện nguyện viên tại Việt Nam đóng góp. Tại Việt Nam, những chương trình từ thiện của Hội giúp người nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, vì đây là những người cần sự giúp đỡ, không được chính quyền chăm lo như tại Mỹ. Còn tại Mỹ thì chúng tôi tìm giúp người vô gia cư, vì họ nhận được trợ giúp từ chính phủ rất ít.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT