Mẹo Vặt

Lời chào giữa những người trong gia đình

Thursday, 11/01/2018 - 11:07:59

Tiêu chuẩn của việc chào hỏi là: Ai bé hơn, vai vế thấp hơn thì phải cất lời chào trước, rồi sau đó, người “bề trên” mới chào lại. Văn hóa chung qui định như thế, và sự thường cũng xảy ra như thế, nhưng những “bất thường” xảy ra cũng không phải là hiếm.

Bài VŨ HẰNG

Ông bà mình có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chào hỏi mỗi khi chúng ta gặp nhau. Mâm cỗ là chỉ cơ hội được ăn, mà ăn giữ hàng đầu trong “tứ khoái.” Ấy vậy mà lời chào còn được đánh giá cao hơn miếng ăn nữa, thì đủ biết chào hỏi nhau cần thiết đến chừng nào. Khi nói như vậy, chúng ta thường nghĩ tới việc chào hỏi lúc gặp nhau ngoài đường, trong một buổi hội họp, trong sở làm... nói chung là trong các sinh hoạt xã hội, ít ai nghĩ tới việc chào hỏi trong gia đình, giữa những người thân yêu, gần gũi như cha mẹ, vợ chồng, con cái, hoặc giữa anh chị em ruột…..


Lời chào cao hơn mâm cỗ

Tiêu chuẩn của việc chào hỏi là: Ai bé hơn, vai vế thấp hơn thì phải cất lời chào trước, rồi sau đó, người “bề trên” mới chào lại. Văn hóa chung qui định như thế, và sự thường cũng xảy ra như thế, nhưng những “bất thường” xảy ra cũng không phải là hiếm.

Hằng xin kể các bạn nghe một chuyện “vạch áo cho người xem lưng”: Số là bà ngoại em hiếm hoi, chỉ có được hai người con, mẹ của Hằng và người em trai mà bọn này gọi là “cậu.” Đương nhiên, hồi nhỏ cậu được gia đình ngoại cưng lắm, vì là con “một” mà. Mẹ cũng con “một” nhưng là gái nên chẳng có kí lô nào. (Văn hóa ngày xưa bất công với phái đẹp quá, phải không bạn?). Thậm chí lớn lên, có vợ con, ở riêng rồi, cậu vẫn còn được cưng. Bởi thế nên có lần cậu phàn nàn, “Chị Hằng (mẹ của em tên Hằng, sau này sinh con gái đều gọi là Hằng cả, chỉ khác tên đệm thôi) gặp tôi ngoài đường mà chẳng chào một tiếng.” Mẹ Hằng đốp ngay với nụ cười hóm hỉnh: “Sao gặp tôi cậu không chào trước?”

Đây là câu chuyện thực của nhà em, nhưng nếu bạn thấy quen quen thì rất có thể nó cũng đã xảy ra một lúc nào đó trong nhà bạn rồi. Bởi vì, câu chuyện đơn sơ này có thể phản ánh hai điểm chung trong tâm lý con người:


Đừng quên chào ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình

- Thứ nhất, mặc dầu theo văn hóa thì người bé phải chào người lớn, nhưng dù không chào người khác, chúng ta vẫn cứ luôn chờ đợi, gần như thèm khát, được người khác chào hỏi mình.
- Thứ hai, chào hỏi người ngoài thì dễ dàng hơn anh chị em trong gia đình chào nhau.
Về điểm thứ nhất, ít người dám thừa nhận công khai rằng mình rất mong được người khác chú ý và tôn trọng, nhưng các thầy cô trong ngành tâm lý quả quyết rằng đó là một sự mong ước bình thường trong mỗi con người, mà chỉ những người sống biệt lập với thế gian, “những người không giống ai” mới không có. Thậm chí, nó còn là một nhu cầu, sự khao khát âm ỉ nhưng cháy bỏng trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Người nào đáp ứng sự khát khao ấy thì chúng ta sẽ quí mến họ, dễ dàng cho rằng họ là người “rất dễ thương” bất kể những điều bất toàn, khó thương khác của người ấy.


Chào nhau có nhiều hình thức

Về điểm thứ hai, chuyện chào hỏi giữa những người thân trong cùng một gia đình xem ra khó khăn hơn đối với người ngoài. Thực ra, nói như vậy không đúng lắm. Người trong nhà gặp nhau có thể không chào hỏi nhau, nhưng có nhiều cách khác để bày tỏ sự nhận biết. Thí dụ: Vô tình gặp cô em gái trong shopping mall, có thể bạn chỉ nói: “Ủa, mày cũng đi hả?” Hoặc, “Lại gặp mày nữa.” Đó cũng là cách chào hỏi rồi, nhưng nói chung, gặp lại nhau bên ngoài nhà, chúng ta thường ngượng ngùng, mất tự nhiên, và không được vồn vã như với người khác. Mà không phải chỉ câu chào, Hằng còn thấy rằng người trong nhà rất khó nói với nhau câu “cám ơn” hoặc “xin lỗi.” Hãy thành thật với chính mình nhé: Bạn có thể đếm được bao nhiêu lần nói “cám ơn,” hoặc “xin lỗi” với cha mẹ của mình không? Chắc được, bởi vì không quá... mười đầu ngón tay, phải không? Lạ thật, nói “xin lỗi, cám ơn” người ngoài thì dễ mà sao đối với người thân của mình lại ngượng ngùng, khó khăn quá!

Người Việt mình còn có những cách cư xử rất kỳ thị... nhắm vào người thân. Chẳng hạn, tiếng Việt cho phép chúng ta biểu lộ sự lễ phép và dễ thương chỉ bằng một lời nói... ngay cả với những người lạ, có khi chỉ gặp một lần. Chúng ta thường ngọt ngào xưng “con” với người lạ đáng tuổi “chú, bác, cô, dì” của mình, nhưng sẽ đổi ngay thành “cháu” khi xưng hô với chú bác, cô dì ruột. Bạn có thể nghe những câu nói sau đây từ miệng của cùng một người:

- Với người lạ gặp ngoài đường, đương sự sẽ ngọt ngào... như mía lùi: “Chú cần gì để con giúp,” hoặc là: “Bác có thể chỉ con đường ra shopping mall lối nào không?”

- Nhưng sẽ thay đổi ngay khi nói chuyện với chú bác ruột của mình: “Thôi để mai cháu gọi lại cho chú nhé!”, hoặc “Vậy cháu đi trước, rồi bác ra sau!”

Tiếng Việt quả là tuyệt vời. Sự khác biệt giữa tiếng xưng hô “Con” và “Cháu” là sự khác biệt tế nhị nhưng ngọt ngào mà chắc chỉ có tiếng Việt mới cho phép chúng ta diễn đạt hoặc cảm nhận. Nhưng cũng chỉ có người Việt mới có sự phân biệt vô tình và đầy kỳ thị với... người nhà như thế.

Vì sao? Có thể vì thân nhau quá, thương nhau quá nên chúng ta nghĩ rằng không cần phải ngọt ngào lịch sự? Những lời “chào hỏi,” “cám ơn” “xin lỗi”... vì thế trở thành bày đặt, khách sáo chăng?

Nếu đã từng nghĩ như thế, hoặc chỉ đơn thuần khó mở miệng ngọt ngào với người thân, xin bạn hãy nghĩ tới cái ước muốn âm thầm vốn có trong lòng mỗi người: Nó vẫn có trong lòng cha mẹ, anh chị em, chú bác cô dì ruột của chúng ta. Một câu chào hỏi, lời xin lỗi, cám ơn, những tiếng xưng hô ngọt ngào... vốn cần thiết với người ngoài thì lại càng cần hơn đối với những người thân yêu, gần gũi của chúng ta.
Năm mới dương lịch đã qua rồi, nhưng người Việt chúng ta đang chuẩn bị bước vào một lễ hội lớn: Tết Nguyên Đán. Dịp này chúng ta sẽ gặp lại được rất nhiều người thân sơ, xin đừng quên rộng rãi tặng cho nhau món quà quí giá, món quà “cao hơn mâm cỗ” đó nha các bạn! Quan trọng là nhớ đừng kỳ thị... người nhà!
Vuhang231@yahoo.com



Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT