Hoa Kỳ

Một cựu tổng thống của Sierra Leone sắp ra tòa

Thursday, 19/08/2010 - 07:04:00

Góc phải, Johnny Paul Koroma, hình chụp năm 2001 (ảnh: sierra-leone.org) – Bên trái, đãi kim cương ở Sierra Leone và một viên kim cương nhỏ được tìm thấy (ảnh: ...

Hoài Mỹ/Viễn Đông

w-4cot-sierraleone.jpg

Quang cảnh tòa án quốc tế ICC ở Haag năm 2008 (ảnh: Eskinder Debebe/UN)



Góc phải, Johnny Paul Koroma, hình chụp năm 2001 (ảnh: sierra-leone.org) – Bên trái, đãi kim cương ở Sierra Leone và một viên kim cương nhỏ được tìm thấy (ảnh: USAID) – Trẻ em mồ côi và vô gia cư ăn xin ở một bến phà ở Lungi, Sierra Leone (ảnh: Eric Kanalstein/UN) – trình bày minh họa: Loan Loan/Viễn Đông.

HAAG – Hôm qua, thứ Năm, ngày 18-8, chính phủ Na Uy tiết lộ việc tòa án đặc biệt xét xử tội phạm chiến tranh của Liên Hiệp Quốc đặt ở thành phố Haag, Hòa Lan, đã chính thức yêu cầu Na Uy trợ giúp việc truy nã pháp lý cựu tổng thống Johnny Paul Koroma của xứ Phi Châu Sierra Leone.

Phạm nhân Koroma đã “biệt tăm biệt tích” từ năm 2003. Nay có thể là trách nhiệm của Na Uy lo sao để cựu tổng thống này của Sierra Leone bị kết án về các tội phạm chiến tranh của bị can.
Johnny Paul Koroma là một trong những đồng minh của đương kim bị cáo tội phạm chiến tranh Charles Taylor trong thời nội chiến ở Sierra Leone. Tuy nhiên vì tòa án đặc biệt của LHQ đang đi dần tới giai đoạn kết thúc một vụ xét xử nên tòa cần đến sự giúp đỡ của một quốc gia khác trong việc truy nã hình sự Johnny Paul Koroma sau khi đương sự bị thộp cổ.
Và bởi thế tòa án đặc biệt này từ khoảng đầu năm nay đã thỉnh ý chính phủ Na Uy về việc cộng tác kể trên. Chính phủ liên hệ hiện đang làm con số phí tổn sẽ là bao nhiêu nếu Na Uy nhận lãnh trách nhiệm của vụ án này, và phải quyết định việc phúc đáp chậm nhất là trong vòng tháng 9 tới đây. Theo thông tấn xã NTB, một trong những vấn đề quan yếu là khoản sở phí này phải chính xác - và ngân khoản này sẽ được lấy từ đâu.

* Các tin đồn vung vít như... hoa nở

Johnny Paul Koroma (50) đã lãnh đạo các vụ tàn sát tập thể thường dân, hủy hoại thân thể nạn nhân, hãm hiếp tập thể và cưỡng bách tuyển mộ lính nhi đồng trong suốt cuộc nội chiến đẫm máu ở Sierra Leone. Tuy nhiên ngay trước ngày tập đoàn quân phiệt khét tiếng này bị truy tố trước tòa án quốc tế vào năm 2003, Koroma đã đào thoát khỏi đất nước.
Sự “biến mất” của Koroma là một hiện tượng huyền bí: Một số nhân chứng quả quyết là đương sự đã bị giết, trong khi phần đông tạp chí lại báo cáo là đương sự đã bị nhận ra ở nhiều nơi vừa tại Phi Châu lẫn tại Âu Châu trong mấy năm vừa qua. Các tin đồn ấy không khác gì những đám hoa dại nở rộ về những gì đã diễn ra nơi bạo chúa này. Tuy nhiên sự khả thể lớn lao hơn cả là Johnny Paul Koroma vẫn sống ẩn dật để tránh một án phạt tù lâu dài - và lãnh tụ đám quân phiệt này tiếp tục bị truy nã qua tổ chức cảnh sát quốc tế, Interpol.

* Vài nét về Sierra Leone

Sierra Leone nằm về phía Tây của lục địa Phi Châu; Bắc giáp nước Guinea. Đông-Nam giáp Liberia. Với diện tích 71.740 cây số vuông, Sierra Leone hiện có trên 5 triệu dân số. Thủ đô: Freetown. Tôn giáo: Hồi giáo (60%), Thiên Chúa giáo (10%) và các tín ngưỡng khác (30%). Ngôn ngữ chính: Anh ngữ.
Sierra Leone là thuộc địa của Anh trong suốt thập niên 1800, được chính thức độc lập từ 1961. Nông nghiệp giữ vai trò quan trọng ở đất nước này, nhưng Serra Leone hàng năm vẫn xuất cảng 84% các loại đá quí.
Mặc dù có nhiều mỏ kim cương, nhưng Sierra Leone vẫn là một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Nguyên nhân: Chiến tranh triền miên và tham nhũng khủng khiếp. Chỉ sau ít năm bình yên thì diễn ra một “chuỗi” những vụ đảo chánh quân sự để rồi trong thập niên 1990 tình trạng đã phát triển thành cuộc nội chiến trường kỳ đẫm máu.
Các lực lượng loạn quân hợp tác với những “đồng nghiệp” ở đất nước lân bang Liberia. Con số tử vong được ước lượng là 120.000.
Các nhóm loạn quân đã lạm dụng những nguồn tài nguyên kim cương để tài trợ cho cuộc nội chiến tàn khốc này. Bởi lý do này mới có danh từ “kim cương máu” (blood diamond).
Vào cuối tháng Giêng năm 2002, một hòa ước đã được chính thức ký kết giữa các phe lâm chiến ở Sierra Leone, nhưng vẫn không tạo nên được một nền hòa bình thật sự.

* Vài nét về tội phạm chiến tranh Johnny Paul Koroma

Chào đời ngày 09-05-1960, Koroma tốt nghiệp Sandhurst Military Academy ở “mẫu quốc”Anh, leo lên tới chức Trung Tá trong quân đội Sierra Leone.
Đương sự bị cầm tù do âm mưu đảo chánh năm 1996, sau đó được “giải phóng” nhờ một vụ đảo chánh quân sự khác rồi tự phong làm tổng thống của đất nước này vào năm 1997. Koroma lãnh đạo Armed Forces Revolutionary Council; tổ chức này sau được sáp nhập với mặt trận Revolutionary United Front (RUF).
Koroma bị mất quyền lực trong cuộc xung đột với các lực lượng của Nigeria đồn trú trên lãnh thổ Sierra Leone. Tiếp theo, đương sự lại “đứng mũi chịu sào” một cuộc nổi loạn để rồi sau cùng chấm dứt bằng một hòa ước năm 1999.
Johnny Paul Koroma đã biến mất trong những hoàn cảnh có vẻ huyền bí trong năm 2003, ngay trước khi đương sự bị cáo buộc về những tội phạm chiến tranh.
Hiện Koroma ở đâu, còn sống hay đã chết? Vẫn không có câu trả lời dứt khoát.

* Vài nét về tòa án quốc tế

Tòa án quốc tế (tiếng Anh: “International Court of Justice, ICJ) được thành lập năn 1945. Đây là pháp đình của Liên Hiệp Quốc, được đặt ở Haag, Hòa Lan.
Tòa án quốc tế này là cơ quan pháp lý tối cao của LHQ và có trách nhiệm lo toan cho các đạo luật quốc tế được tuân thủ. Chỉ có quốc gia mà thôi (không cá nhân hay đoàn thể) mới có thể đưa một vụ xét xử ra trước tòa án LHQ. Nếu một quốc gia không muốn dự phần thì toà án  này không thể ép buộc, nhưng nếu một quốc gia tham dự thì ngay khởi điểm đã có bổn phận tôn trọng các quyết định của tòa án này.
Tòa án quốc tế có cả thảy 15 thẩm phán, do Đại Hội Đồng và Hội Đồng Bảo An của LHQ tuyển chọn với nhiệm kỳ 9 năm. Thời gian phục vụ của các vị chánh án này luôn luôn kết thúc vào ngày 5 tháng 4 của năm liên hệ.
15 chánh án hiện thời của tòa án quốc tế xuất xứ từ các các quốc gia sau đây: Nhật, Slovakia, Trung Hoa, Sierra Leone, Jordan, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Tân Tây Lan, Mễ Tây Cơ, Marocco, Nga, Ba Tây, Somalia và Anh.

* Bản cáo buộc của tòa án quốc tế

Nói tổng quát, Johnny Paul Koroma và Charles Taylor là đồng minh thân thiết nhất của nhau - và Koroma cùng với đám quân phiệt đã nắm trọn quyền kiểm soát các mỏ kim cương trong nước Sierra Leone, và đã dùng những “kim cương máu” này để “đền đáp” những sự giúp đỡ về quân sự.
Như trong phần “tiểu sử” của Johnny Paul Koroma đã kể, đương sự đã chiếm đoạt quyền lực ở Sierra Leone qua một vụ đảo chánh năm 1997. Sau đó gần một năm, viên trung tá này đã tự đề cử mình làm nguyên thủ quốc gia của một đất nước mà dân chúng đã triền miên ngụp lặn trong những nỗi khốn cùng lớn lao.
Bản truy tố của tòa án LHQ ghi rằng Johnny Paul Koroma chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công, giết hại thường dân, giết hại những nhân viên thiện nguyện và các lực lượng bảo vệ hòa bình. Theo lời cáo buộc Koroma: “Các nạn nhân này thông thường đã bị bắn, phân thây cho tới chết hoặc bị đốt cháy”.
Koroma đã khủng bố thường xuyên dân chúng và trừng phạt rất nặng nề những người nào tỏ ra không ủng hộ cuộc chiến của đương sự nhằm tóm quyền kiểm soát tất cả nguồn lợi khổng lồ kim cương của đất nước. Liên lạc viên báo chí Peter C. Andersen tại tòa án LHQ hôm qua đã xác quyết trước các ký giả: “Mặc dù có những điềm chỉ là ông ta đã chết, nhưng không có bằng chứng, thi thể chưa bao giờ được tìm thấy, thì việc truy tố đương sự vẫn còn đấy”. Viên chức này nhấn mạnh: “Rất quan trọng trong việc đưa Koroma ra trước vành móng ngựa với cùng nguyên nhân vốn cũng rất quan trọng đưa tất cả những người bị truy tố trước công lý về các tội phạm chiến tranh”.
Sau nữa, ông Peter C. Andersen cho biết nếu Na Uy đồng ý tiếp nhận vụ án hình sự này thì trước hết việc ấy cần phải được tòa án LHQ công nhận.

* Tòa án quốc tế đang xét xử Charles Taylor

Như trên đã kể, tòa án đang “bận” xét xử cáo phạm chiến tranh Charles Taylor 65), cựu lãnh tụ loạn quân và là cựu tổng thống của Liberia.
Charles Taylor (Liberia) và Johnny Paul Koroma (Sierra Leone) đã là đồng nghiệp, đồng minh, đồng vị và đồng chí của nhau. Taylor bị truy tố về các tội phạm chiến tranh, những vụ vi phạm nhân quyền, chống nhân loại. Ngoài ra đương sự còn cung cấp vũ khí cho mặt trận Revolutionary United Forces Front (RUF) bằng kế hoạch sử dụng kim-cương-máu để đổi lấy súng đạn.
Theo hai nhật báo The Times và Guardian, năm 1997 Charles Taylor ra tranh cử với khẩu hiệu lạ lùng sau đây: “Ông ta đã giết mẹ tôi; ông ta đã giết cha tôi, nhưng tôi vẫn bỏ phiếu cho ông ta”. Kết quả, Taylor đã thắng cử với 75 phần trăm của tổng số phiếu là “nhờ” dân chúng sợ hãi những trận đánh mới khốc liệt hơn nữa nếu Taylor thất cử.
RUF của Charles Taylor “nổi tiếng” về những hành động dã man như chặt cánh tay, bàn tay của các nạn nhân, thiêu hủy tất cả làng mạc, bắt buộc những đứa trẻ giết cha mẹ mình, hãm hiếp tập thể phụ nữ và các bé gái.
Nhật báo Anh The Times đã phác họa con đường sự nghiệp của Charle Taylor; theo đó đương sự khởi sự học hành ở Massachusetts vào thập niên 1970, sau đó sang Hoa Kỳ theo môn kinh tế học. Trong thời gian ở Hoa Kỳ, Taylor đã chịu cảm hứng từ tư tưởng Mác-xít rồi trở thành kẻ chống đối ảnh hưởng của Tây phương ở Phi Châu.
Từ Hoa Kỳ hồi hương, Taylor trở thành cộng sự viên thân cận nhất của Samuel Doe, tổng thống đương thời của Liberia. Năm 1983, Taylor phải bỏ trốn khỏi nước vì bị cáo buộc biển thủ ngân quỹ quốc gia. Tám năm sau, Taylor bị bắt nhưng lại trốn thoát. Nhật báo The Times viết có những lời đồn là CIA đã đứng sau vụ đào tẩu thành công ấy.
Taylor sau đó xuất hiện ở trại huấn luyện ở Libya vốn được Muammar al-Gaddafi đỡ đầu - nhưng ít lâu sau, đương sự lại di chuyển sang xứ Bờ Biển Ngà, nơi đây ông ta thành lập một đạo binh riêng của mình, National Patriotic Front of Liberia (NPFL). Năm 1989, Taylor gây cuộc nội chiến với “chủ” cũ của mình, Samuel Doe ở Liberia. Sau hết, năm 1997, Taylor đắc cử tổng thống. Một hòa ước được các phe phái đồng ký năm 1999, nhưng tình hình bất ổn tiếp tục xẩy ra thường xuyên.
Cho dù Taylor lên nắm quyền theo phương cách hợp pháp, nhưng 7 năm trên ghế tổng thống của đương sự chỉ ghi bằng tệ nạn tham nhũng và những cuộc xung đột đẫm máu. Bạo chúa này đã phân phát những tài nguyên thiên nhiên như kim cương của đất nước cho bạn bè và những người nổi tiếng (chẳng hạn siêu người mẫu Anh Naomi Campbell). Theo bản cáo trạng, đương sự đã bán vũ khí cho RUF và “ông bạn” Foday Sankoh, bạo chúa và là lãnh tụ của đám loạn quân Revolutionary United Front (RUF) ở Sierra Leone.
Theo thông tấn xã NTB, các công tố viên ở tòa án quốc tế sẽ chứng minh các tội phạm của Charles Taylor bằng việc dựa vào tập hồn sơ dày 32.000 trang với các bằng chứng cụ thể và những lời khai với tính cách nhân chứng của 139 nạn nhân chiến tranh.
Nhật báo điện tử Đan Mạch Politiken.dk viết là Charles Taylor hiện có tới 5 (năm) tỉ Mỹ kim “giấu” trong các trương mục khác nhau ở Hoa Kỳ. Công tố viện trưởng của tòa án quốc tế, Stephen Rapp đã xác nhận với đài BBC: “Chúng tôi đã có những bằng chứng là Charles Taylor đã có hàng trăm triệu Mỹ kim bất hợp pháp”. Theo nguồn tin từ tòa án quốc tế, hiện các số tiền ấy đã “gần được tìm ra ở Hoa Kỳ”.
Tới đây mạn phép trở lại việc Na Uy được tòa án quốc tế đề nghị tiếp nhận vụ án xét xử tội phạm chiến tranh Johnny Paul Koroma.

* Đã một lần Na Uy bị tuyên bố “no”

Năm 2006, chính quyền Na Uy đã được pháp đình LHQ hỏi ý kiến về việc tiếp nhận một vụ án hình sự. Đó là vụ “diệt chủng” ở Rwanda. Thật tình khi đó Na Uy đã trả lời “yes” rồi, nhưng tòa án thuộc pháp đình Rwanda lại nói “no”, bởi vì Na Uy đã không có những đạo luật liên quan tới tội “diệt chủng”.
Tháng Ba năm 2008, luật hình sự Na Uy đã được sửa đổi, và vì thế nay Na Uy đã có những quyết định liên hệ tới tội “diệt chủng”.
Sáng hôm qua, đệ nhất luật sư Siri Frigaard thuộc Hội Đồng Luật Sư Quốc Gia đã tuyên bố là họ muốn nhận vụ này nếu chính phủ trả lời “yes”. Bà Siri nói với thông tấn xã NTB: “Trong trường hợp vụ án này được huyển giao cho Na Uy thì chúng tôi sẽ phải duyệt qua tất cả hồ sơ hầu bảo đảm là vụ này đã được thông tri đầy đủ để có thể được giới thiệu cho một tòa án Na Uy. Trong trường hợp này cũng còn có một việc định lượng về việc thực hiện tiếp nữa công cuộc điều tra, theo đó có thể sẽ có thể bao gồm việc sang tận Sierra Leone trước khi việc xét xử được khai mạc”.
Nữ luật sư này đồng thời cũng nêu rõ nhu cầu đòi hỏi tài nguyên dành cho việc điều tra. Và đương nhiên là Hội Đồng Luật Sư Quốc Gia cũng phải được cung cấp những nguồn lợi phụ trội trong một khoảng thời gian. Bà Siri kết luận: “Công tác quan trọng của chúng tôi là lo sao cho vụ này không thể bị quên, và chúng tôi qua vụ này cộng tác với cuộc chiến đấu chống việc ‘tha bổng’ đối với những tội phạm nặng nề như thế”. – (HM)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT