Chuyện Khắp Nơi

Sự tích về Tam Đa

Thursday, 15/02/2024 - 10:45:36

Chỉ cần biết thế nào là đủ nếu như không muốn được cái này phải mất cái khác

tam đa

Ở miền Nam thì Lão Nông không biết chứ ở miền Bắc thì phần đông các gia đình đều trưng bày bộ tượng TAM ĐA bằng đủ loại chất liệu như gỗ, sứ hoặc đá đủ kích cỡ to nhỏ ở những nơi trang trọng không những để trang trí mà còn mang tính vọng cầu có nhiều Phúc, Lộc, Thọ. Tuy họ rất thích bộ tượng đó nhưng ít người biết biểu tượng đó là những ai.

PHÚC

Biểu tượng của Phúc là ông Quách Tử Nghi triều nhà Đường. Ông là vị quan đầu triều dùng quân Đường và mượn quân Hồi Hột đánh chiếm được Trường An và thu hồi Lạc Dương (Kinh đô). Tuy quyền lực có thể nghiêng trời lệch đất nhưng ông là người liêm chính trong thi hành quốc sự và giữ gìn gia cương nên được gia phong “thiên hạ đệ nhất gia” bởi “ngũ đại đồng đường” (năm đời cùng ở một nhà do ông điều hành và quản lý) với con cháu thảo hiền, gia phong nề nếp nhưng đời sống thanh đạm (không giàu có).

Năm ông bà 83 tuổi thì có chít (cháu 5 đời). Ông bà bồng chít trên tay cười ngất và cùng chết một lúc.

LỘC

Biểu tượng của Lộc là ông Đậu Tử Quân triều nhà Tấn. Là người khôn khéo trong việc tề gia trị quốc giúp vua mọi chính sách bình yên thiên hạ và khôn ngoan trong việc ích nước lợi nhà nên được vua tin dùng. Bởi vậy ông thâu tóm được nhiều đất đai điền sản và vàng bạc châu báu mà trở nên giàu có với gia nô tôi tớ đầy nhà và đông vợ lắm con nhưng không có cháu trai nối dõi (tuyệt tôn).

THỌ

Biểu tượng của Thọ là ông Đông Phương Sóc đời Hán Vũ Đế. Cũng như Đậu Tử Quân, ông rất khôn khéo trong việc thu xếp việc công tư và trở nên giàu có lại có tính hài hước nên luôn trên được lòng vua, dưới được các quan tin yêu. Cũng lắm vợ nhiều con cùng gia nô tôi tớ và thọ 125 tuổi nhưng khi chết thì chắt phải làm ma cho cụ vì con cháu chết hết trước đó và của cải cũng dần theo cái chết của con cháu mà ra đi cho đến khi mình chết thì chẳng còn gì.

LỜI BÌNH:

Cả ba ông mỗi người chỉ được một trong Phúc, Lộc, Thọ. Ông Phúc thì không có Lộc, Thọ. Ông Lộc thì không có Thọ, Phúc. Ông Thọ thì chịu khổ đau vì phải chứng kiến cái chết của tất cả con, cháu khi đáng nhẽ phải ngược lạ và cuối cùng chỉ được Thọ khi Lộc không bền và Phúc cũng coi như không.

NGŨ PHÚC (Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh) đều là thứ phàm là con người ai cũng cầu mong có đủ nhưng không bao giờ được đủ bởi chúng luôn mâu thuẫn và thậm chí có thể xung đột nhau.

Có thể có cả ba (Phúc, Lộc, Thọ) nhưng chỉ nên và chỉ có thể là ĐỦ mà không thể, dứt khoát không thể được ĐA cho cả ba.

Chỉ cần biết thế nào là đủ nếu như không muốn được cái này phải mất cái khác ! Tuy nhiên chẳng ai lại muốn chỉ là đủ khi tạo hoá sinh loài người nhưng không sinh cho nó một khái niệm ĐỦ ! Bởi vậy nó chỉ thích TAM ĐA (ba nhiều) thay vì TAM TÚC (ba đủ).

Lão Nông

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT