Cần phân biệt rõ và dùng đúng các từ Tiêu đề, Tựa đề, Nhan đề
GS Nguyễn Tuấn • Monday, 25/09/2023 - 09:21:42
Chẳng hiểu sao ngày nay người ta hay lẫn lộn mấy chữ này trong các luận án và văn bản.

Chúng ta thường hay đọc hay nghe những câu văn như “Tiêu đề của luận án”, “Tiêu đề của cuốn sách”, “Tiêu đề của cuốn phim”. Trong những câu văn như thế, chữ “tiêu đề” được hiểu như là “title” trong tiếng Anh.
Nhưng rất tiếc là cách dùng chữ như trên không đúng.
Hầu như tất cả từ điển Tiếng Việt đều giải thích rất rõ rằng “tiêu đề” là đề mục, tên của một chương mục trong luận án hay một văn bản. Tiếng Anh tương đương với “tiêu đề” là “heading”. Heading có nghĩa là tên một chương sách hay một phần của một cuốn sách.
Tên của một luận án, tác phẩm, cuốn phim nên gọi đúng là “Nhan đề”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa rằng “Nhan đề” là đầu đề, là cái tít chung của một văn bản hay một tác phẩm. Thành ra, thay vì viết/nói “Tiêu đề của luận án”, nên viết/nói là “Nhan đề của luận án”. Ví dụ: “Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần lấy nhan đề cho sách: ‘Thuật xử thế của người xưa’.” Nhan đề trong tiếng Việt tương đương với “Title” trong tiếng Anh.
Còn “Tựa đề” thì sao? Chữ này hơi … phiền phức. Từ điển tiếng Việt giải thích đây là ghép hai chữ “tựa” (hay “tự”) và “đề”, và cho là tương đương với “Title” trong tiếng Anh. Đây chính là cách hiểu mà tôi từng được dạy thời trước 1975.
Nhưng theo một giải thích khác [1] thì “Tựa đề, còn gọi là đề tựa hay lời tựa, là những lời - thường là của tác giả - viết dưới nhan đề (đầu đề), để giới thiệu, hoặc để nói điều cần thiết, hệ trọng của một văn bản, một tác phẩm.” Hiểu theo nghĩa này thì “Tựa đề” tương đương với “Preface” trong tiếng Anh.
Tóm lại, tên của một luận án là “Nhan đề” (tiếng Anh là Title), còn tên các chương trong luận án là “Tiêu đề” (Heading), và lời nói đầu của luận án là “Tựa đề” (Preface). Không nên dùng “Tiêu đề” thay cho “Nhan đề” của một luận án hay một tác phẩm.
GS Nguyễn Tuấn
GS Nguyễn Tuấn
_____
Viết bình luận đầu tiên
Tin đọc nhiều
MỚI CẬP NHẬT



















ĐỌC THÊM
Ung thư không phải là bệnh, vậy nó là gì?
Trước tiên, chúng ta hãy tạm gác lại mọi khái niệm về căn bệnh được gọi là “Ung Thư”, một căn bệnh mà nó đã gây ra sự tổn thất ...
Có thể bạn chưa biết: Toàn bộ lượng nhựa từng sản xuất vẫn còn hiện hữu trên Trái đất!
Vi nhựa len lỏi vào từng bữa ăn, từng tế bào — chúng ta đang vô tình "ăn rác nhựa" mỗi ngày! Đến năm 2050, đại dương có thể chứa ...
"Cạch đến già" tìm người yêu qua mạng
Trong thời đại công nghệ, đến cả chuyện hẹn hò yêu đương cũng được internet hóa. Và có không ít chuyện dở khóc dở cười của các chàng trai, cô ...