Xe Hơi

Cuối năm, nhìn lại uy tín các hiệu xe (bài 1)

Friday, 16/12/2016 - 07:59:08

Với 7 triệu thành viên đóng tiền để nghe họ báo cáo hàng tháng, Consumer Reports có thể dễ dàng thâu thập ý kiến từ hàng trăm ngàn người về một đề tài đáng quan tâm.

Bài HAO SMITH

Ai dám nói câu “nhìn lại uy tín” các loại xe? Đa số chúng ta chỉ dùng một xe, phải chờ tới 10 năm, 15 năm, 20 năm sau đó mới có cơ hội được dùng một xe khác. Chỉ là xe khác, mới hơn cái xe kia chút đỉnh, chứ chưa hẳn là mới ra lò! Ngay cả với những người có đủ điều kiện để chơi xe thì cả đời họ từng cưỡi được mấy cái? 10 cái? 15 cái? Thâm chí 20 cái? Có đến mức đó cũng vẫn là bọt bèo khi so với hơn 300 đời xe hiện đang lưu hành trên đường phố.

Thế nên, chẳng ai có thể dựa vào kinh nghiệm cá nhân của mình để “điểm mặt” các loại xe, dù chỉ riêng cho năm 2016, nếu không phải là một tổ chức lớn, có uy tín, có khả năng thâu thập được ý kiến hàng trăm ngàn người đã sử dụng và đang sử dụng xe. Cái tổ chức đó là Consumer Reports, một cơ quan được chính phủ Hoa Kỳ cấp qui chế vô vụ lợi, làm việc với sứ mạng bảo vệ giới tiêu thụ, và đã đạt được sự tín nhiệm của giới tiêu thụ trong 80 năm vừa qua. Với 7 triệu thành viên đóng tiền để nghe họ báo cáo hàng tháng, Consumer Reports có thể dễ dàng thâu thập ý kiến từ hàng trăm ngàn người về một đề tài đáng quan tâm. Một trong những đề tài đó là bản tổng kết cuối năm về uy tín các loại xe mà chúng tôi xin giới thiệu đôi nét dưới đây với các bạn.

                     Tài xế phải sử dụng nhiều năm trên đường phố trước khi có nhận xét về giá trị xe

Khi xem quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, hoặc khi đến thăm showroom của đại lý, chúng ta dễ dàng bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp đẽ kiêu sa của muôn vàn kiểu loại xe. Lại thêm những lời tỉ tê của anh/chị salesperson đầy kinh nghiệm, chúng ta thấy dường như xe nào cũng hoàn hảo, không tì vết. Có ngồi lên lái thử 5, 10 phút cũng chẳng thể tìm ra điều gì hơn là trầm trồ: “Cái xe quá ngon, chạy quá êm, quá đã.” Nhưng nói về uy tín là phải nói về quá trình sau một thời gian sử dụng, không được 5, 7 năm thì cũng phải 1, 2 năm. Bản báo cáo thường niên về uy tín các loại xe (Annual Auto Reliability Survey) của Consumer Reports (CR) có thể bảo đảm với chúng ta điều đó. Trong năm 2016, CR đã thâu thập được ý kiến của người sử dụng về hơn 500,000 chiếc xe, bao gồm 300 kiểu từ đời 2000 đến 2016, thậm chí cả một số ý kiến sớm về đời xe 2017. Sau đây là một vài kết luận chung:

1. Toyota (Nhật) và Lexus (một thương hiệu khác của hãng Toyota) vẫn dẫn đầu bảng về hiệu xe uy tín. Đứng hàng thứ ba là Buick, một kiểu xe của hãng Mỹ General Motors.

2. Subaru (Nhật) bị rơi khỏi hàng ngũ “10 hiệu xe uy tín nhất – Top 10” vì những trục trặc đáng chú ý trong các kiểu Legacy và Outback.

3. Model S của Tesla (California, Mỹ): Cho đến nay Tesla là tên tuổi tiên phong trong kỹ nghệ xe điện (electric car) và xe không cần lái (automated car). Model S đã có nhiều cải tiến đáng kể để nâng cao uy tín tới mức trung bình.

Trước khi công bố kết quả cụ thể về uy tín từng loại xe, CR giới thiệu vài bài học kinh nghiệm hữu ích cho giới tiêu thụ:

                                      Khó có thể phán đoán được giá trị khi xe còn trong đại lý



1. Đừng chỉ tin vào thương hiệu (brand): Dĩ nhiên, thương hiệu là quan trọng, nhưng đừng chỉ tin vào đó. Bởi vì, theo CR, không phải tất cả các thành phẩm cùng một brand name là sẽ có chung một phẩm chất. Thực tế, cái brand name ấy không khác gì một túi đồ có đủ hạng (mixed bag). Thí dụ: Trong khi Infiniti Q70 được tới 91 điểm (cao nhất) thì Infiniti QX60 chỉ được có 33. Trong khi Ford Expedition SUV rất đáng nể, thì Ford Fiesta và Ford Focus lại có những vấn đề về uy tín chưa sửa chữa được.

2. Đừng vội mua một kiểu (model) mới ra lò: Tốt nhất, hãy chờ đợi 1, 2 năm sau. Ngay cả những thương hiệu vốn có uy tín như Lexus và Toyota cũng có vài kiểu thuộc loại “clunkers”. Chẳng hạn, Tacoma Pickup không được điểm cao về uy tín trong năm đầu tiên, và phải chờ tới 3 năm sau mới được cải thiện. Khi bạn nghe chữ “brand new,” hoặc “completely redesigned” thì theo kinh nghiệm của CR, bạn phải hiểu rằng đó là cách nói khác của chữ “new problem” mà thôi. Thế nên, đừng vội chạy theo thời trang!

3. Xe càng nhiều chức năng phức tạp (complexity) càng có lắm vấn đề (problem): Khôn ngoan nhất là tránh những hệ thống điều khiển phức tạp mới ra lò. Chẳng hạn, hãng Fork khi giới thiệu kỹ thuật MyFord Touch và MyLincoln Touch nghe thì sướng lỗ tai nhưng sử dụng mới toát mồ hôi. Cũn như kỹ thuật hộp số tự động “dual clutch” trong Fiesta và Focus nghe thật “tân kỳ” nhưng khi dùng mới thấy nhiều trục trặc. Honda và Accura cũng có những hệ thống infotainment và transmission trục trặc như vậy. Với Honda và Ford, nên tìm những kiểu xe (model) có infotainment càng đỡ phức tạp hoặc bộ hộp số càng “cổ điển” càng tốt, bởi vì chúng đã có quá trình chứng tỏ uy tín.
Bài sau chúng ta sẽ giới thiệu điểm số uy tín của từng loại xe theo đánh giá của Consumer Reports.

Haosmith@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT