Du Lịch

Đường Hội An đến Kinh Thành Sư Tử

Phạm Chu Sunday, 26/03/2023 - 09:26:23

Đi hết con đường di sản Hội An – Điện Phương, cuối đường, gặp quốc lộ 1A, bạn rẽ trái chừng 500 mét sẽ gặp làng bê thui Cầu Mống, đây là đặc sản xứ Quảng.

Đường Hội An đến Kinh Thành Sư Tử


Từ phố cổ Hội An, bạn xuất phát bằng xe đạp hoặc xe máy dọc theo bờ sông Hoài, qua khu Chiêu Hồi, ở đây, các gia đình sống bên sông đã chuyển từ nghề đánh cá sang nghề du lịch, họ mở những cái quán vừa, nhỏ, chủ yếu bán nước, bán bia rượu và các món ăn bình dân, đậm vị xứ Quảng như mì Quảng, hến xào, tôm đất rang me, cao lầu, bánh bèo, bánh tráng đập, mít trộn… Bạn có thể ghé ăn điểm tâm ở các quán này, giá rẻ, bình dân, chỗ ngồi thoáng mát và đặc biệt là quán vắng, bởi nó không nằm trong các tuyến khách của các công ty lữ hành. Trên đường đi bạn sẽ gặp một làng nghề chuyên xúc hến, luộc hến, họ còn một cái lò với những chiếc chảo gang rất to bên đường, ven bờ sông.


Qua khỏi khu Chiêu hồi, bạn gặp một đoạn quốc lộ, đến chợ cá đầu mối, bạn rẽ trái, gặp làng gốm Thanh Hà, đây là làng gốm cổ nhất của Quảng Nam, tổ tiên của những người làm gốm này vốn dĩ là thợ gốm từ Thanh Hóa vào đây theo các đoàn lưu dân từ miền Bắc vào thế kỉ 17, họ dừng chân ở đây vì thấy địa thế và thổ nhưỡng có gì đó giống với quê hương của họ. Làng gốm Thanh Hà hiện tại có thêm một bảo tàng gốm khá bề thế, đây cũng là nơi để bạn trải nghiệm đời sống của người làm gốm sứ. Nhưng câu chuyện trải nghiệm nên để bạn thực chứng, tôi không muốn kể dông dài. Vì con đường phía trước còn khá dài. Từ làng gốm Thanh Hà, bạn đạp xe hoặc chạy xe máy băng qua một chiếc cầu mới xây, bên dưới cầu là một con đập tràn để ngăn nước vào ruộng, băng qua một cánh đồng, giữa những vạt lúa miên man gió, có những ngôi nhà ngói ba gian kiểu cổ và một vài ngôi nhà lợp ngói cách tân với vườn cau, ổi, xoài, bưởi… dường như đâu đó vẫn còn không khí của thế kỉ trước, con người gắn với ruộng đồng, cỏ cây, vườn tược và thiên nhiên.

Qua khỏi cánh đồng này, bạn gặp lại con đường cũ mà tôi từng nói trong bài giới thiệu trước, con đường di sản, con đường chạy dọc sông Chợ Củi, dẫn đến dinh trấn Thanh Chiêm. Và cũng xin nói thêm với bạn để bạn dễ hình dung là bạn đang đi trên con đường mà trước đây hơn ba trăm năm, các thương gia Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha (những người đã làm nên phố cổ Hội An) đã đi qua, họ đi bằng kiệu do bốn người khiêng hoặc bằng xe kéo do một phu xe dáng người lực điền kéo họ. Từ Hội An, họ phải lên dinh trấn Thanh Chiêm để xin các loại giấy phép. Và cũng từ con đường này, đi ngược lên sẽ gặp dòng sông Thu Bồn – sông mẹ của sông Chợ Củi, sông Chợ Củi vốn là một nhánh của sông Thu Bồn thời đó.


Đường Hội An đến Kinh Thành Sư Tử


Với người Chăm Pa – chủ cũ một thuở của vùng đất này, sau này đất nước Chăm Pa điêu tàn – sông Thu Bồn tức là sông Mẹ, sông Pô Pô, một người Mẹ mang bản thể của vũ trụ và truyền cho con người những đức tính nhu thuận, quảng đại, yêu thương và cả chiến đấu để bảo vệ những gì thuộc về tạo hóa và lẽ phải. Mẹ Thu Bồn có khả năng chữa vết thương cho các chiến binh, chữa lành cho những người nghèo khổ mang căn bệnh hiểm ngèo bằng các loại lá cây, thảo dược… Không biết có phải vì lẽ này, mà kinh đô của người Chăm Pa một thuở lại nằm ngay bên cạnh sông Thu Bồn, Kinh Đô Trà Kiệu, tức Kinh Thành Simhapura, kinh thành Sư Tử. Đây cũng là điểm đến thú vị, rất thú vị cho bạn.

Đi hết con đường di sản Hội An – Điện Phương, cuối đường, gặp quốc lộ 1A, bạn rẽ trái chừng 500 mét sẽ gặp làng bê thui Cầu Mống, đây là đặc sản xứ Quảng. Bạn có thể ghé vào quán để thưởng thức món bê thui hoặc một bát bún xương, kiểu ăn của những người lao động miền Trung Việt Nam với thói quen “chặt to kho mặn” để bảo đảm năng lượng cho cả một ngày lao động dài. Cũng xin nói thêm, thời khó khăn, phải là người giàu có mới ăn được món bê thui hay bún xương, người nghèo thì họa hoằng mới nếm được món này.

Qua khỏi làng bê thui Cầu Mống, bạn sẽ gặp cầu Câu Lâu, tức Cầu Mống, một cây cầu gắn liền với một truyền thuyết của địa phương. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa, thuở chưa có cầu, bên sông có đôi vợ chồng yêu thương và sống với nhau thật hạnh phúc. Không may năm đó trời gió mưa tơi bời, người vợ đang ở cử (tức vừa sinh con xong) đứa con đầu lòng. Người chồng vì sợ vợ mình thiếu thức ăn nên mới mang cần ra bờ sông ngồi câu, mặc cho mưa gió. Thình lình nước lũ kéo về, cuốn luôn người chồng, người vợ chờ chồng lâu quá, cứ ngồi ôm con nhìn ra cửa mà nhủ “câu chi mà câu lâu thế!” Đến ngày thứ ba mà thấy chồng không về, người vợ ẵm con ra bờ sông, nhìn thấy cái giỏ đựng cá của chồng còn treo trên gốc cây bên cạnh bến nước mà không thấy chồng đâu, nàng lặng lẽ ôm con nhảy xuống sông theo chồng. Hai chữ Câu Lâu từ đó gắn tên với đoạn sông này, và khi người Mỹ xây cây cầu băng qua sông Thu Bồn dài nhất nhì Đông Dương thời đó, hơn 1000 mét, họ giữ nguyên cái tên cầu Câu Lâu mà cũng chẳng cần truy nguyên vì sao người ta gọi là bến Câu Lâu nữa.

Qua khỏi cầu Câu Lâu, gặp Tiêm Rượu, một xứ sở còn lại cái tên, bởi thời thuộc Pháp, đây là cái lò nấu rượu cung cấp cho cả nước, nó là công cụ nằm trong chính sách dân túy của kẻ nắm quyền, mẫu quốc Pháp. Nơi đây cũng có những quán cà phê ven sông khá là thơ mộng, có một làng võ cổ truyền tên Ngũ Phụng Sơn với nhiều vị võ sư từng làm mưa làm gió một thời. Qua khỏi nơi này, đến ngã ba Nam Phước, rẽ về hướng núi, bạn sẽ gặp Trà Kiệu, tức Kinh Thành Sư Tử, nơi đây bây giờ là nhà thờ Núi, một điểm ngoạn cảnh có thể giúp bạn chiêm nghiệm và đứng nhìn ra bốn phía đất trời mà hình dung dòng chảy lịch sử đã cuồn cuộn đi qua nơi này!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT