Du Lịch

Làng Đại Bường, núi trầm và bốn mùa cây trái

CHU Sunday, 09/04/2023 - 12:37:38

Qua khỏi cánh đồng và dãy núi xanh, bạn gặp một ngã ba chắn ngay trước mặt, đó là ngã ba Nông Sơn.

Làng Đại Bường

Những ai từng trải qua tuổi thơ trên đất nước Việt Nam, từng theo ông bà cha mẹ đi ăn đám giỗ, đám chạp, chắc hẳn còn nhớ đến mùi hương trầm thơm ngát quyện với mùi đậu xào ngũ sắc, mùi ram chiên, mùi bánh tráng nướng, mùi thịt heo luộc chấm nước mắm và xôi nguội… Mọi thứ trở nên đáng nhớ và ấn tượng bởi vì thức ăn đã được tẩm mùi nhang trầm, một mùi hương tỏa ra từ cây dó bầu và người thợ đã dùng cây dó bầu để làm nhang. Tuy nhiên, đó chỉ là những bổi dó bầu không có trầm, chúng chỉ thoảng hương trầm, còn những lõi trầm và kì nam thì có giá đắt hơn vàng, đương nhiên chúng tích tụ nhiều ở miền Trung, đặc biệt là Nha Trang. Và giữa rừng núi Trung Việt, núi rừng Trung Phước được người ta ví là núi trầm, nơi đây có làng Đại Bường, một ngôi làng chuyên về trầm và cây ăn trái.

Từ quốc lộ 1A, rẽ tại ngã ba Hương An, thuộc địa phận Quế Sơn, đi theo hướng Quế Sơn, qua khỏi đèo Le, một con đèo ngoạn mục, đẹp và mang đầy dáng vẻ sơn cước xa xưa, thi thoảng giữa đèo vắng có mấy ngôi nhà lợp mái tranh, hoang vu, nhiều khi bạn thầm hỏi không biết người ta sống như thế nào giữa nơi hoang vu này, nhỡ khi trái gió trở trời thì sao?

Trên đèo Le này cũng có một khu du lịch sinh thái Đèo Le, nơi có những quán chuyên bán gà tre nướng nghệ, gà tre nướng hẹ, gà tre nướng ngũ vị… Khá là ngon và rẻ. Bạn có thể ghé vào ăn trưa ở quán gà tre, với một người thì chỉ cần gọi một con gà nhỏ, giá chừng 200,000 đồng ($8.50 Mỹ kim), người ta sẽ nướng gà và dùng bộ lòng gà để nấu cháo cho khách, đương nhiên món cháo nằm trong bộ combo của con gà, không phải tính khoản tiền nào thêm, trừ khi bạn gọi nước uống hoặc bia, rượu…

Nghỉ trưa ở khu sinh thái Đèo Le xong, bạn tiếp tục băng qua một cánh đồng rộng mênh mông, nhìn xa xa là núi xanh và những ngôi nhà nằm lẻ loi bên chân núi, có lẽ chủ nhân của nó là những tiều phu hoặc những người quanh năm bám rẫy, bám ruộng, cuộc đời bốn mùa xuân hạ thu đông sống với thiên nhiên, cỏ cây, họ sống tràn đầy với thiên nhiên và chẳng màng chi tới xã hội chộn rộn ngoài kia, hoặc giả, cuộc đời, số phận của họ đã gắn với đời sống heo hút, đôi khi hẩm hiu và bất định này rồi, họ chẳng có cơ hội để mà tha thiết với nhịp sống quay cuồng ngựa xe nơi thị thành…

Qua khỏi cánh đồng và dãy núi xanh, bạn gặp một ngã ba chắn ngay trước mặt, đó là ngã ba Nông Sơn. Bạn rẽ trái, đi thêm chừng 3 km nữa sẽ gặp cầu Nông Sơn, băng qua cầu Nông Sơn, đi dọc theo độc đạo bằng bê tông ven sông Thu Bồn, băng qua một nà bắp, một bãi dưa hấu, một vườn bạch đàn, sẽ gặp một bãi đỗ xe khá lớn dành cho khách du lịch, bạn tiếp tục đi vào làng Đại Bường nếu như bạn đi xe máy, trong những ngày không phải cuối tuần, bạn có thể đi thẳng xe hơi vào trong làng và đỗ xe ở sân khu đất trống gần sân vận động hoặc đỗ xe trước một quán nào đó bạn gặp.

Làng Đại Bường, chính xác là thôn Đại Bường, một cô thôn lưng tựa vào núi, ba mặt giáp sông, đến đoạn qua thôn, sông Thu Bồn trở nên uốn lượn, vòng vèo bao bọc lấy thôn Đại Bường, cô lập thôn với bên ngoài. Trước đây, khi chưa có cầu Nông Sơn, người trong thôn muốn đi chợ hay đi đâu đều phải qua sông bằng đò, cổng làng đầu tiên của Đại Bường đặt ngay bến sông, có một con dốc khá cao từ làng xuống bãi sông. Nơi đây, mùa hè nước sông cách làng chừng hơn mười mét, đến mùa mưa lũ thì nước dâng cao, ngập mọi nẻo trong thôn, nghĩa là sông Thu Bồn lúc này nước đã sâu hơn mười lăm mét, lòng sông đoạn đi qua thôn khá là sâu.

Làng Đại Bường chủ yếu làm nông nghiệp và đi trầm, có một vài người trong làng đi ra ngoài và thành đạt trên đường chữ nghĩa, như nhà báo, nhà văn Khương Bình, người đã xây dựng cổng làng đầu tiên chỗ bến sông là một ví dụ. Nhà văn Khương Bình sinh sống ở Sài Gòn, nhưng trước khi qua đời, ông viết đúng hai chữ trên trang giấy A4 trước mặt “Về Quê” rồi gục chết. Khi di hài của ông được đưa về quê, người dân trong làng ra đón ông tận ngã ba Nông Sơn và đưa ông qua sông, qua cổng làng rồi làm lễ truy điệu, lần đó tôi có mặt, tôi cũng là người được bà con trong làng phân công viết điếu văn cho ông. Nhưng tôi đã nhờ một bạn văn khác cao niên hơn, từng là bạn thân của ông viết. Đất Đại Bường có những con người khá đặc biệt, sống nặng nghĩa tình, không toan tính. Người Đại Bường trồng dâu nuôi tằm nhưng không dệt vải, quanh năm ra vườn dâu, vườn trái cây.

Nói tới trái cây thì Đại Bường có bát ngát trái cây miệt vườn Tây Nam Bộ, từ trái sầu riêng, trái măng cụt, bưởi, táo, nhãn, bòn bon, thanh long ruột đỏ… không thiếu thứ gì. Trái cây Đại Bường có vị ngọt thơm rất đặc biệt nhờ vào thổ nhưỡng đặc biệt nơi này, nhưng!

Bạn nhớ là vào hẳn vườn tráicây để tìm trái mà mua, đừng mua ngoài ngã ba thôn, bởi nơi này có nhiều người dường như không được Đại Bường lắm, họ bán trái cây nơi khác đem về với giá cao ngất và nói rằng đó là trái cây của Đại Bường, loại trái cây như vậy không được chất lượng. Họ cũng là người trong thôn nhưng thành phần đặc biệt, khó nói…

Ngoài làm vườn, nếu bạn quan tâm những câu chuyện về phu đi trầm hay những sản phẩm trầm với mức giá vừa phải, dễ chịu, bạn có thể ghé vào các gia đình làm trầm ở đây, dường như bạn sẽ gặp được nụ cười hiền hòa và thân thiện, bạn hãy tìm một homestay nào đó để ở lại, dùng cơm tối và lấy lại năng lượng sau một ngày rong ruổi.

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT