Bình Luận

Kế hoạch ngụy hòa của Tập Cận Bình cứu bồ Putin bị bể

Vi Anh Sunday, 26/03/2023 - 09:42:45

Kể từ đầu cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga, lãnh đạo Trung Quốc chưa một lần đối thoại trực tiếp với tổng thống Ukraine

Tập Cận Bình thăm Nga Putin

Chủ Tịch Tập Cận Bình họp với Tổng Thống Vladimir Putin trước khi dự buổi lễ ký kết các thỏa ước tại Điện Kremlin ở Moscow ngày 21 tháng 3, 2023. (Hình: http://www.kremlin.ru)
Trung Quốc bắt cá hai tay, Ukraine kiên nhẫn


Ukraine nói rõ, ông Tập Cận Bình không có nghĩa lý gì vào thời điểm này, sau khi Trung Quốc và Nga đã quyết định tăng cường quan hệ giữa hai chế độ độc đoán. Trung Quốc đã chọn bên, bên của Nga. Chuyên gia Ukraine hôm 23/3/2023 nói thẳng: kế hoạch hòa đàm của Trung Quốc là “một kế hoạch của Nga.”

Đài RFI của Pháp ngày 22/3 đưa tin, tuyên bố chung Trung – Nga hôm 21/3, lãnh đạo Nga đánh giá cao “lập trường khách quan và không thiên vị” của Trung Quốc “về vấn đề Ukraine,” “các ý tưởng mang tính xây dựng” trong kế hoạch hòa bình cho Ukraine của Trung Quốc.

Cùng ngày, chính quyền Mỹ đã lên tiếng tố cáo Bắc Kinh hoàn toàn đứng về phía Nga, “lặp lại các tuyên truyền” của Moscow.

Trong cuộc trả lời báo giới, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, ông John Kirby, đã bác bỏ vai trò được gọi là “tích cực” của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột Nga – Ukraine “bằng con đường chính trị-ngoại giao.”

Ông John Kirby nhấn mạnh điều căn bản là Trung Quốc “đã không hề lên án cuộc xâm lăng của Nga,” “không ngừng mua dầu và năng lượng của Nga,” và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chế độ của ông ấy đã “liên tục nhắc lại các tuyên truyền của Nga, đó là bằng cách này hay cách khác, đây là cuộc chiến của phương Tây chống lại Nga, và đây là một mối đe dọa sống còn với Tổng Thống Nga Putin.”

Theo ông John Kirby, nếu Trung Quốc muốn “đóng vai trò mang tính xây dựng,” thì điều ngay lập tức cần làm là “gây áp lực để buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraine, các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine, hối thúc Tổng Thống Putin ngừng ném bom các thành phố, bệnh viện và trường học; ngăn chặn tội ác chiến tranh và các hành động tàn bạo.”

Đài Euro News nhận định đây là “chỉ trích mạnh mẽ nhất” của chính quyền Mỹ đối với đề nghị trung gian hòa bình của Trung Quốc cho đến nay. Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Tòa Bạch Ốc cũng lên án Trung Quốc và Nga muốn “thay đổi các quy tắc”của trật tự quốc tế hiện hành.

NATO kêu gọi Trung Quốc đối thoại “trực tiếp” với Tổng Thống Ukraine. Về phần mình, Tổng Thư Ký NATO, Jens Stoltenberg, trong một cuộc họp báo tại Bruxelles, kêu gọi nếu Trung Cộng muốn kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh được coi là nghiêm túc, thì họ cần đối thoại “trực tiếp” với Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine. Lãnh đạo NATO nhấn mạnh “thỏa thuận ngừng bắn hay bất cứ giải pháp nào không tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sẽ chỉ là cách để đóng băng chiến tranh, và cho phép Nga khôi phục lực lượng, để tấn công một lần nữa.”

Còn Ukraine không hưởng ứng “kế hoạch hòa bình 12 điểm,” một thất bại của Tập Cận Bình.

Ba ngày sau chuyến đi Nga của lãnh đạo Trung Quốc, được quảng bá rầm rộ trên truyền thông như một cơ hội thúc đẩy hòa bình cho Ukraine, rút cục Bắc Kinh chưa sắp xếp được cuộc điện đàm của Tập Cận Bình với Tổng Thống Zelensky. Kể từ đầu cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga, lãnh đạo Trung Quốc chưa một lần đối thoại trực tiếp với tổng thống Ukraine. Theo nhiều nhà quan sát, vị thế nghiêng hẳn về Nga ngày càng cho thấy Bắc Kinh không thể là bên trung gian cho hòa bình mà là một kẻ bắt cá hai tay, giả đạo đức.

Báo CNBC Mỹ có bài phân tích đáng chú ý, nêu bật thái độ ngờ vực cao độ tại Kiev. Chính giới Ukraine theo dõi sát các hành động của chủ tịch Trung Quốc tại Moscow. Sau khi Bắc Kinh khẳng định quan hệ mật thiết với Moscow, đặt cuộc chiến tranh tại Ukraine xuống hàng thứ yếu, thái độ của Kiev ắt hẳn là dứt khoát.

Trả lời CNBC, chuyên gia Oleksander Musiyenko, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quân Sự và Pháp Lý ở Kiev khẳng định: “Sau chuyến đi Moscow của ông Tập Cận Bình, chúng tôi thấy không cần thiết phải đối thoại với ông ta. Một cuộc đối thoại giữa Tổng Thống Zelensky và ông Tập Cận Bình không có nghĩa lý gì vào thời điểm này, sau khi Trung Quốc và Nga đã quyết định tăng cường quan hệ giữa hai chế độ độc đoán. Trung Quốc đã chọn bên, bên của Nga.” Chuyên gia Ukraine nói thẳng: kế hoạch của Trung Quốc là “một kế hoạch của Nga.”

Thái độ của chính quyền Ukraine đã rất rõ ràng: cuộc xâm lăng do Nga gây ra, điều kiện tiên quyết là Nga phải rút quân đội khỏi các vùng đất chiếm đóng. Ngoại Trưởng Dmytro Kuleba trong một cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương đã nhấn mạnh đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Phát biểu của giới chức Ukraine nói trên trên CNBC có thể coi là một thông điệp gián tiếp của chính quyền Kiev gửi đến Trung Quốc.

Đã từng có một số hy vọng đặt vào cuộc đối thoại Zelensky – Tập Cận Bình. Chính phía Mỹ, trước chuyến công du Nga của ông Tập, cũng đã thúc đẩy Tập Cận Bình đối thoại với Zelensky để Trung Quốc “trực tiếp nghe lập trường của Ukraine chứ không phải chỉ của phía Nga.” Tuy nhiên cơ hội có lẽ đã qua. Tại Moscow hôm 21/03, Điện Kremlin tuyên bố Trung Quốc và Nga không bàn đến kế hoạch hòa bình do Ukraine đề xuất.

Cùng ngày, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tòa Bạch Ốc John Kirby đã đưa ra bình luận dữ dội nhất từ Mỹ, từ trước đến nay, về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, với nhận định: Bắc Kinh chỉ “lặp lại các tuyên truyền của Nga.”

Trả lời báo Business Insider, ông Robert Daly, giám đốcViện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, ở Washington, nhận định trên thực tế “Kế hoạch hòa bình của Tập Cận Bình đã bị Ukraine bác bỏ,” nhưng mục tiêu của lãnh đạo Trung Quốc khi đưa ra kế hoạch nói trên không phải là nhằm vào chính quyền Kiev hay các nước phương Tây mà là để chinh phục công luận trong nước và các nước đang phát triển mà Trung Quốc đang xây dựng các liên minh rộng lớn thông qua các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh cũng để mắt đến các hợp đồng tái thiết béo bở ở Ukraine sau chiến tranh, một cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine có thể có lợi cho Trung Quốc.

Trong khi đó cánh cửa ngoại giao Ukraine và nhiều nước phương Tây vẫn để ngỏ với Trung Quốc. Lý do chính có lẽ không phải để hy vọng Trung Quốc làm trung gian hòa bình, mà để Trung Quốc không gắn chặt hơn với Nga, trực tiếp hậu thuẫn Moscow về quân sự. Chính quyền Ukraine chắc chắn không ngây thơ gì trước lập trường bắt cá hai tay của Trung Quốc.

Cuối tháng 2, nhân dịp một năm cuộc chiến xâm lược của Nga, cũng là một năm Trung Quốc chưa một lần lên án cuộc xâm lăng, trả lời báo Đức Die Welt, Tổng Thống Zelensky nhận định, “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là Trung Quốc không hỗ trợ Liên Bang Nga trong cuộc chiến này. Thực ra, tôi muốn họ đứng về phía chúng ta. Tuy nhiên, tại thời điểm này, tôi không nghĩ rằng điều đó là có thể, nhưng tôi thấy có cơ hội để Trung Quốc đưa ra đánh giá mang tính thực tế về những gì đang xảy ra ở đây.”

VI ANH

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT