Đầu năm ngoái, một mạng thông tin và bình luận chính trị báo cho độc giả biết họ nhận được rất nhiều cú điện thoại...
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn của cựu Tổng Thống Donald Trump, đang bị còng tay theo thủ tục bắt ông đến trước Tòa Thượng Thẩm Tiểu Bang New York để nghe luận tội vụ lừa đảo “Chúng Ta Xây Tường” (We Build the Wall) dùng tên ông Trump ngày 8 tháng 9, 2022. Theo cáo buộc của chính quyền, vụ lừa đảo này mang về $25 triệu nhóm của ông Bannon. (Michael M. Santiago/ Getty Images)
Bài NGÔ NHÂN DỤNG
Đầu năm ngoái, một mạng thông tin và bình luận chính trị báo cho độc giả biết họ nhận được rất nhiều cú điện thoại yêu cầu ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump. Đó là những máy tự động gọi điện thoại (robocalls) có thể gọi đi hàng triệu nơi một lúc, người nghe muốn trả lời chỉ cần nhấn mấy cái nút là xong việc.
Nhiều cú robocalls gọi cho POLITICO nói ngay một mục tiêu rõ rệt, và cụ thể. Thí dụ, “Xin ông/bà tặng $100 đô la để vận động bắt công ty Twitter phải đưa Tổng Thống Trump trở lại sử dụng diễn đàn.” Có lúc điện thoại yêu cầu đóng góp một số tiền nhỏ để bảo vệ bức tường của Tổng Thống Trump ở biên giới U.S.-Mexico, vì đảng Dân Chủ muốn phá hủy. Tặng một số tiền tương đương, quý vị có thể “chặn đứng Kamala Harris và chủ nghĩa xã hội.” Các cú điện thoại trên có khi kèm theo một câu do chính Tổng Thống Trump nói, nghe đúng giọng của ông, trích từ một băng ghi âm nào đó. Nghe như thật!
Một công ty “tiếp thị viễn liên” (telemarketing) tạo những robocalls kiểu đó, đã quả quyết với nhà báo rằng “tất cả” tiền đóng góp đều được “chuyển thẳng tới Tổng Thống Trump.” Nhưng không ai biết người nào đứng ra tổ chức, cũng không thấy các ủy ban vận động (PAC) của ông Trump, như Save America PAC nhắc gì đến chuyện này.
Nhiều telemarketers khác nói họ làm việc tình nguyện không lương cho “Chiến Dịch Hỗ Trợ Lãnh Đạo Mỹ” (Campaign to Support American Leaders PAC). Nhưng không thấy ban vận động này ghi danh với Ủy Ban Bầu cử Liên Bang (FEC, Federal Election Commission). Năm 2019 một PAC mang tên gần giống, “Hỗ Trợ Lãnh Đạo Mỹ” (không có chữ Campaign) đã xuất hiện để ủng hộ ông Trump nhưng đứng ngoài, không quan hệ với ban tranh cử của ông. Nhóm này có thật, năm 2020 đã gây quỹ được $2.5 triệu mỹ kim, và đã sử dụng $375,000 để cổ động người dân bỏ phiếu cho ông Trump! Ngoài ra, họ không gửi đồng nào góp cho quỹ tranh cử của ông cả. Trả lời nhà báo POLITICO, ông Kelly Sadler, phát ngôn viên của ủy ban “Nước Mỹ Trước Hết” (America First Super PAC) của chính ông Trump thật, nói rằng, “Chúng tôi không thể ngăn cản họ được.”
Cựu Tổng Thống Trump thừa biết thế nào cũng có người lạm dụng tên ông. Ngay từ khi kinh doanh địa ốc ông đã chủ ý biến tên của mình thành một nhãn hiệu được đăng ký đáng giá. Ông xây dựng Tòa Tháp Trump giát vàng lộng lẫy ở New York để cả thế giới phải biết đến. Sau đó ông cho thuê tên mình, tòa nhà nào muốn mang tên Trump phải trả lệ phí và bị kiểm soát coi có đàng hoàng hay không. Khi ông vay mấy trăm triệu tiền mở sòng bài, sòng bài mang tên ông cũng phải trả lệ phí, ngoài số tiền lương trả cho ông khi ông làm chủ tịch hay giám đốc. Đến lúc sòng bài thua lỗ khai phá sản, ông đã thu hồi nhiều hơn số tiền bỏ vào góp vốn, còn các ngân hàng đành mất nợ.
Từ khi ông nhậm chức tổng thống, giá trị của cái tên Trump lên cao vọt trong trường chính trị, mặc dù giảm xuống trong ngành địa ốc; vì nhiều chủ nhà không muốn dùng một nhãn hiệu có người yêu, người ghét.
Trước cảnh những người lợi dụng tên mình để gây quỹ rồi cầm tiền bỏ túi, ông Trump đã chính thức cảnh cáo không ai được lợi dụng, nếu không sẽ bị kiện. Các dân biểu, nghị sĩ, đến các nghị viên thành phố hay quận cũng không được dùng tên ông để gây quỹ. Những tổ chức chính thức như Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa (RNC, Republican National Committee) và các ủy ban tương tự nhắm gây quỹ cho các cuộc bầu cử Hạ Viện (NRCC) và Thượng Viện (NRSC), đều được luật sư của ông Trunp báo tin không được sử dụng tên hoặc hình ảnh của ông nếu không xin phép trước. Ông Justin Riemer, luật sư của RNC, đã nhắc nhở rằng họ có quyền nói đến ông vì ông là một nhân vật của công chúng (public figure); ông phải Trump đồng ý.
Một quỹ đáng tin cậy để những người hâm mộ góp tiền, “Save America PAC” là do ông Trump lập ra. Quỹ đã thu được khoảng $250 triệu kể từ năm 2021, hầu hết chỉ ông Trump mới có quyền sử dụng.
Không riêng nhãn hiệu Trump mà bất cứ nhãn hiệu chính trị nào, Cộng Hòa hay Dân Chủ đều có thể lợi dụng để kiếm tiền. Tên Joe Biden không được dùng nhiều vì nhãn hiệu Biden bán không chạy!
Tháng Năm vừa qua ủy ban tranh cử của cựu Tổng Thống Trump đã công bố danh sách những nhóm lợi dụng tên hoặc hình ảnh ông để kiếm tiền. Trước đó, họ đã biết một tổ chức lấy tên “Liên Minh Tổng Thống” (The Presidential Coalition) do David Bossie lập ra, ông này đã làm trong ban vận động năm 2016 của ông Trump. Năm 2017 nhóm này quyên được $5 triệu đô la, rồi tới năm 2020 thâu được $13 triệu. Phần lớn số tiền này dùng để chi phí cho công việc của nhóm, ông Bossie lãnh lương rất lớn, chưa kể các chi phí cho ông. Trong số $15.4 triệu đô la thu được trong hai măm 2017 và 2018, chỉ có 3% được dùng để vận động cho các ứng cử viên Cộng Hòa.
Các khẩu hiệu ông Trump đưa ra và các biến cố liên quan đến ông đều dễ bị lợi dụng. America First là khẩu hiệu kiếm lời nhiều nhất. Không ai chiếm độc quyền dùng những chữ Anh thông thường này! Năm 2020, trong sáu tháng một nhóm mang tên America First ở Florida gây quỹ được gần nửa triệu mỹ kim, phần lớn do những người ủng hộ $200 đô la trở xuống. Nhóm này không chi một xu nào để cổ động cho ông Trump hay các ứng cử viên Cộng Hòa. Trong sổ sách các món tiền chi ra đều dùng để trả cho các công ty quảng cáo chuyên nghề đi quyên tiền! Năm 2018 một PAC khác nêu danh ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa Javier Manjarres. Họ thu được $1.6 triệu đô la nhưng hầu hết dùng trả các chi phí tương tự.
Nhưng bất cứ chuyện gì, biến cố nào có liên can đến tên Trump đều “bán” được! Thí dụ, khi FBI đến khám nhà ông ở Mar a Lago, rất nhiều trang Facebook lên tiếng đả kích chính phủ Biden và đảng Dân Chủ. Họ không quên thống thiết kêu gọi “quốc dân đồng bào” góp chút tiền để chống “âm mưu chính trị hóa” cơ quan tư pháp! Không biết ông Trump có nhận được một đồng nào từ đó hay không! Những người đóng góp thường khi không nhớ mình đã cho tiền những quỹ nào.
Một người biết cách kiếm tiền nhờ liên hệ đến Tổng Thống Trump là Stephen K. Bannon, một cố vấn chiến lược trong cuộc tranh cử năm 2016, đã làm việc ở Tòa Bạch Ốc chừng một năm. Ông Bannon, 68 tuổi, mới bị biện lý thành phố New York truy tố về nhiều trọng tội (felony) trong đó có các tội lừa đảo và rửa tiền.
Ông Bannon và vài người nữa đã thành lập tổ chức “Chúng Ta Xây Tường” (We Build the Wall Inc.), để gây quỹ, thâu được đến $25 triệu. Họ nói không ai lãnh một đồng lương nào cả vì sẽ dùng tất cả số tiền đó để xây tiếp bức tường biên giới Mexico. Nhưng cuối cùng mấy người đó đã sử dụng hàng triệu mỹ kim cho việc riêng. Năm 2021, trong những ngày cuối ở Tòa Bạch Ốc, Cựu Tổng Thống Donald Trump đã ký lệnh ân xá cho ông Bannon, trong khi ông đang bị cảnh sát liên bang điều tra. Nhưng lệnh ân xá này không ảnh hưởng gì đến hệ thống tư pháp tiểu bang New York, nên ông Bannon sẽ phải hầu tòa. Những người chủ mưu lập We Build the Wall với ông, không được ân xá, đã nhận tội trước tòa liên bang để được xử án nhẹ.
Ông Stephen K. Bannon bị mấy người ở New York đã góp tiền cho ông đệ đơn kiện vì quá nổi tiếng, số tiền ông thu vào khá lớn. Nhưng ngoài ông ra còn rất nhiều người vẫn lợi dụng uy tín và tên hiệu, hình ảnh của Tổng Thống Trump để sinh lợi. Những cụ già về hưu nay góp $75 mai góp $125 đô la, cho những quỹ nào họ cũng quên, không ai muốn điều tra để kiện cáo làm gì.
(Nguồn: VOA blog)
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Nguồn gốc người da đỏ bản địa ở Mỹ
Họ tìm ra Châu Mỹ lúc đó đã có người sống rồi. Nhưng dân da trắng Âu Châu đem văn mình của mình chiếm lấy chủ quyền và đưa người ...
Bồ Tát Quán Thế Âm là ai?
Chúng ta thường nghe nhắc đến các vị Bồ tát như Quán Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền..., vậy những ai được gọi là Bồ tát?
Đại tá Hung Cao đừng coi thường người Á Châu
Cao Hùng, một người nhập cư, đã đến Hoa Kỳ cùng cha mẹ với tư cách là người tị nạn từ Việt Nam vào năm 1975.