Trong sự suy nghĩ ngây ngô của chúng tôi lúc đó, “giúp gì khác” nghĩa là kẹo chocolate, thuốc lá, gởi thư… Câu trả lời khẩn khoản của người phụ nữ làm chúng tôi chết lặng: “Xin giúp chúng tôi, đồng bào của chúng tôi đang chết!”
Thuyền nhân Việt Nam trên đảo Air Raya 1978. (Archive of Vietnamese Boat People)
Tiếng kêu cứu từ trại tị nạn Air Raya, Indonesia 40 năm trước
Bài NGỌC ÂN
Năm 1979, khi thảm trạng thuyền nhân Việt Nam liều chết tìm đến thế giới tự do làm rúng động lương tâm nhân loại, đoàn quay phim của Đài Truyền Hình Canada (CBC) đã thực hiện một chương trình thời sự về thảm trạng thuyền nhân Việt Nam tại các quốc gia Hồng Kông, Mã Lai và Nam Dương (Indonesia).
Trích đoạn sau đây do ký giả Harry Elton tường thuật, được chiếu trên đài CBC vào ngày 11 tháng 9, 1979:
“Sau khi đến Hồng Kông và Mã Lai, chúng tôi vẫn muốn tìm đến các hoang đảo của Indonesia để tìm hiểu về số phận của các thuyền nhân Việt Nam trôi dạt vào đó. Chúng tôi được nghe kể rằng những con thuyền vượt biển mong manh của họ trôi dạt vào những hoang đảo thuộc Quần Đảo Anambas, và cứ mỗi người sống sót, thì ít nhất một nguời thiệt mạng.
(CBC)
“Từ Mã Lai, chúng tôi chỉ có giấy phép bay đến Jakarta, rồi sau đó phải tự xoay sở để đến được các hoang đảo, chúng tôi biết sẽ phải tìm cách bay lên hướng bắc lại, vượt qua biển Nam Hải. May mắn, nhờ có các công ty khai thác dầu hoả của Canada trong vùng biển này, đặc biệt công ty dầu hỏa Marathon Oil, nhóm phóng viên ba người chúng tôi được đi theo máy bay nhỏ của các công ty dầu hỏa, cùng với một vài đại diện của họ. Những người này cũng kinh ngạc và tò mò muốn tìm hiểu về hành trình vượt biển của thuyền nhân Việt Nam.
“Quan sát từ trên không, chúng tôi cảm thấy kinh hoàng về vùng biển Nam Hải vắng lặng và mênh mông này, trải dài là những hòn đảo không có người ở, trên vùng biển không hề có tầu bè qua lại. Đã được cho biết về con số thuyền nhân chỉ trong năm 1979, cứ mỗi người sống sót đến được đất liền, thì một người khác thiệt mạng, và chỉ từ đầu năm đến lúc chúng tôi thực hiện phóng sự vào giữa năm 1979, đã có ít nhất 75,000 người thiệt mạng trên biển, và con số sẽ còn tăng cao, vì sắp sửa đến mùa bão. Cho dù chưa vào mùa bão, trong ba tiếng đồng hồ bay, chúng tôi cũng đã phải đối phó với bão. Sau đó chúng tôi được chuyển qua trực thăng, bay thêm một tiếng rưỡi, đoạn đường bay ngắn ngủi này bằng với 30 tiếng đi bằng tầu trên biển.
“Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được quần đảo Anambas, ngôi làng có tên Letung là địa điểm đầu tiên chúng tôi nhắm tới. Từ trên trực thăng nhìn xuống Letung, cảnh đàn trẻ em, đông có đến hàng trăm, chạy đổ ra bãi đáp trực thăng làm chúng tôi sợ đến thót tim, chúng không biết điều đó cũng giống như tự tử vậy! Rồi đàn trẻ cũng được đưa vào nơi an toàn để trực thăng có thể hạ cánh. Máy bay chỉ có thể cho chúng tôi đi nhờ ba tiếng ngắn ngủi nữa cho cả cuộc hành trình, và Letung chưa là địa điểm cuối cùng.
Đàn trẻ em chạy ra xem trực thăng hạ cánh tại Letung. (CBC)
Người tị nạn bơi ra đón con thuyền có nhóm phóng viên Tây Phương đầu tiên đến trại Air Raya. (CBC)
“Mau chóng, chúng tôi quan sát và ghi nhận sinh hoạt tại Letung, là trung tâm phân phối thực phẩm cho người tị nạn trong cả vùng quần đảo Anambas. Tuy người dân sống trên đảo là người Indo, nhưng sự thật thì người tị nạn Việt Nam có vẻ còn đông hơn người bản xứ. Dù đã biết thực phẩm của Cơ Quan Thực Phẩm Liên Hiệp Quốc dành cho người tị nạn ít nhiều cũng bị tuồn ra chợ đen, thật khó tưởng tượng phố chợ chính của Letung lại tràn ngập thực phẩm cứu trợ bị đem bán tràn ngập. Tuy không chứng minh được bằng con số, nhưng chỉ cần quan sát cũng thấy vấn nạn tị nạn thuyền nhân lại đem lại lợi nhuận cho các viên chức của Mã Lai và Indo khá rõ ràng!
Bệnh viện trại tị nạn Air Raya (CBC)
“Chúng tôi cần phải nhanh chóng di chuyển tiếp đến địa điểm chính, Air Raya, nơi có trại tị nạn, cần một tiếng đi bằng tầu từ Letung. Lần này đi cùng chúng tôi còn có một cô gái Việt Nam đến từ Pháp, cô này đã ròng rã nhiều ngày đi qua các trại tị nạn một cách rất bình tĩnh và có hệ thống, để kiếm cha mẹ của cô, chỉ được biết đã vượt biển nhưng không biết còn sống sót hay không. Cô đem theo hy vọng chứa chan, ít nhất cô có mục đích để hồi hộp mong chờ, trong khi chúng tôi vẫn chưa biết điều gì sẽ chờ đợi mình ở trại tị nạn, vì chúng tôi là nhóm phóng viên Tây phương đầu tiên đến trại.
“Chiến thuyền nhỏ từ từ đến gần đảo, đây rõ ràng là một hoang đảo, người bản xứ không sống ở đây, chỉ có người tị nạn Việt Nam đổ ra bãi cát chào đón chúng tôi. Trại có 12,000 người, chỉ thấy những căn lều tạm, không có bóng dáng của bất kỳ một căn nhà nào vững vàng, không nguồn thực phẩm nào cả, cũng không có cầu tầu cho thuyền đậu vào bờ, người tị nạn bơi ra đón thuyền của chúng tôi vào.
Cô gái Việt từ Pháp đến tìm cha mẹ (CBC)
“Chúng tôi chỉ có một tiếng lưu lại trại tị nạn, và không có cách nào để quay phim trong cảnh trại toàn người là người, chúng tôi vào được đến Bệnh Viện dã chiến của trại, và có chút khoảng trống để có thể ghi hình. Các bác sĩ và y tá, cũng đều là người tị nạn, cho chúng tôi biết các chứng bệnh sốt rét, tiêu chảy, thiếu dinh dưỡng, đang là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong trại.
Con suối trong trại (CBC)
“Trong khi đó, toàn trại xôn xao nhờ chúng tôi gởi thư, nhắn tin đã đến nơi, tìm thân nhân thất lạc, với người tị nạn thì điều này cần thiết nhất. Trong thoảng chốc, 4,000 lá thư nhanh chóng đưa đến tay chúng tôi. Trước khi rời trại, chúng tôi hỏi vị đại diện trại liệu chúng tôi có thể giúp gì khác được không?
Letung nhìn từ trên không (CBC)
Chợ Letung (CBC)
Con thuyền từ Letung đến Air Raya (CBC)
“Trong sự suy nghĩ ngây ngô của chúng tôi lúc đó, “giúp gì khác” nghĩa là kẹo chocolate, thuốc lá, gởi thư… Câu trả lời khẩn khoản của người phụ nữ làm chúng tôi chết lặng: “Xin giúp chúng tôi, đồng bào của chúng tôi đang chết!” Cũng tuyệt vọng chẳng kém gì người tị nạn, nhóm chúng tôi chỉ có đem theo túi dụng cụ cấp cứu và thuốc tiêu chảy cá nhân nhỏ nhoi có sẵn, vậy mà đã tăng gấp đôi số thuốc tây cần có của trại! Trong điều kiện vệ sinh tồi tệ của trại, cứ cách hai đến ba ngày là có một em nhỏ chết vì tiêu chảy, nhưng cũng lại có các em bé khác được sinh ra.
“Cho dù thời tiết nóng cháy da, ruồi bọ, mùi hôi hám của mọi điều căn bản vệ sinh thiếu thốn, khi chúng tôi rời trại, nụ cười vẫn nở trên môi mọi người, rạng rỡ. Thuyền nhân Việt Nam quả thật là những người dũng cảm. Cô gái Việt đến từ Pháp ở lại trại, vẫn hy vọng trong 32,000 người đang tạm trú ở các đảo khác trong quần đảo Anambas có cha mẹ của cô. Thuyền đã rời bãi, vẫn còn có người cố bơi ra đưa lá thư cuối cùng.”
Những nấm mộ trong trại tị nạn Air Raya (CBC)
4,000 lá thư nhờ gởi đi (CBC)
Lá thư cuối cùng (CBC)
Chia tay Air Raya (CBC)
Đón đọc kỳ tới: Letung, Air Raya, Kuku 40 năm sau
(Source: CBC Digital Archives. Broadcast date: September 11, 1979)
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Con gái nghệ sĩ Đức Tiến hôn lên mộ của ba khi được mẹ dẫn ra viếng thăm ba ở nghĩa trang
Bé Mèo, cô con gái 4 tuổi của Đức Tiến được mẹ cho ra thăm mộ ba để bày tỏ nỗi nhớ nhung
Cha mẹ không cần phải có học vấn mà chỉ cần làm được 2 điều này cho con để có tương lai sáng lạn hơn
Cha mẹ học vấn bình thường nhưng nếu có phương pháp giáo dục đúng đắn thì hoàn toàn có thể khiến con cái "lội ngược dòng"
Danh ca Chế Linh nói về tranh cãi về quyền tác giả với nhạc sĩ Vinh Sử
Danh ca Chế Linh đã chính thức lên tiếng về những tranh cãi liên quan đến 1 ca khúc mà ông từ cho Nhạc sĩ Vinh Sử khi cuộc sống ...