Quần đảo Anambas thuộc Indonesia (Nam Dương), có tới 225 đảo nhỏ, nằm sát biên giới với hải phận quốc tế,...
Chuyến bay đầu tiên từ Singapore tới Anambas Le Tung (Hình: Tôn Thất Vinh)
Bài NGỌC ÂN
Quần đảo Anambas thuộc Indonesia (Nam Dương), có tới 225 đảo nhỏ, nằm sát biên giới với hải phận quốc tế, là nơi trước đây có các trại tị nạn Kiku, Air Raya, cũng như một số địa điểm khác như Letung, Tarempa, từng tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam tạm trú trước khi được đưa về trại chuyển tiếp Galang.
Letung là thành phố biển nằm trên đảo Jemaja, thuộc quần đảo Anambas, chỉ có thể đến được bằng đường biển (ngoại trừ một số công ty dầu hoả có trực thăng riêng của họ). Đến năm 2017 mới có phi trường được khởi công xây dựng tại đây.
Quang cảnh bên đường từ phi trường về nhà trọ (Hình: Tôn Thất Vinh)
Cuối tháng Ba năm 2019, nhóm chúng tôi được đáp chuyến bay đầu tiên từ Singapore đến Letung, chỉ có một giờ bay, thay vì phải đi bằng đường biển mất hơn tám tiếng. Vì là chuyến bay khánh thành đường bay mới, hành khách nội địa đều là những nhân vật quan trọng của vùng Anambas, đàn ông đóng bộ vest, phụ nữ mặc áo đầm dài truyền thống, đi guốc cao gót, ai cũng mặt mũi căng thẳng, không như nhóm chúng tôi, áo quần nhẹ nhàng đơn sơ, lại còn hí hửng ôm theo cả nón lá Việt Nam, vì đã có kinh nghiệm phải chịu nắng gắt gao của hải đảo từ những chuyến đi trước.
Máy bay nhỏ có khoảng 60 chỗ, nhóm chúng tôi đã chiếm hết một nửa máy bay! Tuy chưa phải là mùa mưa hoặc bão, càng lên cao máy bay nhỏ có hai cánh quạt càng lắc, có tiếng ai than phiến “máy bay gì lắc như ghe đi vượt biên!” Tiếng cười rúc rích, tiếng nói chuyện thưa dần, mọi người gà gật ngủ.
Nhà trọ đãi khách đặc sản địa phương (Hình: Tôn Thất Vinh)
Yên lặng quan sát vùng biển vắng lặng mênh mông đến rợn người bên dưới, không một bóng tàu thuyền qua lại, đột nhiên nước mắt tôi muốn trào ra, nghĩ đến biết bao con thuyền mong manh vượt biển năm xưa, tôi hiểu tại sao đồng bào tôi chết, chết dễ quá, sống mới là lạ nếu trôi vào vùng biển này, nhất là trong mùa bão tố. Còn khoảng 15 phút đường bay, bắt đầu thấy đảo, đúng là xứ sở của chục ngàn đảo, đảo nối tiếp đảo, bồng bềnh như mây.
Máy bay hạ cánh xuống phi trường Letung mới tinh. Chuyến xe về nơi sẽ đón tiếp chúng tôi trong năm ngày ở lại Letung chầm chậm ra khỏi phi trường. Đường đất đỏ gồ ghề, quang cảnh hệt như đồng quê miền tây Việt Nam, chuối, dừa, soài, ổi, xanh mướt.
Từ nhà trọ nhìn lên đồi có thể thấy nghĩa trang tại thành phố biển Letung nằm trên đảo Jemaja, thuộc quần đảo Anambas, Nam Dương trong hình chụp năm 2019. (Hình: Tôn Thất Vinh)
“Chuẩn bị tinh thần nha bà con, về chỗ ở thoải mái cầu cá tra nha, tha hồ mát mẻ!” Nghe sợ xanh mặt, sao không ai báo trước vậy ta?
Lục tục xuống xe, chủ nhà trọ đón chúng tôi bằng dừa mới hái, chuối mới chiên, bắp hấp còn nóng hổi, quên hết nỗi sợ “cầu cá tra,” chỉ trong thoáng chốc, bắp và trái cây được chiếu cố tận tình, trừ chuối chiên hơi khác, chuối chát, không phải chuối chín như kiểu Việt Nam, chấm với mật ong, còn lại trên bàn.
Mộ ở nghĩa trang Le Tung năm 2019 (Hình: Tôn Thất Vinh)
Tiếng cầu kinh của đạo Hồi vang vang trên loa phóng thanh thành phố đánh thức chúng tôi dậy, các chị cùng phòng hối thúc, “Lẹ lẹ, ra nghĩa trang thăm đồng bào cho kịp trước khi trời tối.”
Từ nhà trọ có thể nhìn thấy nghĩa trang trên đồi ngay trước mặt. Đi ngang qua vài căn nhà trước ngõ đi lên đồi, thấy các cô, các chị người địa phương gật gật đầu, tay chỉ lên nghĩa trang. À! Thì ra con phố nhỏ xíu, ai cũng biết ai, có vẻ mọi người đã quen cảnh hàng năm mùa Thanh Minh có những người từ xa đến thăm mộ.
Mộ ở nghĩa trang Le Tung năm 2019 (Hình: Tôn Thất Vinh)
Nghĩa trang nằm trên ngọn đồi bé xinh nhìn xuống biển xanh như ngọc, có khoảng hơn mười ngôi mộ. Được biết một số là của những thuyền nhân từ đảo Air Raya đi đò chợ sang Letung bị đám thuyền ngày 30 tháng 5, 1979, khoảng bảy, tám mộ trên bia viết tiếng Hoa, còn 5 mộ tiếng Việt, chữ trên mộ bia còn rõ như sau:
- Vương Kim Ngoan, sinh ngày 18 tháng 4, 1971 tại Việt Nam, mất ngày 15 tháng 5, 1979 Indonesia
- Hồ thị Nga, sinh 1951, Quảng Nam, mất 30 tháng 5, 1979. Ba má & các em cùng cải táng 04/02/ Canh Dần
- Chiêm Thành Kỷ, Sinh 1948 Ất Dậu, Sóc Trăng, mất 30 tháng 5, 1979, 5 tháng 5, Kỷ Mùi
- Huỳnh thị Meo, sinh 1950, từ trần 17 tháng 4, 1979
- Ta Tu Yen, Boat MH 4518. Sinh 8/11/1956, mất 6/6/1979
Mộ ở nghĩa trang Le Tung năm 2019 (Hình: Tôn Thất Vinh)
Trong năm ngôi mộ kể trên, mộ chị Ta Tu Yen là đặc biệt nhất, mới nhất, bia viền mầu vàng đất, khung ảnh cũng vàng, tên cũng màu vàng, viết bằng ba thứ tiếng Việt, Hoa, Anh. Có điều khung ảnh quá đẹp mà lại không có hình.
Ngoài ra, còn một nấm mộ không có bia, nhỏ xíu, nằm xiêu vẹo giữa các bậc xi măng lên đồi, có cành cây được đan dấu Thánh Giá cắm trên đầu mộ, và một ngôi mộ nữa năm 1990, có vẻ như của người Việt, nhưng chữ viết tay khó đọc nên không rõ tên.
Mộ ở nghĩa trang Le Tung năm 2019 (Hình: Tôn Thất Vinh)
Các cô chú, anh chị trong nhóm sau khi đốt vàng mã, cắm nhang trên từng mộ, thì vội vã gọi nhau về, hẹn ngày mai cùng đi với hai vị Hòa Thượng ra cử hành nghi thức tưởng niệm chu đáo hơn.
“Chiều nay là nhớ đồng bào quá chạy vội lên, ngày mai mình trở lại em.” Chị Kim Hường và hai, ba anh chị trong nhóm là người Công Giáo, đọc kinh vắn tắt, rồi cũng vội đi xuống.
Đứng trên lưng đồi gió biển hơi choáng ngợp, có gì trì kéo bước chân tôi, dừng lại một lần nữa trước mộ chị Ta Tu Yen, mầu vàng đất trên mộ chị ấm áp sao đâu. Tôi buộc miệng nói, “Chị Yến ơi, em thấy chị Hồ Thị Nga ở gần hình đẹp quá, sao chị Yến không có hình!”
Mộ ở nghĩa trang Le Tung năm 2019 (Hình: Tôn Thất Vinh)
Có tiếng nhà thơ Lâm Hảo Khôi trả lời sau lưng, “Hai năm trước tụi tôi thấy có hình, có vẻ là hình vẽ, không phải hình chụp, bây giờ bị phai mờ hết rồi.”
Thì ra các anh Lâm Hảo Khôi, anh Hữu và anh Long Kha còn dừng lại đợi. Anh Hữu nhẹ nhàng nhắc, “Đi về thôi, mặt trời lặn nhanh lắm, chậm chân là khó thấy đường xuống.”
Anh Long chắc biết tôi còn muốn hỏi tiếp, trả lời luôn, “Muốn hỏi tại sao mộ màu vàng đúng không, về ăn cơm rồi thắc mắc tiếp!”
Mộ ở nghĩa trang Le Tung năm 2019 (Hình: Tôn Thất Vinh)
Có điều gì nghe bồi hồi, như ánh mắt ai trông theo. Biển xanh như ngọc bắt đầu tím, hoàng hôn đẹp kỳ diệu ở Letung, sao lòng cứ vương vấn màu vàng ấm áp, kiêu sa nữa trên mộ phần chị Yến.
Mai nhé, mai lại lên đồi thăm mộ đồng bào. Ngủ ngon, Letung.
Viết bình luận đầu tiên
ĐỌC THÊM
Con gái nghệ sĩ Đức Tiến hôn lên mộ của ba khi được mẹ dẫn ra viếng thăm ba ở nghĩa trang
Bé Mèo, cô con gái 4 tuổi của Đức Tiến được mẹ cho ra thăm mộ ba để bày tỏ nỗi nhớ nhung
Cha mẹ không cần phải có học vấn mà chỉ cần làm được 2 điều này cho con để có tương lai sáng lạn hơn
Cha mẹ học vấn bình thường nhưng nếu có phương pháp giáo dục đúng đắn thì hoàn toàn có thể khiến con cái "lội ngược dòng"
Danh ca Chế Linh nói về tranh cãi về quyền tác giả với nhạc sĩ Vinh Sử
Danh ca Chế Linh đã chính thức lên tiếng về những tranh cãi liên quan đến 1 ca khúc mà ông từ cho Nhạc sĩ Vinh Sử khi cuộc sống ...