Đời Sống Việt

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tiếng nước mình

Saturday, 07/01/2023 - 11:52:55

Mọi cố gắng, chắt chiu, thương khó để bảo tồn tiếng mẹ đẻ của hàng triệu người dân Việt, đang lưu lạc ở khắp bốn phương là do sự thôi thúc tiềm ẩn từ vô thức.



Giữa khe cửa trước nhà, bữa rồi, thấy có gài một mẩu giấy quảng cáo – với dòng chữ in đậm – trộn lộn cả hai thứ tiếng Việt/Anh: “Under New Management. Tăng Cường Ẩm Thực. Tăng cường giờ mở cửa tới midnight.” Đọc nghe hơi chương chướng nhưng tui cũng hiểu được liền, và còn đoán được luôn tác giả: cha nội Hải Ký Mì Gia – ở ngay ngã tư đầu đường – chớ còn ai vô đó nữa!

Tiệm này “chuyên trị” mì gà chiên và mì vịt tiềm. Thỉnh thoảng, tui vẫn ghé qua và lần nào cũng có trao đổi với chủ nhân đôi câu chào hỏi (xã giao) nên biết cái kiểu nói chuyện và hiểu ý của ổng mà: “Tiệm có quản lý mới. Thực đơn phong phú hơn. Từ đây sẽ mở cho tới tận khuya.”

Ông chủ người Minh Hương, sinh trưởng ở Bạc Liêu, vượt biên hồi đầu thập niên 1980. Dân Việt gốc Hoa, sống ở Mỹ gần nửa thế kỷ mà vẫn viết được “tiếng nước tôi” như vậy là ngon lành cành đào rồi – đúng không?

Tôi đã từng “đụng chuyện” với một vị “người Hoa gốc Tầu” nữa kìa. Ổng viết tiếng Việt (theo kiểu gu gồ) đọc mà muốn khóc bằng … tiếng Tây luôn. Thằng chả (chắc) là chủ nhân của một hãng làm thức ăn khô của Đài Loan hay Hồng Kông gì đó, và sản phẩm được bầy bán ê hề ở California, bao bì cũng in một dòng chữ trộn lộn cả hai thứ tiếng Việt/Anh: Chuẩn Bị Con Cá Mực – Prepared Cuttlefish!

Cái gì vậy, hả Trời? Thông minh tới  cỡ tui mà phải mất mấy chục giây mới hiểu (té ra) là … Khô Mực Ăn Liền. Thiệt là thầy chạy!

Tiếng Việt, cũng như dân Việt – trên bước đường lưu lạc – tránh sao khỏi những cảnh ngộ bi hài hay những mảnh đời tơi tả. Kampuchea là nơi không thiếu những cảnh tình này. Nhà báo Ngy Thanh đã từng cảm thán: “Người ta bảo sông có khúc, người có lúc. Thế mà, khúc đời nào của Việt Kiều Cambodia cũng nhiêu khê. Thời nào của họ cũng là thời mạt vận.”

Việt ngữ ở đây cũng thế, cũng “mạt vận” chả khác chi người.

Theo tường trình của MIRO (Minority Rights Organization) thì có khoảng năm phần trăm, hay 750,000 người gốc Việt đang sinh sống ở Xứ Chùa Tháp. Đây là nhóm dân thiểu số đông nhất ở đất nước nhỏ bé này. Phần lớn đều không có được một tờ giấy lận lưng (không khai sinh, cũng không căn cước) nên không được quyền tiếp cận với bất cứ dịch vụ xã hội nào cả. Họ cũng không có quyền sở hữu tài sản hay đất đai gì ráo. Bởi vậy, rất nhiều kiều bào ở Miên hiện vẫn sống trong những túp lều tranh (lều bều như mấy dề lục bình) trên mặt Biển Hồ – Tonlé Sap.

Chắn chắn không nơi nào trên trái đất này mà dân Việt phải sống lam lũ và thảm thương đến thế. Y tế cũng như giáo dục đều là những điều xa xỉ, nói chi đến chuyện báo/đài hay một cái trường (Việt Ngữ) cho những đứa bé luôn trôi nổi bấp bênh.

Vậy mà chả hiểu nhờ vào cơ duyên nào đó, năm 2008, bỗng dưng có vài người Việt từ Canada lặn lội đến tận làng Kampong Luong (Kampong Luong Floating Village) làm tặng cho dân ấp Koh Ka Ek một ngôi trường tử tế.

Mãi đến năm 2014, tôi mới theo chân sư Minh Trí (người sáng lập Hội Vì Dân – Vidan Foundation) lò dò tìm đến chốn này. Tới nơi thì trường học đã nằm chỏng chơ trên cạn vì nổi hết được rồi.

Sau khi gắn vô mấy chục cái thùng phuy nhựa mới (mỗi cái cỡ $25 Mỹ Kim) và dặm thêm một mớ lồ ô hai bên cạnh sườn (không có tre để giữ cân bằng nó sẽ bị bồng bềnh) rồi sửa sang lại chút đỉnh thì kể như êm. Tụi nhỏ lại có cơ hội đến trường ê a (“mờ a ma sắc má” – “ba a ba huyền bà”) như trước.

Năm 2012, lại có thêm một cơ duyên kỳ diệu nữa, người Việt từ Perth (Australia) cũng lặn lội đến tận làng Kandal – thuộc xã Phsar, tỉnh  Kampong Chhnang – để xây tặng cho đồng bào mình một ngôi trường bề thế, tốn kém cả trăm ngàn Mỹ Kim chứ không phải ít.

Vài ba năm sau, sư Minh Trí cũng đưa tui đến đây luôn. Chúng tôi đều hân hoan khi nhìn thấy ba lớp học được dựng trên những cột xi măng vuông vắn và vững chắc, bên trong được trang bị bàn ghế đàng hoàng. Chỉ kẹt cái là nó không có điện, cũng không có nước nên WC vô phương sử dụng.

Chuyện nhỏ thôi (so với tiền của và công sức của bao nhiêu người VN tại Úc) nên chúng tôi hăng hái bắt điện, bơm nước, gắn quạt máy, và còn lát xi măng luôn cả cái nền để vào mùa khô học sinh có chỗ chơi đùa.

Từ đó –  theo sự cắt đặt của nhà sư – tôi vẫn thường trở lại thăm non hai cái trường này (cùng dăm ba lớp học ở vài nơi khác nữa) để mang sách vở bút viết cho học sinh, và chút tiền trợ cấp cho mấy vị giáo viên.

Tới đâu, tôi cũng đều “lớn tiếng” lập đi lập lại cái quan niệm rất thực tiễn và cấp tiến của mình: Xin quý thầy cô đừng quá quan tâm đến Việt Ngữ. Thay vào đó hãy dùng thời giờ dậy các em làm được mấy phép tính (cộng - trừ - nhân - chia) căn bản, và đọc được tiếng Miên để sau này chúng có thể sinh tồn một cách dễ dàng hơn nơi đất nước này.

 

Cái quan niệm “đúng đắn và cấp tiến” đó, mới đây,vừa bị thử thách (một cách vô cùng nghiêm trọng) khi tôi ghé qua lớp học ở Bati – nằm trong khuôn viên của Chùa Ông Quan Đế, thuộc huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng – vào tháng 11 năm rồi. Đây là một nơi hết sức đặc biệt vì người Việt chả những có chùa (và ban trị sự) mà còn có cả hội đồng hương tề luôn nữa.

Tôi được coi là khách quý, đến tự phương xa, và được hân hạnh họp mặt với tất cả quý vị chức sắc địa phương. Họ đều thuộc vào hàng lão hạng nên tôi rất nhỏ giọng khi lập lại quan niệm (cố hữu) của mình là “con cháu chúng ta cần học toán và học tiếng Khmer để sinh tồn, chứ không phải là Việt Ngữ. Mỗi đứa trẻ chỉ được tới trường vài ba năm thôi, mất thời giờ học tiếng Việt làm chi khi mà cái cơ hội đọc được một tờ báo (hay viết một cái thư) bằng Việt Ngữ kể như là bằng không. Chỉ cần sắp nhỏ vẫn nói chuyện bằng tiếng nước mình là cũng đã tốt lắm rồi, chớ…”

Tôi chưa dứt lời mà không khí buổi họp đã trầm hẳn xuống. Những ánh mắt, và những nụ cười chứa chan thiện cảm mà mọi người đã dành cho tôi từ lúc ban đầu (bỗng) tan biến hết trơn. Rồi một vị lão nhiêu, chắc cũng đã bát tuần, mới nhỏ nhẹ đáp lời:

“Chúng tôi lại có chút suy nghĩ khác. Người Việt ở nơi đây từ đời này qua đời nọ nên bây giờ ai cũng đen thủi, đen thui y như người bản xứ. Ngó qua thiệt khó nhận ra là “Duồn” ai là “Miên” nữa. Sự khác biệt chỉ còn ở cái tiếng nước mình thôi. Bởi vậy, khi đã có cơ hội cắp sách đến trường thì ưu tiên là phải dạy bầy trẻ đọc viết tiếng mẹ đẻ cái đã, chớ còn nói như ông thì ...”

Ông anh cũng chưa dứt lời nhưng tôi đã cảm được sự đồng tình của mọi người hiện diện. Rồi có lẽ vì quá xúc động (hay quá bất nhẫn) ổng đưa tay gạt nước mắt và ngồi phịch xuống ghế, tựa như là muốn đứng cũng không nổi nữa!

Những “giọt lệ như sương” của vị đồng hương cao niên khiến tôi chợt nhận ra sự nông nổi và thiển cận của mình. Cùng lúc, tôi cũng “ngộ” được đôi điều quan trọng khác:

Nào phải là tình cờ mà những người Việt từ Bắc Mỹ, từ Úc Châu đều đã cất công tìm đến Cambodia để làm trường học. Cũng đâu phải là vô cớ mà chỉ riêng ở tiểu bang California (Hoa Kỳ) đã có đến cả chục Trung Tâm Dạy Việt Ngữ và hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới, nơi đâu có dân Việt là có những lớp học cho trẻ Việt cùng với sự tham gia (tự nguyện) của hàng vạn giáo viên – từ nửa thế kỷ qua.

 




Khi Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ cho phép giảng dạy Việt Ngữ ở một số trường trung học và đại học tại quốc gia này thì giản dị chỉ vì đó là chủ trương nhân bản và bao dung (đa văn hóa) của xứ sở này. Còn mọi cố gắng, chắt chiu, thương khó để bảo tồn tiếng mẹ đẻ của hàng triệu người dân Việt, đang lưu lạc ở khắp bốn phương (có lẽ) là do sự thôi thúc tiềm ẩn từ vô thức.

Đây là phản ứng tự nhiên từ vô thức tập thể (collective uncounciousness) của cả một giống nòi (trong cơn quốc biến) khi ngôn ngữ của họ đang “bị tha hóa, bị thao túng, bị phá sản một cách có hệ thống” – theo như lời báo nguy của nhà giáo và nhà báo Thái Hạo.

Lời báo động muộn màng này cũng đã giúp tôi hiểu ra lý do mà sư Minh Trí - sau khi xuất gia, từ bỏ mọi hoạt động chính trị - đã hết lòng tận tụy chăm lo cho những lớp học Việt Ngữ, ở Kampuchea, cho đến … hơi thở cuối!

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT